Sự phát triển các cửa hàng tiện lợi tại nhiều khu dân cư, khu công nghiệp góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dung.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, hiện toàn thành phố có 243 chợ, 125 siêu thị, 35 trung tâm thương mại và gần 300 cửa hàng tiện ích tại các quận, huyện. Số lượng các cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp 4 lần so với năm 2005.
Khách mua hàng tại một Co.op Food ở TP HCM
Nơi mua sắm an toàn, tiện lợi
Các cửa hàng tiện lợi chuyên doanh thực phẩm có diện tích từ 100 – 500 m2, hàng hóa được bố trí gọn gàng, khoa học, có hệ thống tủ đông, tủ mát bảo quản thực phẩm, có các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng… nên thu hút nhiều người mua và cả các nhà cung cấp hàng hóa.
Xếp vị trí đầu bảng về số lượng, chất lượng cũng như quy mô trong cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi là Saigon Co.op với hệ thống 61 cửa hàng Co.op Food. Nhờ vào lợi thế linh hoạt về diện tích kinh doanh, các cửa hàng Co.op Food len lỏi vào sâu trong các cụm dân cư để đưa hàng bình ổn đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Co.op Food chuyên doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, các sản phẩm đồ dùng và may mặc cần thiết. Những mặt hàng sơ chế, chế biến sẵn được đóng gói, đóng vỉ, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa tiện lợi sử dụng.
Co.op Food có thời gian mở cửa linh hoạt từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Hơn nữa, khách hàng còn nhận được nhiều lợi ích gia tăng (giữ xe miễn phí, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà cho đến việc cửa hàng chấp nhận thanh toán trực tiếp qua thẻ ngân hàng, sử dụng phiếu quà tặng Co.opmart và được hưởng mọi quyền lợi tích lũy điểm của chương trình khách hàng thân thiết Co.opmart). Mỗi Co.op Food cũng là một cửa hàng bán hàng bình ổn giá, bên cạnh hệ thống siêu thị Co.opmart.
Thị trường nhiều tiềm năng
Với dân số gần 90 triệu người, cơ cấu dân số đa phần là trẻ, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho sự phát triển các cửa hàng tiện lợi. Theo các chuyên gia kinh tế, cửa hàng thực phẩm tiện lợi đánh vào phân khúc người tiêu dùng bận rộn và là điểm đến với đặc trưng là sản phẩm tươi sạch, chất lượng và vệ sinh. Những cửa hàng nào có hệ thống hậu cần tốt hoặc tranh thủ lợi thế từ đơn vị chủ quản kinh doanh trong cùng lĩnh vực phân phối sẽ giành được lợi thế về giá cả, đây chính là vấn đề cốt lõi cho một cửa hàng tiện lợi thu hút và giữ chân khách hàng.
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, phụ trách chuỗi Co.op Food – chia sẻ: Saigon Co.op đang sở hữu những hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.op Food và Co.opXtra, chính vì thế đơn vị có hệ thống hậu cần rất rộng lớn cùng mối quan hệ gắn bó với những nhà cung cấp. Co.op Food đã khai thác triệt để lợi thế này để mang lại những mặt hàng với giá tốt nhất, chất lượng nhất cho người tiêu dùng. Được biết, Saigon Co.op cũng phối hợp với những hiệp hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để mở rộng mạng lưới Co.op Food.
Thay đổi thói quen người nội trợ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ngoài việc góp phần thay đổi thói quen mua thực phẩm hằng ngày của người nội trợ, việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng là nỗ lực của Saigon Co.op nhằm chăm lo cho cuộc sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại KCX-KCN.
|
Bài và ảnh: MAI TRANG
(NLĐ)
Bình luận (0)