Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức sống của âm nhạc trong phim

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ Cẩm Vân thành công với ca khúcBài ca không quên trong bộ phim cùng tên. Ảnh: L.Đ.L

Trong một bộ phim, âm nhạc chỉ là một phần nhỏ. Thế nhưng, chính cái nhỏ ấy với sức mạnh của nó nhiều khi đã trở thành cái lớn. Ngoài việc góp phần vào thành công của bộ phim, nhiều ca khúc đã có sức sống bền lâu trong lòng khán giả cũng như đời sống âm nhạc Việt Nam.

Bộ phim đã qua, diễn viên có già đi nhưng có những ca khúc trong phim vẫn còn sống mãi với thời gian…
Âm nhạc được đặt hàng
Âm nhạc trong phim thuộc phần hậu kỳ, thế nhưng ngay từ khi bắt đầu một dự án phim, các đạo diễn đã chú ý đến công việc này. Họ đã đưa kịch bản cho nhạc sĩ đọc, nghiên cứu để có thể cho ra đời những sáng tác phù hợp với nội dung phim. Chính vì vậy, âm nhạc trong phim có một đặc điểm khác với những ca khúc bình thường khác, nó không đến từ cảm xúc bất chợt của người nhạc sĩ trước những sự kiện xảy ra xung quanh mà là được đạo diễn đặt hàng nhạc sĩ. Bình thường, đạo diễn chỉ đưa kịch bản cho nhạc sĩ rồi muốn sáng tác thế nào, ca từ, lời lẽ, giai điệu ra sao, mọi thứ đều phó mặc cho nhạc sĩ. Nhưng cũng có những người cẩn thận, theo dõi rất sát sao mọi việc, thậm chí còn gợi ý cho nhạc sĩ nên có câu này, câu kia trong ca khúc cho phù hợp với phim. Đã có nhiều trường hợp các ca khúc được sáng tác riêng cho phim nhưng sau đó trở nên nổi tiếng, được phổ biến rất rộng rãi và ca sĩ hát trong phim nhờ đó cũng nổi tiếng theo.
Thông thường, trong một bộ phim, ngay từ khi tên các thành phần trong đoàn làm phim chưa được giới thiệu thì âm nhạc đã nổi lên, nó gợi lên cho người xem rất nhiều cảm xúc, nhất là đối với những bộ phim truyền hình dài tập, nếu âm nhạc tạo được dấu ấn, nó gần như trở thành nhạc hiệu của phim. Và chỉ cần nghe tiếng nhạc, khán giả đã biết đó là bộ phim nào để đón xem. Vì thế, âm nhạc góp phần khá quan trọng trong sự thành công của bộ phim, nó giúp bộ phim dễ gần gũi với khán giả hơn.
Có hay không sự chuyên nghiệp trong làm nhạc phim?
Thông thường, nhạc sĩ phải tự lo cho “đầu ra” sản phẩm của mình. Nhưng khi làm nhạc phim, lo lắng đó đã được loại bỏ, ca khúc chắc chắn sẽ được phát trên sóng truyền hình, sẽ đến được khán giả. Chỉ có điều, mức độ đi vào lòng người của ca khúc đến đâu mới là cái đáng bàn. Nếu như trên thế giới, trong nền công nghiệp làm phim có hẳn những nhạc sĩ chuyên sáng tác cho phim thì ở Việt Nam, việc làm nhạc cho phim chỉ là nghề tay trái. Thử làm phép so sánh đơn giản, giá bán một ca khúc trên thị trường hiện nay từ 3-5 triệu đồng, ca sĩ tự lo tiền làm nhạc. Trong khi đó, với phim truyền hình, cũng với số tiền đó, nhưng đã bao gồm luôn việc làm nhạc, hòa âm, phối khí và cả tiền… cát xê ca sĩ. Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ khi đạo diễn cầu kỳ, mời một số ngôi sao ca nhạc nổi tiếng thể hiện ca khúc đó và chấp nhận cái giá cát xê mà họ đưa ra. Nhưng các đạo diễn “chịu chơi” như vậy không nhiều. Vì thế các nhạc sĩ nhà ta chỉ xác định làm nhạc phim cho “vui” mà thôi. Cũng có trường hợp theo yêu cầu đạo diễn, người nhạc sĩ không chỉ sáng tác ca khúc mà còn là người biên tập nhạc cho cả bộ phim, sử dụng các ca khúc của đồng nghiệp khác hoặc ca khúc nước ngoài để đưa vào các trường đoạn trong phim sao cho phù hợp, âm nhạc được sử dụng một cách hợp lý chắc chắn sẽ giúp đạo diễn thể hiện ý đồ của mình dễ dàng hơn. Người xem cũng dễ dàng cảm nhận những gì mà các nhà làm phim muốn truyền tải. Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình cho biết: “Đọc kịch bản phim nếu thấy “say” với nhân vật, cảm được kịch bản, có hứng thì sáng tác ca khúc chỉ trong vài tiếng đồng hồ”. Nhiều nhạc sĩ khác cũng có chung nguồn cảm hứng đó nên khán giả được thưởng thức các ca khúc hay đi ra từ các bộ phim: Mong ước kỷ niệm xưa (của nhạc sĩ Xuân Phương trong bộ phim Xin hãy tin em), Chị tôi (của nhạc sĩ Trọng Đài trong bộ phim Người Hà Nội), Vùng trời bình yên (của nhạc sĩ Hữu Tâm trong bộ phim cùng tên), Những nẻo đường phù sa (của cố nhạc sĩ Bảo Phúc trong bộ phim cùng tên), Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong bộ phim cùng tên, Em nhớ anh rất nhiều của nhạc sĩ Vũ Quốc Bình trong bộ phim Gọi giấc mơ về… Một bộ phim truyền hình dài tập hay, khán giả cũng chỉ có điều kiện xem đến lần thứ hai nhưng những ca khúc trong đó lại có một sức sống rất bền lâu. Trong thời điểm mà phim truyền hình sản xuất hàng loạt như hiện nay, mong rằng việc làm nhạc trong phim cũng như chế độ đãi ngộ cho các nhạc sĩ sẽ được chú ý nhiều hơn nữa để âm nhạc trong phim ngày càng có vị trí nhất định trong nền âm nhạc nước nhà.
Nguyễn Nhất Huy

Thu nhập không nhiều, lại vất vả nhưng các nhạc sĩ rất yêu thích công việc này, một phần vì quan hệ bạn bè với đạo diễn, phần khác là ca khúc trong phim truyền hình dài tập rất dễ được công chúng đón nhận.

 

Bình luận (0)