Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức hút của Kỹ nghệ lấy Tây trên sân khấu kịch

Tạp Chí Giáo Dục

Hồng Vân, Bình Minh và Lan Phương trong Kỹ nghệ lấy Tây

Sau thành công của các vở kịch chuyển thể từ văn học hiện thực phê phán như Số đỏ, Chí Phèo – Thị Nở, Bỉ vỏ, Làng nhảy, Người ngựa – ngựa người, sân khấu kịch Phú Nhuận vừa tiếp tục ra mắt khán giả vở Kỹ nghệ lấy Tây của tác giả Lê Chí Trung, chuyển thể từ phóng sự cùng tên của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, đạo diễn NSƯT Hồng Vân. Với nội dung hấp dẫn, cách dàn dựng độc đáo cùng sự tham gia của một “dàn sao” quen thuộc, Kỹ nghệ lấy Tây đã thu hút khán giả ngay từ những xuất diễn đầu tiên.
Văn học lên sàn diễn
Câu chuyện xoay quanh nhà văn kiêm phóng viên người Hà Nội tên Vũ đang đi thực tế viết một phóng sự về làng Thị Cầu nổi tiếng với “công nghệ” lấy Tây. Người đàng hoàng tử tế không ai dám đến Thị Cầu, cũng không ai dám ở cái xứ mà đàn bà con gái đều là “me Tây”. Mỗi người có từ ba đến năm ông chồng Tây, người đi trước kẻ tiếp nối theo sau đến độ co người mở hẳn “cửa hàng” dạy kỹ nghệ lấy Tây cho phái nữ. Ở bên này là “cửa hàng” của bà Ách với giá cao ngất ngưởng, phía bên kia là “cửa hàng” bà Chóp giá bình dân và hay “từ thiện” cho lính Tây. Trong quá trình ở trọ nhà bà Ách để thu thập tài liệu, Vũ đã nảy sinh tình cảm với con gái của bà là Susan. Chuyện tình của họ cũng được bà Ách đồng thuận bởi bà nhận ra Vũ chính là người đàn ông An Nam tử tế nhất mà bà từng gặp. Đã trải qua bốn đời chồng Tây và dù làm nghề “chăn dắt” gái lâu năm nhưng bà Ách vẫn mong mỏi con gái mình có một cuộc sống hạnh phúc với người chồng bản xứ. Tuy nhiên, với Susan, mang trong người dòng máu nửa An Nam nửa Tây, cùng với việc chứng kiến những việc làm của mẹ, cô luôn cảm thấy tủi nhục. Chính vì thế nên dù rất yêu Vũ, Susan vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra không thể có một hạnh phúc thật sự vì xuất thân của mình nên chia tay với Vũ là cách tốt nhất.
Sau một thời gian sống ở làng Thị Cầu, Vũ đã chứng kiến các mảnh đời, số phận bị vùi dập của những người làm “nghề” lấy Tây. Vũ dự định sẽ viết nên một phóng sự hấp dẫn với những nhân vật có thật, sống động. Nhưng rồi Vũ đã thay đổi ý định, không cho đăng bài phóng sự của mình dù nó đã hoàn thành bởi theo anh, không có gì hay ho khi phải phơi bày nỗi niềm chôn giấu của những người bị thời cuộc đẩy đưa vào cái nghề nhơ nhớp mà người đời lên án… Câu chuyện được tác giả Lê Chí Trung xâu chuỗi một cách hợp lý cùng nhiều mảng miếng bất ngờ qua tài dàn dựng của Hồng Vân khiến vở trở nên hấp dẫn, đáng xem.
Một dàn diễn viên sáng giá
Sân khấu kịch Phú Nhuận quy tụ một dàn diễn viên sáng giá nhất như: Hồng Vân, Minh Nhí, Thúy Nga, Xuân Hương, Hòa Hiệp, Văn Ruy, Trịnh Kim Chi, Mai Phương, Xuân Trang vào vai các nhân vật quan trọng trong kịch bản. Đặc biệt nhất là hai vai chính do siêu mẫu Bình Minh và người mẫu Lan Phương thể hiện.
Lần đầu tiên “lấn sân” sang kịch nói, lại là vai “xương sống” của vở, dù áp lực rất lớn nhưng Bình Minh cũng đã cố gắng hoàn thành tốt vai diễn của mình. Bình Minh cho biết: “Tôi đã có ý định đóng kịch từ nhiều năm nay rồi nhưng chưa có vai diễn phù hợp, nay có cơ hội thì chộp lấy ngay. Tôi tán đồng việc đạo diễn Hồng Vân bắt buộc các diễn viên phải đọc các tác phẩm văn học trước khi lên sàn tập. Điều đó giúp cho các diễn viên cảm thụ được nội dung, cái hay, cái đẹp của nhân vật mà ứng biến nhanh hơn. Bản thân tôi đã đọc rất kỹ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đồng thời trao đổi với tác giả Lê Chí Trung về nhân vật của mình. Lời văn của Vũ Trọng Phụng đầy châm biếm và sâu sắc đã chinh phục tôi. Bên cạnh đó, tôi còn tiếp xúc với nhiều phóng viên để học hỏi kinh nghiệm về tác phong, cách đi thực tế thu thập thông tin cũng như đến “thọ giáo” cô Mai Thanh Dung chuyên dạy bộ môn tiếng nói sân khấu và biết được trong quá trình thoại, cần phải đặt tất cả tình cảm của mình vào trong đó để làm bật lên nhân vật mình thủ diễn…”.
Cô người mẫu Hà Nội xinh đẹp Lan Phương đang được khán giả rất yêu mến qua vai Mai Lan trong phim Cô gái xấu xí, cũng là lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu kịch Phú Nhuận, vai Susan của Lan Phương rất sâu sắc, dễ thương nên tiếp tục tạo được ấn tượng đẹp với khán giả. Lan Phương tâm sự: “Ngoài thời gian biểu diễn thời trang và đóng phim, tôi thường xuyên đi xem kịch. Đường dây của sân khấu kịch và làm phim khác nhau rất nhiều. Đặc biệt với kịch nói, phần tiếng nói sân khấu rất quan trọng. Rất may, tôi đã có khoảng thời gian hai năm tham gia bộ phim Cô gái xấu xí, được thu tiếng trực tiếp nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm…”.
KHÔI NGUYÊN

 

Bình luận (0)