Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sức mua tại các chợ truyền thống giảm mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Tại thời điểm này, đi đến đâu khách hàng cũng bắt gặp cụm từ “xả hàng”. Từ kinh doanh thời trang, điện máy đến các mặt hàng tiêu dùng nhanh, từ chợ đến các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM)… đều phải áp dụng biện pháp giảm giá trực tiếp trên sản phẩm mới có thể bán được hàng. Tuy nhiên, kinh doanh ế ẩm nhất vẫn là các chợ truyền thống. Làm thế nào để nâng sức cạnh tranh của các chợ đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong tình hình hiện nay?

Mua thịt heo tại chợ Tân Định, quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm đều

10 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ An Đông. Thời gian trước, đây là 1 trong 2 thời điểm mua bán cao điểm của ngôi chợ này, nhưng hình ảnh ấy đã lùi vào quá khứ. Dọc các hành lang, đường qua lối lại tại chợ chỉ thấy người bán, tuyệt nhiên không có một khách hàng. Chị Muỗi bán hàng tại sạp Thảo My (sạp I1-12) tầng trệt, chuyên kinh doanh các loại vải sợi cho biết, chị đã bán hàng cho mấy đời chủ sạp tại chợ, nhưng chưa bao giờ sức mua lại giảm nhiều như năm nay. Nếu trước đây, vào lúc ế thì còn có thể bán sỉ được các loại vải may đồng phục công sở, đồng phục học sinh nhưng nay sức mua giảm đều ở các mặt hàng. Theo chị Muối, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay mãi lực tiếp tục giảm khoảng 20%.

Tương tự, chị Diễm My, chủ gian hàng Diễm My – Diễm Thy (sạp C89-99, lầu 1) chuyên bán sỉ và lẻ quần áo trẻ em cũng cho rằng, sức mua tại chợ quá thấp và đang giảm chung ở nhiều ngành hàng chứ không riêng quần áo. Trước đây, bạn hàng của chị Diễm My trải dài theo nhiều tỉnh, thành cả nước vì mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh nhưng 2 năm gần đây số lượng và giá trị các đơn hàng giảm rõ rệt. Cả những khách hàng mua lẻ cũng giảm mạnh. “Có thể kinh tế khó khăn nên việc chi tiêu ngày càng tiết kiệm. Đặc biệt, với quần áo không phải là sản phẩm buộc phải mua như thực phẩm tươi sống nên sức mua giảm là điều dễ hiểu. Nếu tình hình kéo dài, tiểu thương sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – chị Diễm My phân tích.

Không riêng chợ An Đông, tại nhiều ngôi chợ loại 1 của TP như Bình Tây, Bến Thành, Tân Định… mãi lực cũng giảm khá mạnh. Nhiều người đã quen với cảnh người và hàng đông tràn ngập trước mặt tiền chợ Bình Tây vào cao điểm 3-4 giờ chiều, nay không khỏi cảm thán cho cảnh vắng vẻ. Tuy nhiên, mức độ giảm sức mua và dừng kinh doanh của các chợ loại 1 không diễn ra phổ biến và trên diện rộng như các chợ loại 2, loại 3.

Khoảng 10 năm trước, chợ Phạm Văn Hai được biết đến không chỉ là chợ đầu mối về thịt heo mà tại khu vực nhà lồng khách hàng lúc nào cũng đông nườm nượp. Hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả rất cạnh tranh, đặc biệt là mặt hàng vải sợi và quần áo. Nhưng nay, khi chúng tôi đến chợ thì nhiều gian hàng đóng cửa vì lý do quá ế ẩm, mãi lực giảm 25%-30% tùy ngành hàng. Theo số liệu của Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, toàn chợ có 815 hộ kinh doanh với gần 1.600 sạp. Nhưng từ đầu năm đến nay, số hộ xin nghỉ kinh doanh luôn và nghỉ tạm thời lên đến vài chục hộ. Sau khi giải tỏa chợ Văn Thánh cũ để nhường đất cho nhà đầu tư và di dời chợ vào một con hẻm, số phận và tình trạng buôn bán ở chợ Văn Thánh mới còn tệ hơn. Hầu hết các gian hàng trong nhà lồng đều đóng cửa, hiện chỉ còn một số sạp tạp hóa buôn bán cầm chừng.

Tăng sức cạnh tranh – cách nào?

Tại chợ An Đông, nhiều tiểu thương cho biết, từ 3 năm qua, tình trạng nói thách giá đã giảm đáng kể, thay vào đó, họ đã nỗ lực để chăm sóc khách hàng nhiều hơn. Chẳng hạn, khi khách hàng mua vải, tiểu thương phải nói rõ xuất xứ, đồng thời tư vấn về kiểu dáng, màu sắc để khách lựa chọn vải có chất liệu phù hợp. Một số tiểu thương cũng không ngại giới thiệu hoặc dẫn khách hàng đến may đồ tại các nhà may uy tín, giá cả hợp lý. Trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng tươi sống, nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành đã giúp khách hàng lặt rau hoặc tư vấn cách chế biến các món ăn như một đầu bếp thực thụ,…

Tuy vậy, những nỗ lực của tiểu thương vẫn không duy trì được mãi lực tại các chợ. Theo phân tích của một chuyên gia thị trường, chợ truyền thống mất đi sức cạnh tranh vì nhiều lý do. Thứ nhất, các loại hình kinh doanh hiện đại ngày càng nhiều và đa dạng đã chia nhỏ lượng khách hàng đến chợ. Thứ hai, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng các chợ lại chưa làm tốt việc này. Thứ ba, nạn nói thách, kinh doanh hàng kém chất lượng đã được chấn chỉnh từng bước song vẫn còn tồn tại khiến người tiêu dùng có tâm lý ngại đến chợ. Thứ tư, tại TPHCM nhiều chợ đã xuống cấp nhưng đến nay vẫn chưa có những biện pháp nâng cấp, tu sửa hiệu quả… Ngoài những vấn đề trên thì tình trạng chợ lề đường, bán hàng rong vẫn còn phổ biến, tạo sự cạnh tranh quyết liệt về giá.

Theo quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, TPHCM sẽ không xây dựng thêm các chợ mới mà tập trung vào việc hỗ trợ chợ phát triển như đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, tập huấn cho ban quản lý và tiểu thương nâng cao kỹ năng quản lý và nghiệp vụ bán hàng. Mặt khác, Sở Công thương TPHCM đã hoàn chỉnh kế hoạch triển khai dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2014. Mục đích của dự án nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là quyền lợi thiết thực của tiểu thương trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, trước mắt các sở, ngành chức năng đã thống nhất chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để thực hiện thí điểm việc quản lý theo chuỗi an toàn thực phẩm từ đầu vào (tức phải có nhật ký theo dõi sản phẩm) cho đến nơi tiêu thụ cuối cùng, thông qua đó đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tiêu thụ ở các chợ. Theo đó, TP cũng đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cho chợ và từng tiểu thương. Hiện 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đã được cấp chứng nhận thương hiệu và đang khuyến khích xây dựng thương hiệu cho thương nhân.

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm là một dự án khó, vì liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó khó nhất là việc thay đổi thói quen mua bán của tiểu thương. Nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Khởi điểm của dự án chỉ từ một vài ngành hàng, nhưng nếu làm hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng như vết dầu loang, tiểu thương khi thấy có lợi sẽ tạo đà để TP có thể triển khai đến nhiều ngành hàng và nhiều chợ khác. Đây là phương án để giúp các chợ truyền thống tồn tại và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế.

THÚY HẢI (SGGP)

Bình luận (0)