Cô Đoan Trang và thầy Dũng Lâm trò chuyện với các em học sinh trong trường |
Công tác chủ nhiệm luôn vất vả và bận bịu. Vì vậy, để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thì nhà trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công việc.
Không thể cứng nhắc, rập khuôn
Theo cô Nguyễn Nữ Đoan Trang (giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 12A2 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM), Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm công tác này thể hiện ở chỗ phải có chương trình làm việc và kế hoạch hành động cụ thể. Kế hoạch đó không chỉ từng tháng, từng năm mà phải từng tuần, từng ngày. Nếu nhà trường thiếu quan tâm, không có hướng chỉ đạo phù hợp thì dù GVCN có năng nổ đến mấy cũng không có cơ hội để đóng góp tốt phong trào. Trong công việc, GVCN phải là người khéo léo, không thể cứng nhắc, rập khuôn mà tùy theo từng trường hợp cụ thể để xử lý tình huống giáo dục. Bởi học sinh bây giờ rất nhạy cảm, tâm hồn “mong manh dễ vỡ” nên chỉ cần GVCN la mắng nhẹ là các em cảm thấy bị xúc phạm hoặc có suy nghĩ bị thầy cô ghét bỏ. Đây là điều khó, GVCN có kinh nghiệm mới giải quyết được. Vì thế cần phải có sự thông cảm, hiểu nhau giữa thầy và trò. Và khi học sinh phạm lỗi, GVCN nên dành những lời khuyên nhẹ nhàng, thái độ ân cần làm sao để các em thấy mình có lỗi mà vẫn được thầy cô thương yêu, nhưng không được dễ dãi, buông lỏng kỷ cương. “Tôi có may mắn là có gần 30 năm làm công tác chủ nhiệm, là GV lớn tuổi nên học sinh cũng kính nể hơn, các em coi tôi như cha mẹ nên dễ nghe lời”, cô Trang chia sẻ.
GVCN phải nỗ lực thật nhiều
Thầy Lưu Quang Dũng Lâm (GVCN lớp 12A7 Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: Môi trường xã hội bây giờ có nhiều cạm bẫy dễ làm cho học sinh nhiễm thói hư tật xấu nếu các em không có ý thức đề phòng. Vì thế nhà trường, đặc biệt là GVCN phải sâu sát, quan tâm định hướng cho các em. Tôi còn nhớ trước đây trong lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh có bố là công an, luôn đưa con đến cổng trường rồi mới đi làm. Em học sinh này không vào lớp mà sang bên kia đường chơi game. Tôi kịp thời phát hiện và từ từ khuyên nhủ em, vì thế em đã tiến bộ dần đến bố mẹ cũng phải ngạc nhiên. Rõ ràng trong công tác giáo dục học sinh luôn đòi hỏi GVCN phải nỗ lực thật nhiều, đôi khi không thể xao nhãng dù một ngày, một giờ.
Khi nhận công tác chủ nhiệm, tôi đặc biệt chú trọng bước tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em thông qua bản sơ yếu lý lịch. Trong đó có một số mục mà người khác có thể không để ý như: Thuận lợi – khó khăn của em hiện nay, ai là những người bạn thân nhất của em, nguyện vọng của bản thân… GVCN mà hiểu kỹ học sinh trong lớp thì dễ dàng chia sẻ dù các em có vi phạm đi chăng nữa. Đó là trường hợp của một học sinh từng phá bàn ghế nhà trường. Thay vì báo cho gia đình biết tôi lại trực tiếp khuyên em điều hay lẽ phải. Em rất sợ bố đánh đòn nên thật sự cảm kích cách giải quyết của thầy, hôm sau em tự mang dụng cụ đến sửa lại toàn bộ bàn ghế đã hư trong lớp. Không chỉ là người thầy, GVCN còn là người bạn. Ngoài đòi hỏi cái tâm, lòng vị tha, GVCN phải biết phân tích đúng sai, điều hay lẽ phải cho các em. Nếu chỉ la mắng, trách phạt thì học sinh dễ bị sốc, nhất là khi các em bị oan uổng. Có học sinh chấp nhận sự trách phạt để tiến bộ nhưng có em lại cần lời nói dịu dàng thông cảm. Đây là điều GVCN phải biết rõ đối tượng để xử lý tình huống hợp lý, hợp tình. Đặc biệt, học sinh rất tinh ý nên sẽ mất niềm tin nếu GVCN thiên vị, giải quyết thiếu dân chủ vì thế chúng ta thật sự phải sòng phẳng và công bằng với các em. GVCN biết động viên học sinh khi các em có phiền muộn, lo âu và chia vui khi các em có tiến bộ. Có nhiều sự cảm hóa học sinh nhưng tình thương và sự chia sẻ có sức mạnh lớn nhất để các em kính trọng và nghe theo lời khuyên nhủ của thầy cô là GVCN lớp.
Phan Ngọc Quang (ghi)
Bình luận (0)