Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức sống của cải lương Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Thanh Sang và Lệ Thủy trong Bên cầu dệt lụa

Hơn 40 năm có mặt trên sàn diễn cải lương, nào tên tuổi, nào sự ái mộ của công chúng, dường như tất cả quá lớn để đôi lúc tôi chưa kịp nhận ra hết sự cưu mang của “mảnh đất” tổ nghiệp dành cho những nghệ sĩ cải lương như chúng tôi…
Một ngày thật tình cờ, trong chương trình hát từ thiện gây quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, tấp nập quanh tôi là đồng nghiệp và tấm vé là giá trị tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đúng lúc ấy tôi nhận ra rằng, cải lương không chỉ mang đến cái hào quang sáng chói cho những người nghệ sĩ mà cải lương còn dang rộng vòng tay, nâng niu từng hoàn cảnh ngặt nghèo, khốn khó ở khắp mọi miền tổ quốc.
Trên hành trình gần 100 năm qua, “bàn chân” của cải lương đã đi đến nhiều vùng xa xôi để ca ngay trong vùng bị tạm chiếm, hát giữa miền lửa đạn, vùng biên giới, hải đảo. Cải lương cũng có mặt tại Hội trường Ba Đình phục vụ các kỳ đại hội Đảng… Và, bao nhiêu chuyến hàng cứu trợ xuôi ngược về miền Tây, ra miền Trung, lên Tây Nguyên, Tây Bắc… là bấy nhiêu bài vọng cổ, khúc Nam ai ngân nga đi vào lòng người.
Năm 2001, lần đầu tiên sau 26 năm tôi mới trở lại Mỹ. Cái choáng ngợp không phải là những ngôi nhà cao chọc trời, những xa lộ hun hút, hiện đại… mà với tôi là sự hồi hộp khi tần ngần gặp lại những gương mặt Việt Nam ngay trên mảnh đất xa xôi này. Những vòng tay như ôm không xuể tình cảm bà con dành cho một nghệ sĩ cải lương như tôi. Vừa khóc, vừa cười, bà con kéo tôi lại, mở băng đĩa cải lương cho tôi coi. Bao nhiêu năm ca diễn trên sân khấu, tôi hiếm khi được xem lại hình ảnh, nghe lại giọng ca của mình một cách thật lạ, thật xúc động như thế. Từng thước phim đi qua là từng câu hò, điệu lý, bến nước, dòng sông cứ thổn thức tấm lòng người Việt xa quê. Tôi chợt nhận ra, bà con ghiền cải lương bởi ở đấy ngân một tiếng đàn bầu, rao một dây đàn tranh là đủ để hiện hữu quanh mình một góc quê hương, đất tổ. Cái giây phút cảm ấy đủ để mỗi người hiểu và nhận diện nguồn cội của mình.
