Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức hút của phim hoạt hình Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ có các đơn vị nhà nước mà ngày càng có nhiều công ty tư nhân tham gia sản xuất phim hoạt hình

Theo thống kê, doanh thu phim hoạt hình chiếm 12%-15% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Trước đó phim hoạt hình gần như là sân chơi của các bộ phim ngoại nhập.

Chinh phục khán giả Việt

Bộ phim "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" là phim hoạt hình đầu tiên do các nhà làm phim Việt Nam đảm nhận, từ khâu đầu tới khâu cuối cùng và được sự đón nhận tích cực của khán giả lẫn giới chuyên môn. Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhận định các nhà làm phim Việt Nam đã bắt đầu mạnh dạn hơn, dần bước ra khỏi cái nôi an toàn trong việc thực hiện phim hoạt hình, nhiều phim hoạt hình đã được nâng cao chất lượng trong cả nội dung lẫn hình thức.

Có thể kể đến những bộ phim hoạt hình "made in Vietnam" đã chinh phục khán giả như "Khoảnh khắc kỳ diệu" (mang ý nghĩa về tình bạn, tình người và tình cảm gia đình), "Anh Kim Đồng" (bộ phim hoạt hình lịch sử Việt Nam đã được bằng khen của Hội Điện ảnh vào năm 2016), "Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng", "Tít và Mít" (được chuyển thể từ bộ truyện tranh Tý Quậy của tác giả Đào Hải), "Hoạt hình lịch sử Việt Nam" tái hiện lại được câu chuyện chinh chiến và dựng nước của các anh hùng thời xưa, "Giấc mơ của Ếch Xanh", "Xin chào bút chì", "Người anh hùng áo vải", "Cậu bé cờ lau" (bộ phim hoạt hình 3D được giải thưởng Bông Sen Vàng do liên hoan phim Việt Nam trao tặng), "Dưới một mái nhà" (bộ phim hoạt hình ngắn đã đạt gần 3 triệu lượt xem trên YouTube)…

Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay sẽ sớm tổ chức Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình năm 2024. Mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình, phục vụ sản xuất phim năm 2025-2026. Trại sáng tác sẽ mời gọi các biên kịch, tác giả yêu thích thể loại phim hoạt hình gửi kịch bản hoặc đề cương chi tiết về đề tài lịch sử, cổ tích, sự tích, khoa học viễn tưởng, đề tài hiện đại, giáo dục kỹ năng sống… ưu tiên kịch bản về lịch sử, cách mạng, danh nhân, trẻ em bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt.

Theo các nhà chuyên môn, phim hoạt hình ở nhiều nước được xem là mỏ vàng, thậm chí khuynh đảo nhiều rạp chiếu phim bởi sức hút đặc biệt với nhiều đối tượng khán giả. Phim hoạt hình không chỉ là giải trí mà còn là phương tiện giáo dục và truyền đạt thông điệp rất hiệu quả.

Sức hút của phim hoạt hình Việt- Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”. Ảnh: DCCA

Tạo sự phát triển bền vững

Khi ra mắt hồi đầu năm 2024, 3 bộ phim hoạt hình gồm: "Đinh Tiên Hoàng đế", phim cắt giấy 2D, dài 30 phút; "Tiếng cồng núi Nưa", phim hoạt họa, dài 30 phút và "Anh hùng núi Tản", phim 3D, dài 30 phút của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thu hút sự chú ý của công chúng. Hội đồng Duyệt phim ngắn quốc gia, Cục Điện ảnh đánh giá đây là những phim hoạt hình có kịch bản hấp dẫn, được các đạo diễn, họa sĩ đầu tư, tìm tòi công phu, hoành tráng.

Giới chuyên môn nhận định rằng phim hoạt hình Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt. Đó là sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất tư nhân chứ không chỉ có đơn vị nhà nước như trước đây. Sự phong phú về đơn vị sản xuất tạo nên một thế cạnh tranh mà ở đó, chất lượng sản phẩm được dùng như một định lượng không chỉ đánh giá khả năng sản xuất mà còn nâng tầm chất lượng phim hoạt hình Việt.

"Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với những thay đổi, đổi mới về mọi mặt để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam" – bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhấn mạnh. 

Theo ghi nhận của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, 90% khán giả đến xem phim bày tỏ sự yêu thích và có nguyện vọng được tiếp tục xem phim hoạt hình Việt Nam tại rạp, trong đó mong muốn có nhiều phim về đề tài lịch sử.

Theo Thùy Trang/NLĐO

 

 

Bình luận (0)