Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sức khỏe học sinh bị thả nổi, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Năm 2006, Liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có Thông tư 35 cho phép các trường có biên chế cán bộ y tế học đường (YTHĐ). Song trên thực tế tại TP.HCM, trong số trên 400 cán bộ YTHĐ chuyên trách chỉ có 50% là biên chế. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phụ tránh YTHĐ Sở GD-ĐT cho biết: “Theo Thông tư 35, để được là biên chế, bắt buộc các cán bộ YTHĐ phải có trình độ từ trung cấp trở lên”…
Tuy nhiên, nếu có trình độ từ trung cấp trở lên sẽ rất hiếm y, bác sĩ xin vào trường học để làm cán bộ YTHĐ. Ngoài mức lương “khiêm tốn” thì làm việc ở trường học sẽ không tạo điều kiện để các y, bác sĩ phát huy tay nghề. Ông Trương Quang Dũng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết: “Cán bộ YTHĐ ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thay đổi thường xuyên. Nhiều y, bác sĩ về trường làm được một, hai học kỳ là xin nghỉ bởi công việc của một cán bộ YTHĐ không giống với công việc của một y, bác sĩ. Trong khi công việc chính của y, bác sĩ là khám chữa bệnh thì cán bộ YTHĐ phải làm hàng trăm thứ việc như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phụ trách vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, tuyên truyền cách phòng chống bệnh tật cho học sinh. Nếu cứ mãi làm công việc của một cán bộ YTHĐ thì tay nghề của các y, bác sĩ sẽ ngày càng mai một…”
Thông tư 35 đã có hiệu lực hơn 2 năm nhưng xem ra không phải trường học nào cũng có cơ hội để áp dụng. Điều đó cũng cho thấy Thông tư 35 khó khả thi. Như vậy đồng nghĩa với việc sức khỏe của học sinh vẫn bị thả nổi.
Về vấn đề này, ông Trần Hường – Phó giám đốc Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho rằng: “Nên chăng để trường sư phạm đào tạo cán bộ YTHĐ”. Quả là một ý kiến hay. Bởi thực tế đã chứng minh, các trường y đào tạo nhân lực cho các bệnh viện còn không kịp thì làm sao đào tạo “giúp” cho trường học được…
H.Triều

 

Bình luận (0)