Tôi cũng từng rời gia đình, chồng con để sang ngồi một góc trong Học viện Hàn lâm Kịch nghệ Anh Quốc, hay trong thư viện của Đại học Luân Đôn trên 4 năm. Cái lý của sự học nhiều lúc gần như sụp đổ trước cái tình của nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ quê… Tôi đã bao lần ngân nga vài câu Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu như tự tiếp sức cho mình, tiếp sức cho cái ý nghĩ học xong 4 năm rồi trở về, chấm dứt mọi sự xa cách, bơ vơ, buồn tủi, nhớ nhung. Ở Mỹ, không hiếm những bà con cứ ôm ấp cái ngày về thăm lại quê cha, đất mẹ. Trong nỗi nhớ quay quắt ấy, cải lương như càng khiến bà con dễ chạnh lòng hơn. Có thể còn những hạn chế, cẩu thả trong luồng băng đĩa cải lương xuất ngoại, nhưng bà con cũng “cho qua” những điều đó. Cái nhớ thật lòng đã được bù đắp thì còn ai bắt lỗi những thiếu sót làm gì. Bà con ngồi cạnh tôi, coi cải lương do tôi diễn, những khoảng cách như bị phá vỡ. Nào cô Kiều, cô Lựu, nào Trưng Trắc, Ngọc Hân bỗng thành những sợi dây nối tấm lòng với tấm lòng cùng các câu nói lối đậm đà tình nghĩa: Trên đường thiên lý gặp nạn tai, chàng đã ra tài giết Phong Lai. Vần thơ ân nghĩa xây duyên nợ, quạt lụa làm tin chẳng mối mai… Non xanh chứng kiến tình kim cái, nước biếc minh thề nghĩa trúc mai (Kiều Nguyệt Nga); là cái hào khí toát ra từ: Tôi, Dương Vân Nga, xin tế cáo cùng hoàng thiên hậu thổ, cùng anh linh các đấng tiên vương… Hơi thở Dương Vân Nga đang hòa cùng hơi thở chung của trăm họ (Thái hậu Dương Vân Nga)… hay Mình ơi, dẫu biết rằng Lựu bây giờ không phải là Lựu của ngày xưa nữa… (Đời cô Lựu). Những chuyến du lịch sang Mỹ gần đây, thật ngạc nhiên khi ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi nghe ca sĩ Ý Lan sau khi biểu diễn xong phần tân nhạc đã “bị” khán giả yêu cầu: “Ca cải lương đi!”. Hình như Ý Lan không mấy bất ngờ, cô vô luôn câu vọng cổ cũng không kém tình tứ. Thì ra, nhiều ca sĩ hải ngoại hiện nay đều xem cải lương là “bửu bối” dành cho khán giả. Các ca sĩ như Ý Lan, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung… đều thường được yêu cầu ca vọng cổ. Cả một góc trời quê hương thao thức trong bài vọng cổ mà hơn ai hết những người con xa xứ đã cảm nhận thật trọn vẹn. Nghệ sĩ Ngọc Nuôi của Sân khấu Thanh Minh Thanh Nga thuở nào trong những giờ phút cuối đời đã nghe lại vài câu vọng cổ và níu tay tôi nghẹn nói: “Thím mong một ngày về được quê nhà quá con ơi!”. Nhưng, bà đã không về kịp. Những chuyến đi càng xa thì nghệ thuật cải lương càng níu người nghệ sĩ gần lại với nghề, với công chúng. Khi nghe NSƯT Ngọc Giàu ca bài Dạ cổ hoài lang giữa Cali, tự dưng lòng nao nao lạ! Một câu chuyện vui là con trai tôi khi đang học đại học tại nước ngoài, thi thoảng mở băng Kiều hay Kiều Nguyệt Nga của tôi ca để nghe. Cháu Lê Hoàng Long – con trai của soạn giả Lê Duy Hạnh, lúc làm nghiên cứu sinh toán học ở Mỹ cũng mang theo Tình anh bán chiếu, Tâm sự Ngọc Hân, Bên cầu dệt lụa, Đêm lạnh chùa hoang… để luôn cảm thấy còn có gia đình, quê hương ngay giữa lòng thành phố New York!
34 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, một thời gian đủ để bao cái mới sinh sôi, trưởng thành, giúp con người tự nhận ra điều mình cần và cái mình không thể quên. Cái vị mặn của cà pháo mắm tôm, cái thanh tao của chén chè đậu ngự, cái màu vàng của bông điên điển giữa mùa nước nổi… Tất cả như chen vào nhau, còn lấy đâu để phân biệt anh hay tôi, đi hay ở? Bởi, đi cho đến khi mỏi gối chồn chân cũng để trở về một lần với đêm sông Hương nghe câu hò xứ Huế, với Dạ cổ hoài lang, với Phụng Hoàng,Tứ đại… Hai chữ “đồng bào” bỗng trở nên thân thiết, thiêng liêng biết bao qua tiếng hát người nghệ sĩ trong những vở tuồng cải lương chở đầy hồn dân tộc.
TS – NSƯT Bạch Tuyết

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)