Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sức khỏe người dân bị cân đong trên bàn cân lại quả

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18.11.2008, văcxin Cervarix của công ty GlaxoSmithKline (Anh, gọi tắt là GSK) đã được thứ trưởng bộ Y tế Cao Minh Quang quyết định công bố cho lưu hành tại Việt Nam, chỉ định chích ngừa cho nữ từ 10-55 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Trong khi đó loại văcxin này, cơ quan cấp phép của châu Âu (EMEA) cấp số đăng ký lưu hành ngày 20.9.2007 chỉ dùng cho trẻ em và phụ nữ từ 10-25 tuổi. EMEA chưa phê duyệt cấp phép cho lứa tuổi từ 26 trở lên.
Hàng triệu phụ nữ tuổi từ 26 – 55 bỏ tiền ra chủng ngừa – nhưng hiệu quả ra sao?
Ngay sau đó, các nhà khoa học Việt Nam rất lo ngại về chỉ định trên. Theo ông Đỗ Gia Cảnh – thành viên nhóm chuyên gia thẩm định văcxin cục Quản lý dược, nghiên cứu về Cervarix ở Việt Nam chỉ thực hiện trên 220 phụ nữ 25-40 tuổi, nhưng khi cấp phép lại mở rộng chỉ định tiêm lên nhóm 10-55 tuổi là không phù hợp. “Tôi cho rằng việc cho phép chỉ định văcxin này cho nhóm 10-55 tuổi ở Việt Nam là rộng và chưa đủ bằng chứng khoa học”, ông Cảnh đánh giá.
Trước đó, ngày 24.7.2008, thứ trưởng Cao Minh Quang cũng đã có quyết định công bố văcxin Gardasil của công ty Merck Sharp & Dohme (Mỹ, gọi tắt là MSD) được lưu hành tại Việt Nam, có chỉ định chích ngừa cho nữ từ 9-26 tuổi để phòng ung thư cổ tử cung.Tuy nhiên cùng thời gian này, ông Quang đã có thư bằng tiếng Anh, đóng dấu bộ Y tế gửi công ty MSD, cho rằng công ty này đã “vận động hành lang” trong quá trình đăng ký lưu hành Gardarsil, trong đó có tố cáo đích danh lãnh đạo MSD tại Việt Nam.
Cùng là văcxin phòng ung thư cổ tử cung nhưng một công ty (GSK) lại được ông Quang “rộng tay” chỉ định chích quá độ tuổi cho phép, một công ty (MSD), ông Quang lại vừa cho phép vừa “đánh” ? Lúc đó thanh tra bộ Y tế và Uỷ ban kiểm tra TƯ Đảng mới làm rõ 1/2 sự thật. Kết luận thanh tra của bộ Y tế cho biết là không phát hiện việc vận động hành lang. Việc tố cáo sai sự thật đã làm mất uy tín của cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực dược và cả bộ Y tế. Uỷ ban kiểm tra TƯ đã kết luận, xử lý “Riêng đồng chí Cao Minh Quang – ủy viên Ban cán sự Đảng, thứ trưởng bộ Y tế – đã có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân dẫn đến sai phạm, UBKT T.Ư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý hành chính theo thẩm quyền”.
Chuyện ông Cao Minh Quang và 2 công ty MSD, GSK mới phần nào được sáng tỏ khi chính thứ trưởng Quang cho biết về vụ vay tiền của BV Pharma: “Tôi vay hai lần, tổng cộng 2 tỉ đồng, lãi suất 0,62 %/tháng, trả trong vòng một năm. Vợ tôi là Nguyễn Thị Ngọc Loan đã chuyển trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi và tôi không còn bất kỳ khoản nợ nào với ông Dũng từ ngày 21.6.2008". Để chứng tỏ sự trong sạch, ông còn khẳng định: “Quan điểm của tôi vay ai cũng là vay, vấn đề là tôi vay có giấy chứng nhận nợ, trả đúng hạn và trả lãi, là đúng pháp luật, không phải tranh tối tranh sáng, không lợi dụng. Trong cuộc sống, tôi cho chuyện vay mượn đúng pháp luật là chuyện bình thường …".
Ngay cả trong việc vay – trả thực sự rạch ròi, sòng phẳng thì khi lãnh đạo ngành hỏi vay của doanh nghiệp trực thuộc, ắt hẳn ai cũng hiểu rằng – là đặt doanh nghiệp vào tình huống khó xử… Quả nhiên, ông Quang được BV Pharma ưu ái cho vay 2 tỉ đồng không cần thế chấp với lãi suất “bèo” 0,62%/tháng (7, 44%/năm) so với lãi suất cho vay của các ngân hàng vào thời điểm ấy phải 1 – 1,08%/tháng (12- 13%/năm).
Điều đáng nói là ông Quang vay, nhưng không phải vợ ông Quang trả, mà là bà Nguyễn Ngân Quyên, đại diện văn phòng hãng GSK tại Việt Nam trả thay!
Theo các báo phản ảnh, đầu năm 2007, vào thời điểm vay tiền của BV Pharma, ông Quang đã đưa bà Nguyễn Ngân Quyên đến BV Pharma giới thiệu là người thân quen… Bỗng dưng, ngày 14.5.2007 bà Quyên chuyển 2 tỉ đồng từ ShinhanVina Bank vào tài khoản của BV Pharma. Hai ngày sau, 16.5.2007, từ yêu cầu của TGĐ Ngô Chí Dũng, công ty đã chuyển trả 1,2 tỉ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Ngọc Loan (vợ ông Quang), còn 800 triệu đồng công ty thu hồi để xóa phần tiền mà ông Dũng đã ứng trước đó. Tổng số tiền 2 tỉ đồng (đã chi cho bà Loan và ông Dũng) đã được cấn trừ vào số tiền 2 tỉ đồng do bà Quyên chuyển vào tài khoản của BV Pharma ngày 14.5.2007. Sau đó, bà Loan đã chuyển trả cho ông Ngô Chí Dũng 2 tỉ đồng.
Câu hỏi đặt ra: nếu như diễn tiến êm xuôi, độ tuổi không được điều chỉnh, liệu hàng triệu phụ nữ Việt Nam tuổi từ 26 – 55 bỏ tiền ra chủng ngừa – nhưng hiệu quả ra sao? Liệu có phải vì được bà Quyên “trả thay" 2 tỉ đồng, ông Quang đã vung tay nới độ tuổi chỉ định từ 10 – 55? Liệu còn có bao nhiêu mặt hàng thuốc, văcxin khác được ông Cao Minh Quang cấp số đăng ký – mà sức khỏe người dân bị cân đong trên bàn cân lại quả?
Theo Kim Sơn
SGTT.VN 

Bình luận (0)