Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sức khỏe ảnh hưởng rất lớn đến thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Trương Trọng Hoàng hướng dẫn HS cách chăm sóc sức khỏe trong mùa thi do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Hàn Thuyên sáng 20-2
Bất cứ học sinh nào khi bước chân vào môi trường học đường đều trải qua những kỳ thi cử. Nhưng trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, kỳ thi đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của mình, rất nhiều thí sinh (TS) đã tỏ ra lo lắng quá mức, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng bài thi.
Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó chủ nhiệm bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Tất cả các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn diễn ra trong không khí rất nghiêm ngặt và đòi hỏi sự tập trung cao độ của từng TS trong phòng thi. Chính điều này đã khiến không ít TS bị căng thẳng do áp lực thời gian, không khí phòng thi và tâm lý. Trong đó, áp lực về kết quả thi, sự kỳ vọng của gia đình, nhà trường và cả của chính bản thân người đi thi là những áp lực về tâm lý nặng nề nhất. Rất nhiều TS luôn bị ám ảnh vì không muốn mình thua sút bạn bè hoặc phải giữ vững thành tích của bản thân. Trong khi đó, thi cử là một hoạt động đòi hỏi sự huy động năng lực của toàn bộ cơ thể trong đó có cả hệ tuần hoàn và hô hấp chứ không chỉ riêng não bộ. Vì thế nếu không chuẩn bị đủ sức khỏe thì hiệu quả hoạt động của cơ thể sẽ kém dẫn đến kết quả thấp hơn so với trong điều kiện bình thường mình đạt được. Bởi vậy, dân gian mới có câu “Học tài, thi phận” là để nói lên điều đó”.
PV: Vậy để đảm bảo sức khỏe trong mùa thi, TS nên làm gì?
Thực tế cho thấy việc giữ gìn sức khỏe tốt trong mùa thi là việc hết sức cần thiết để phát huy tối đa khả năng của bản thân trong khi thi.
– Việc đầu tiên TS phải thực hiện để đảm bảo sức khỏe đó là phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm hữu ích nhằm cung cấp đầy đủ các chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể nói chung và não bộ nói riêng. Cụ thể là các em phải ăn đủ chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…), chất béo (dầu, mỡ, nhất là từ cá vì cung cấp những axít béo rất cần thiết cho não như omega 3, DHA…), chất đường-bột (có trong cơm, mì, xôi, phở…) và nhất là không quên các vitamin, muối khoáng (có nhiều trong các thức ăn giàu đạm nêu trên và các loại rau, quả). Cần lưu ý ăn các thực phẩm giàu chất sắt như huyết, gan, thịt đỏ, các loại đậu, nấm, rau ngót vì sắt là thành phần tạo nên huyết sắc tố giúp hồng cầu có khả năng vận chuyển ôxy đi đến não giúp trí não hoạt động tốt, đặc biệt là đối với các em nữ. Mỗi tháng, các em phải mất một lượng chất sắt nhất định qua kinh nguyệt nên càng cần phải bổ sung loại chất này. Ngoài ra, TS cần chú ý ăn đủ các bữa ăn, nếu có bận đi học thêm thì cũng phải mua đồ ăn hoặc mang theo cơm, tuyệt đối không được bỏ bữa vì việc thiếu dinh dưỡng này lâu ngày sẽ làm cơ thể suy nhược.
Đối với sức khỏe của não bộ, chúng ta không nên ép nó làm việc quá sức. Các em nên hỗ trợ cho hoạt động não bộ bằng cách học bài ở nơi thoáng khí để não được cung cấp đủ ôxy giúp nó hoạt động tốt hơn, đặc biệt phải cố gắng xen kẽ giữa hoạt động trí óc với hoạt động thể lực như tập thể dục, đá cầu, đánh cầu lông… để não có dịp được nghỉ ngơi.
Trong dân gian thường lưu truyền một số kinh nghiệm về ăn uống trong mùa thi, xin bác sĩ có thể giải thích thêm?

Thí sinh thi vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân năm 2010. Ảnh: M.Tâm
– Về chuyện ăn uống trong mùa thi thì dân gian có lưu truyền nhiều chuyện, chủ yếu là các món nên ăn và không nên ăn (kiêng cữ). Thứ nhất là những món ăn phải kiêng như bún (vì cho rằng trơn tuột sẽ không thể nào “đậu” được), kiêng ăn mực (đen như mực), ăn trứng (sợ bị ốc vịt), ăn lạc (sợ bị lạc đề), kiêng ăn chuối (sợ bị “trượt” vỏ chuối)… Thứ hai là những món nên ăn như đậu (đỗ). Xét về mặt khoa học cho thấy những món kiêng cữ như trên thật ra lại rất tốt cho sức khỏe vì chúng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Riêng đậu thì đây là món ăn rất tốt vì cung cấp đủ cả 4 nhóm chất trong đó có cả chất sắt. Tóm lại, các em không nên quá lo lắng về chuyện kiêng cữ, chỉ cần chú ý vấn đề vệ sinh thực phẩm, còn lại ăn đủ chất là tốt.
Trước và sau khi vào phòng thi, thí sinh cần lưu ý những gì để đảm bảo sức khỏe, thưa bác sĩ?
Cách thời gian thi từ một đến nửa tháng, TS nên tập cho não bộ và cơ thể quen dần với thời điểm, thời gian và cường độ làm việc giống như khi thi. Các em nên tập làm bài vào thời điểm giống như khi đi thi với lượng thời gian và khối lượng bài tập tăng dần cho đến mức bằng hoặc hơn khi đi thi một chút. Tuy nhiên, trước thời gian thi từ 1-2 ngày, TS nên vận động thể lực và giảm bớt cường độ làm việc trí óc để não được thư giãn nhờ đó và nhờ đó có thể làm việc tốt khi vào phòng thi.
Về mặt dinh dưỡng: bình thường các em nên tập ăn đúng giờ và tránh ăn vào giờ sẽ thi để cơ thể quen với việc tiêu hóa vào những giờ đó. Chiều tối trước khi thi thì không nên ăn quá no và vào các ngày thi cũng nên ăn đúng giờ với tinh thần thoải mái và chọn ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, tránh các thức ăn chiên, xào, nhiều chất béo sẽ khó tiêu. Ngoài ra, TS cần mang đầy đủ nước để uống khi thi vì nếu thiếu nước, não và cơ thể cũng không hoạt động được tốt.
Trong phòng thi, TS nên giữ tinh thần thoải mái hết mức có thể, ngồi ngay ngắn để quá trình hô hấp không bị trở ngại.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Ngọc Anh (thực hiện)

Khi đã buồn ngủ TS nên đi ngủ hơn là uống cà phê hoặc trà đậm để bắt ép não làm việc. Nếu thời gian học trong ngày không đủ mà muốn học thêm, các em nên dậy sớm để học thay vì phải thức khuya. Lúc đó, não đã được nghỉ ngơi qua một đêm nên hiệu suất học tập sẽ cao hơn. Vào mỗi buổi trưa, các em nên tranh thủ dành thời gian để ngủ, thậm chí chợp mắt 5-10 phút cũng có tác dụng rất tốt.

 

Bình luận (0)