Hội nhậpThế giới 24h

Sức mạnh khí đốt và dầu mỏ của Qatar – nước đăng cai World Cup 2022

Tạp Chí Giáo Dục

Dầu khí đã biến Qatar – quốc gia đăng cai World Cup 2022 – trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Dầu mỏ và khí đốt giúp Qatar trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới.
Tháng 12.2010, Chủ tịch FIFA Joseph Blatter mở chiếc phong bì, trong đó có một mảnh giấy ghi dòng chữ Qatar. Vào thời điểm đó, ít ai có thể ngờ rằng quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự của Mỹ – quốc gia đã có đơn đăng cai tổ chức World Cup 2022 do chính cựu Tổng thống Bill Clinton và diễn viên Morgan Freeman đệ trình; hay Australia với đại diện là siêu mẫu Elle MacPherson.
Các nhà chức trách Qatar khi đó hứa sẽ xây dựng 12 sân vận động hiện đại nhất và sẽ sử dụng công nghệ làm mát để không chỉ các cầu thủ mà hàng nghìn khán giả có thể tránh được cái nóng nơi đây.
“Sức mạnh của khí đốt và dầu mỏ” là tiêu đề bài báo của tờ El Mundo (Tây Ban Nha) một ngày sau khi có quyết định. 4 năm sau, báo chí bắt đầu công khai nói về việc chính quyền Qatar chi 5 triệu USD hối lộ để được quyền đăng cai World Cup. Doha đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Không có gì ngoài khí đốt trên sa mạc
Nguồn tài nguyên trị giá hàng tỉ USD của một đất nước có diện tích chỉ lớn hơn một chút so với Cyprus hoặc Kosovo (khoảng 11 nghìn km²), khiến nhiều người phải ghen tị.
Khoảng 2,9 triệu người sống ở Qatar, nhưng chỉ có 10% là công dân nước này. Những người dân may mắn đó được hưởng tất cả các quyền lợi như lương hưu cao, giáo dục đại học miễn phí, chăm sóc sức khỏe miễn phí, không phải nộp thuế thu nhập, hỗ trợ tài chính cho vợ chồng mới cưới, trợ cấp nhà ở và các dịch vụ xã hội, hỗ trợ nhà ở…
Tất cả ưu đãi này là nhờ một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới chứa khoảng 10% trữ lượng thế giới. Dầu khí đã biến quốc gia nhỏ bé – có lịch sử chỉ bắt đầu nửa thế kỷ đến nay – trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Qatar là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Quá trình hiện đại hóa đất nước
Năm 1951, Qatar sản xuất 46.500 thùng dầu mỗi ngày. Sau đó, tập đoàn Shell phát hiện ra các mỏ dầu ngoài khơi và tăng sản lượng lên 233.000 thùng mỗi ngày.
Lợi nhuận từ việc bán tài nguyên thiên nhiên cho các nước Châu Âu đã giúp Qatar khởi động quá trình hiện đại hóa đất nước. Vào những năm 1950, các trường học, bệnh viện, nhà máy điện, hệ thống khử muối và tổng đài điện thoại đầu tiên bắt đầu xuất hiện.
Qatar giành độc lập từ Anh vào năm 1971. Một năm sau, Caliph bin Hamad lên nắm quyền. Quyết định đầu tiên của Hamad là giảm các khoản chi tiêu của hoàng gia và tăng tài trợ cho các chương trình xã hội liên quan đến nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chi trả lương hưu. 
Thay đổi hướng đi
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 và sự sụt giảm giá "vàng đen" đã làm cho nền kinh tế Qatar suy giảm. Nhưng sự xuất hiện của một nhà cai trị mới, Hamad bin Khalifa Al-Thani, đã báo trước một chính sách tăng tốc kinh tế mới.
Một trong những bước đầu tiên của Sheikh Hamad là đẩy nhanh sự phát triển của mỏ phía bắc và tăng sản lượng dầu. Ngoài ra, Qatar đã đặt cược vào khí đốt và lần đầu tiên bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh và Tây Ban Nha trở thành những khách hàng mua khí đốt chính.
Mở rộng sức ảnh hưởng
Năm 1996, người Mỹ đặt chân đến Qatar với tư cách là người bảo vệ an ninh. Họ đã xây dựng Căn cứ Không quân Al Udeid khổng lồ với chi phí hàng tỉ USD và nơi đây trở thành trung tâm hậu cần và chỉ huy cho quân đội Mỹ. Đồng thời, một thị trấn khoa học được thành lập, gồm sáu trường đại học Mỹ và hai trường đại học Châu Âu, cũng như các trung tâm nghiên cứu khác.
Vào giữa những năm 2000, Qatar đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, có doanh thu từ dầu khí chiếm 60% GDP của cả nước. Quỹ tài sản có chủ quyền được thành lập vào thời điểm đó ước tính trị giá 170 tỉ USD, và hiện tại tài sản của nó là 450 tỉ USD.
Sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha vào ngày 29.10.2022 trước World Cup 2022.
Chi phí cho giải vô địch
Theo báo cáo của giới truyền thông, Qatar đã chi gấp 3-4 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác đã chi cho World Cup – khoảng 220 tỉ USD. Gần 10 tỉ USD trong số đó đã được dùng để xây dựng bảy sân vận động mới. Phần tiền còn lại được chi cho cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là tàu điện ngầm, sân bay mới, xây dựng hơn 100 khách sạn mới, hệ thống viễn thông và an ninh.
Nhà cầm quyền Qatar dự tính sẽ có 1,3 triệu người hâm mộ. Nếu giả định rằng trung bình mỗi khán giả xem World Cup dành 4 ngày ở Qatar và chi 300 USD mỗi ngày, thì Qatar sẽ chỉ nhận được 1,56 tỉ USD ngân sách. Theo các ước tính khác, số tiền này có thể lên tới 7,5 tỉ USD. Nhưng rõ ràng là tất cả những khoản thu này sẽ ít hơn nhiều lần so với các khoản đầu tư đã được thực hiện.  
Ngoài ra, khi kết thúc World Cup, một số sân vận động sẽ được tháo dỡ và chuyển đi nơi khác. Liệu các cơ sở thể thao được xây dựng có mang lại hiệu quả trong tương lai hay không là một câu hỏi lớn. Nhưng các nhà chức trách Qatar đã chủ động thực hiện một cuộc phiêu lưu thoạt nhìn có vẻ không có lợi như vậy. Họ mong muốn World Cup sẽ giúp thu hút khách du lịch và đầu tư, thúc đẩy ngoại thương và trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế lớn nhất.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)