Những trận động đất lớn đủ sức nhấn chìm núi lửa, hoặc di chuyển các ngọn núi hùng vĩ nhất.
Nỗi lo sợ lớn nhất của giới khoa học sau mỗi trận động đất mạnh không chỉ nằm ở mức độ tàn phá của chúng, mà còn là nguy cơ có thể đánh thức vô số núi lửa nằm trong bán kính bị rung chuyển. Đó cũng là lý do các nhóm chuyên gia tức tốc lên đường ngay sau khi được thông báo có địa chấn mạnh trong vài năm gần đây.
Vụ động đất 8,8 độ Richter tại Chile không kích hoạt núi lửa phun trào như vẫn tưởng – Ảnh: Reuters
Kết quả khảo sát địa chất do hai nhóm khoa học gia khác nhau thực hiện cho thấy các trận động đất khủng khiếp đã giáng xuống Nhật Bản và Chile lần lượt vào năm 2011 và 2010 đã làm lún vài quả núi lửa lớn, khiến chúng bị sụt xuống đến 15 cm. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến một loạt núi lửa bị chìm xuống sau một trận động đất. Dù các quả núi nằm hai bên bờ Thái Bình Dương, chúng sụt xuống theo hướng rất tương đồng nhau. Cả hai nhóm chuyên gia đều có sự giải thích khác nhau về lý do những núi lửa này bị chìm xuống, theo báo cáo trên chuyên san Nature Geoscience. Tuy nhiên, ai cũng đồng ý rằng có vẻ như sẽ phát hiện thêm nhiều ví dụ tương tự sau những trận động đất lớn, và tìm ra một cơ chế duy nhất kiểm soát quá trình này.
Các nhà nghiên cứu từ thời Charles Darwin đã lưu ý rằng những núi lửa đôi khi nổ tung phần chóp sau các cơn địa chấn. Và những trận động đất 9 độ Richter tại Nhật Bản vào năm 2011, và 8,8 độ Richter ở Chile vào năm 2010, có thể kích hoạt những cơn chấn động nhẹ tại núi lửa cách đó hàng ngàn km. Sau hai sự kiện trên, các đội nghiên cứu cẩn thận theo dõi dấu hiệu của những đợt phun trào núi lửa kế tiếp. Thế nhưng, thay vì chuyển mình và bùng nổ, chúng chỉ lặng lẽ “rùng mình” và thõng xuống, hoặc giữ nguyên hiện trạng. Các núi lửa và miệng núi lửa khổng lồ tương tự như cái ở Công viên Quốc gia Yellowstone (bề ngang từ 15 đến 30 km) đã lún thêm từ 5 đến 15 cm. Mỗi khu vực đều có hình dạng bầu dục kéo dài, chạy song song với đường đứt gãy động đất ngoài khơi nằm cách chúng khoảng 125 đến 185 km. Dữ liệu vệ tinh cho thấy có sự thay đổi ở các đối tượng nghiên cứu của cả hai nhóm.
“Thật là tuyệt vời, nhìn những sự tương đồng giữa chúng. Tôi nghĩ đây đó là ví dụ hết sức rõ ràng cho thấy quá trình này diễn ra ở khắp nơi”, theo nhà địa vật lý Matthew Pritchard của Đại học Cornell (Mỹ) và là trưởng nhóm của một trong 2 nghiên cứu về tình trạng sụt núi lửa sau động đất. Còn trưởng nhóm nghiên cứu còn lại, Youichiro Takada, nhà địa vật lý học thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) nhận xét rằng: “Thậm chí dù không có sự phun trào rõ ràng nào, nhưng cơn động đất lớn ảnh hưởng đến núi lửa”. Cả hai nhóm lên kế hoạch rà soát lại dữ liệu vệ tinh để tìm những chứng cứ về các lần sụt núi sau động đất khác, cũng như theo dõi các núi lửa trong những trận động đất tương lai nhằm nắm bắt ngay bất kỳ thay đổi nhỏ nào đối với các hung thần đang án binh bất động này. Họ cũng tìm được thêm chứng cứ giải thích được tại sao một số trận động đất có thể kích hoạt núi lửa phun trào, còn số khác thì không.
Đứt gãy núi lửa cũng tự lành như xương
Sau trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào năm 2008, các chuyên gia đã quan sát một quá trình ấn tượng: các “vết thương” địa chất tự lành giống như trường hợp gãy xương ở người.
Theo tạp chí Time, bên dưới lòng đất, cơn địa chấn đã xé toạc đất đá dọc hai bên đường đứt gẫy, nới rộng khoảng cách đến 304 m hoặc hơn, mở ra một hệ thống nứt chằng chịt. Tuy nhiên, theo thời gian những vết nứt này dần dần tự lành, và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cơ chế đó.
Hạo Nhiên (TNO)
Bình luận (0)