Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sức mua yếu, doanh nghiệp ngại vay vốn

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã vào cao điểm kinh doanh cuối năm nhưng nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đắn đo khi quyết định vay vốn do lo ngại đầu ra, sức mua yếu.

Sức mua yếu, doanh nghiệp ngại vay vốn
Công nhân đóng gói sản phẩm đưa đi xuất hàng tại Công ty TNHH Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa

Thêm vào đó, dù gần đây một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cuối năm vẫn là một ẩn số cũng khiến doanh nghiệp chùn tay.

Doanh nghiệp lo đầu ra

Có ý định vay 400 triệu đồng để chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm khô bỏ sỉ cho các bạn hàng ở tỉnh, chị L.T.V., tiểu thương kinh doanh hàng khô ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), cho biết đã liên hệ ngân hàng B vay và được thông báo lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.

“Nhân viên cho biết tôi có thể được vay với điều kiện phải có tài sản thế chấp. Tôi suy nghĩ mãi và quyết định thế chấp giấy tờ nhà để được vay”, chị V. kể lại.

Theo tính toán của chị V., nếu  bán dịp tết sắp tới suôn sẻ thì mức lãi suất 7% nói trên “cũng không là vấn đề”. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất, theo chị V., là không dự báo được sức mua thị trường ra sao.

“Năm ngoái cũng dự báo hàng bán chậm nên tôi đặt lái để hàng cho mình cũng ít, giờ chót lại hút hàng nên năm nay tính đặt nhiều hơn năm rồi khoảng 10%. Tính vậy thôi nhưng tôi sẽ xem xét lại tùy theo tín hiệu thị trường, bởi theo dự đoán sức mua đang chậm hơn so với cùng kỳ ít nhất 20% nên khá lo”, chị V. cho hay.

Có quy mô lớn hơn nhiều so với chị V., bà Đ.Q. – chủ tổ hợp may quần áo thời trang chuyên bỏ mối cho các chợ sỉ Tân Bình, An Đông – cũng chỉ dám vay 1 tỉ đồng, lãi suất 8%/năm cho khoản vay ngắn hạn để nhập nguyên liệu bỏ cho các cơ sở vệ tinh chuẩn bị may hàng tết.

Ngoài cơ sở sản xuất chính tại Q.12, bà Q. cho biết đang có thêm 10 điểm may bên ngoài làm vệ tinh để làm hàng cho Noel và tết âm lịch sắp đến.

Do vẫn bị hàng Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh kịch liệt nên tổng lượng hàng bà Q. dự kiến sản xuất chỉ bằng năm ngoái, chủ yếu là quần jean và kaki các loại.

“Tôi phải dẹp không sản xuất các loại áo thun nam nữ, chỉ tập trung vào mặt hàng quần jean và kaki nam vì loại hàng này thời gian bán được dài, không sợ bị lỗi mốt, khả năng không thu hồi được vốn sẽ thấp. Chưa bao giờ việc dự đoán thị trường khó như năm nay”, giọng bà Q. đầy âu lo.

Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp hội viên vẫn chưa nhận được tín hiệu lãi suất cho vay mùa làm ăn cuối năm sẽ hạ, dù trước đó thông tin ngân hàng hạ lãi suất huy động từ 0,3-0,5% đã được nhiều doanh nghiệp vui mừng đón nhận.

“Nếu lãi suất cho vay hạ, đặc biệt thời điểm làm hàng mùa cuối năm đang đến gần, thì doanh nghiệp đỡ lo rất nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn vốn vay, dù lãi suất không hề thấp, vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp”, bà Chi nhận định.

Lãi suất cuối năm vẫn là một ẩn số

Mới đây hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB, Đông Á… đã bất ngờ giảm lãi suất huy động. Ngoài việc cân đối lại thanh khoản, còn có nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ tháng 7 âm lịch đến nay.

Do vậy một số ngân hàng nhỏ trước đây áp dụng lãi suất huy động cao nay đã điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng có trụ sở tại quận 3 cho biết đợt điều chỉnh lãi suất vừa qua nhằm cân đối lại cho phù hợp giữa các kỳ hạn.

Còn diễn biến lãi suất từ nay đến cuối năm chưa đoán định được vì cao điểm vay vốn cuối năm rơi vào các tháng từ tháng 10 đến tháng 12.

“Việc giảm lãi suất cho vay là mong muốn nhưng thực hiện được hay không còn tùy thị trường do các ngân hàng còn đang bị áp lực đến ngày 1-1-2017 tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung hạn giảm từ 60% như hiện nay xuống còn 50% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy các ngân hàng vượt tỉ lệ này buộc phải tăng huy động để kéo giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn”, vị giám đốc này nói.

Vậy liệu áp lực huy động vốn để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có đẩy lãi suất huy động cuối năm tăng?

Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn có trụ sở tại quận 1 cho biết lãi suất có tăng hay không còn phụ thuộc đầu ra.

Hiện đầu ra của ngân hàng chưa như mong muốn trong khi chênh lệch giữa lãi suất đầu vào – đầu ra của ngân hàng đang thấp nên ngân hàng cũng phải cân nhắc khi muốn tăng thêm lãi suất huy động.

Đánh giá về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong tình hình hiện nay, việc giảm lãi suất vừa qua của các ngân hàng là không bền vững vì còn nhiều yếu tố chi phối đến lãi suất như áp lực huy động để đáp ứng các tỉ lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu…

“Việc giảm lãi suất huy động đang được kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng chung do lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm, nhưng trong bối cảnh hiện nay khó kỳ vọng xu hướng này sẽ duy trì được lâu”, ông Hiếu nói.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là tín hiệu đáng mừng.

Dẫn số liệu 9 tháng đầu năm, ông Ngân cho biết với mức lạm phát khoảng 3%, trong đó lạm phát cơ bản khoảng 2% và khả năng lạm phát năm nay vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp thì việc giảm lãi suất là hợp lý.

“Theo số liệu 9 tháng, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,64%/năm trong khi nguồn cung tiền tăng trên 12% nên lãi suất huy động chững lại và giảm nhẹ.

Trong bối cảnh hiện nay việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nếu thực hiện được sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp”, ông Ngân nói.

Nhiều khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, sức mua thị trường nội địa thấp, cùng với hàng loạt khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp như chi phí đầu vào tăng cao, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu, thu nhập của người dân không đạt mức như kỳ vọng… đã làm nhiều doanh nghiệp ngần ngại cho kế hoạch kinh doanh cuối năm.

“Tôi nghĩ mức cầu thị trường và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là hai ẩn số lớn nhất của mùa làm ăn cuối năm nay. Có thể các doanh nghiệp vẫn phải đầu tư sản xuất để cung cấp hàng cho thị trường, nhưng số lượng như thế nào so với năm rồi mới là điều đáng bàn”, ông Hưng nhận xét.

TRẦN VŨ NGHI – ÁNH HỒNG/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)