Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức sống của đờn ca tài tử Nam bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể thấy, đờn ca tài tử không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phần của đời sống, văn hóa và tâm hồn người dân Nam bộ. Vào năm 2013, UNESCO đã công nhận đờn ca tài tử là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Đây cũng chính là minh chứng sâu sắc về giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử. Có thể nói, dòng chảy hơn 100 năm của loại hình này đến nay vẫn còn sức sống rất mãnh liệt.


Diễn giả Hồ Nhựt Quang và quyển sách “bí kíp” đờn ca tài tử – “Cầm ca tân điệu”

Quyển sách “bí kíp” đờn ca tài tử – “Cầm ca tân điệu”

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang thì nguồn gốc của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử – một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ là kết tinh từ đóng góp của nhiều thế hệ đi trước. Trong đó, nổi bật nhất là công lao của nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thầy Ba Đợi) khi hưởng ứng phong trào Cần Vương vào Nam và mang theo âm nhạc truyền thống để truyền bá cho người dân nơi đây.

Thầy Ba Đợi vốn là nhạc quan của triều đình Huế, trong quá trình khai khẩn và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhạc sư đã truyền bá âm nhạc cung đình và dân gian miền Trung. Về sau, nhiều người đã sáng tạo và phát triển thành đờn ca tài tử dựa trên những cách biến tấu luyến láy.

 Đến năm 1926, nhạc sư Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc đã tổng hợp tất cả những giai điệu này vào trong quyển sách “Cầm ca tân điệu”. Cuốn sách chứa đựng khoảng 60 bài tài tử gồm 20 bản tổ và 40 bài khác. Hiện nay, quyển sách “Cầm ca tân điệu” đang được lưu giữ ở Viện Bảo tàng dân tộc tại Paris (Pháp). Khi tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên, giảng viên Đại học Quốc gia Úc tìm tài liệu thì vô tình phát hiện “bí kíp” của đờn ca tài tử nên đã xin photo và mang về Việt Nam.

 Khi làm việc cùng Nhạc viện TP.HCM, thạc sĩ – NSƯT Huỳnh Khải tiết lộ từ trước đến nay hầu như mọi người chỉ nghe đến tên sách “Cầm ca tân điệu” và sử dụng lòng bản, tức nội dung bên trong quyển sách nhưng chưa bao giờ nhìn thấy bìa sách. Đến khi tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên mang bản sao của “Cầm ca tân điệu” về nước thì mới có thể chứng kiến bìa sách và tên của tác giả tạo nên quyển “bí kíp truyền đời” này. Cũng chính nhờ những lòng bản trong quyển “Cầm ca tân điệu” làm nền tảng để những nghệ sĩ sau này sáng tác nên bài ca, tuồng tích phong phú như ngày nay.


Google tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử ngày 5-12-2023 nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: I.T

Theo cố GS.TS Trần Văn Khê thì: “Dàn nhạc tài tử sử dụng đờn kìm và đờn tranh, thường thì lựa tiếng thổ hòa với tiếng kim, mà nếu có thêm cây đờn cò thì càng hay. Có thể thêm đờn độc huyền, đờn tỳ bà, đờn tam. Ống sáo, ống tiêu thường dùng trong các bài buồn như “Tứ đại oán” hay “Văn thiên tường”. Và đặc biệt là song lang (có nghĩa là hai thanh tre già) dùng để gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng. Đờn tài tử mở đầu với những câu “rao” để thử dây đồng thời thử đờn. Câu “rao” của mỗi người hoàn toàn theo ngẫu hứng nên có thể đờn một cách khác nhau, chỉ cần theo đúng điệu thức đã chọn lựa. Về bài bản thì đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng đại đa số các “thầy đờn” đều cho rằng có 20 bài tổ gồm 6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán,  7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá). Đờn tài tử có khi đờn một mình như độc tấu đờn kìm hay đờn tranh. Khi hòa đờn, nếu chỉ có hai nhạc cụ thì thông thường là đờn tranh hòa với đờn kìm hoặc đờn cò. Nếu ba cây hòa chung (tam tấu) gồm đờn tranh, đờn kìm và đờn cò. Năm cây – gọi là ngũ tuyệt – gồm đờn tranh, kìm, cò, độc huyền và tỳ bà. Thỉnh thoảng lại có ống sáo hay ống tiêu cùng hòa và về sau có thêm ghi-ta phiếm lõm. Hiếm khi hòa đờn mà không có ca, vì vậy người ca đóng vai trò rất quan trọng”.

“Tài tử” dịch thành “amateur” là chưa chính xác

Trong tọa đàm về đờn ca tài tử được tổ chức ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), nhiều chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu lâu năm như tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên, thạc sĩ – NSƯT Huỳnh Khải… cho rằng từ “tài tử” dịch thành “amateur” là chưa chính xác. Vì “amateur” trong tiếng Anh có nghĩa là “nghiệp dư”, trong khi chữ “tài tử” có nghĩa là “một người tài hoa” và những người đờn ca tài tử đều là người chuyên nghiệp và có học vị cao trong xã hội. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang lấy ví dụ nếu gọi tiến sĩ – NSƯT Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện TP.HCM là “amateur” thì chưa đúng và khiến người nghe bị tổn thương.

Hiện nay, đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất mạnh. Nó trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa của người dân đồng bằng giữa nhịp sống văn minh đang nhộn nhịp.

Nam diễn giả cho biết, đờn ca tài tử được xem là một loại nhạc thính phòng và không phải lúc nào cũng đàn, hay đàn để mua vui hoặc kiếm tiền, đờn ca tài tử dùng để tiếp đãi khách quý từ phương xa. Sau khi chủ nhà mời dùng bữa, trà nước thì bắt đầu lấy đàn để bày tỏ tình cảm giữa người với người, với cảnh vật thiên nhiên hữu tình. Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nhận định: “Cảnh đẹp không chỉ đã con mắt mà còn nhờ âm thanh. Từ nhỏ, bản năng của một đứa trẻ bị ảnh hưởng lớn nhất do sắc và thanh. Do đó, khi chúng ta cho đứa trẻ một cái lục lạc có màu sắc và âm thanh thì đứa trẻ sẽ theo chúng ta cả ngày”.

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, những người đờn ca tài tử đều là những người chuyên nghiệp, đàn rất hay và làm cho cuộc sống thêm thi vị. Đây cũng chính là tính chất “tài tử” trong đờn ca tài tử Nam bộ. Ngày xưa đến dịp đám giỗ hay sinh nhật thì nhà phú hộ sẽ mời một nhóm tài tử chơi khoảng 5 nhạc cụ gồm: đàn kìm, đàn tranh, ghi-ta phím lõm, sáo, đàn bầu để đờn ca ngay tại phòng khách của căn nhà. Nếu nhóm tài tử đờn ca hay thì sẽ được thưởng ngay tại đó.

Vì đờn ca tài tử thường được biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ nên dễ chạm đến trái tim người nghe và đặc biệt không bán vé. Đờn ca tài tử có thể biểu diễn ngay trước sân nhà, trên ghe hay một bãi đất trống nào đó. Đôi khi, chỉ cần vài chung rượu dưới gốc me hay ven bờ sông thì người nghệ sĩ cũng có thể trải chiếu để đàn ca. “Trong không gian đó tuy không có phông màn sân khấu nhưng có âm thanh tiết tấu quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên nên khi cất tiếng ca thì cảm thấy rất hay, đến mức nhói tim”.

Tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn

 

 

 

 

Bình luận (0)