Sau bài Nhạc sến trở lại , nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đối với một dòng nhạc có chỗ đứng trong khán giả. Tiền Phong đăng một trong số ý kiến đó.
Tuấn Vũ trong đêm nhạc sến ở Nhà hát Lớn, tháng 8-2010 . Ảnh: N.M. Hà |
Anh bạn kể tôi nghe một câu chuyện thời mới sang Matxcơva du học. Sau cảm giác háo hức được tới xứ lạ và sống độc lập, đám sinh viên Việt Nam, vẫn còn chưa hết sốc với pho-mát và thịt xông khói, với cái lạnh thấu xương, bỗng nhớ nhà kinh khủng.
Đã vậy, như thể trêu ngươi, phòng bên cạnh, mấy cậu sinh viên châu Phi liên tục bật disco và heavy metal dậm dật, thứ nhạc mà mấy em nhà mình chưa quen, gây mất ngủ và tức giận điên người.
Một đứa trong đám kiếm ra băng nhạc vàng. Chế Linh cất tiếng nỉ non cùng Thanh Tuyền: “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”. Thế là cả đám thút thít, mỗi lúc một to.
Một chàng phòng bên, người da đen, ngó vào: “Chúng mày nghe nhạc gì mà khóc ghê thế, cho tụi tao nghe với”. Mấy tháng liền, chàng đó thỉnh thoảng lại ghé qua, nằm dài trên giường, chỉ để được thở dài sườn sượt cùng Chế Linh.
Việc một anh châu Phi thích nhạc vàng chắc chỉ kém lạ một chút so với việc tự nhiên có vài người châu Á trà trộn vào đám đông dân miền nam và trung Mỹ để reo hò cùng Garth Brooks, Johny Cash hay Patsy Cline. Nhạc sến hình như mang đậm chất dân tộc và rất khó vượt ra khỏi một cộng đồng hay một quốc gia, nếu không có những hoàn cảnh như trên.
Một dòng nhạc, một trường phái hội họa hay một trào lưu văn học khi đã thành tên thì dĩ nhiên đã có sự sống rồi, chỉ có điều sự sống ấy được đón nhận, nuôi nấng và lớn lên thế nào. Nhạc sến, có từ thời hậu Thế chiến thứ hai (mà tên gọi được coi là bắt nguồn từ chữ sen trong “con sen”, hay Mari-Sến), ban đầu là loại nhạc phần lớn viết theo điệu boléro mà giới bình dân thích nghe và thích hát.
Sau này nó đứng chung thuyền với nhạc vàng- loại nhạc tình mùi mẫn hay nhạc quê hương ở miền Nam sau 1954 ,và như thế đã có hơn nửa thế kỷ để chứng tỏ sức sống bền bỉ và mãnh liệt.
Bản thân “sến” là một hình dung từ mang đầy ý nghĩa chủ quan áp đặt, dùng để chỉ những tác phẩm hàm chứa cảm xúc bình dân hay quê mùa. Không thể có một định nghĩa rõ ràng cho nhạc sến, và khi ai đó thốt lên “Ôi sến ơi là sến!” thì gần như không biết vì sao.
Một bản nhạc có sến hay không tùy thuộc nhiều yếu tố. Như giai điệu tròn trịa dễ nghe, tiết tấu đơn điệu mòn mỏi, ca từ và phong cách hát sướt mướt, ủy mị hay vui tươi tình tứ một cách quê kệch kiểu: “Anh, anh ơi! người tình tôi ơi … xem người ta họ cưới nhau rồi.”
Ranh giới giữa sến và không sến cũng thật mong manh. Nhiều bài hát nếu đổi cách hòa âm và thể hiện sẽ “sến thiệt là sến” như Xóm đêm của Phạm Đình Chương, Khúc ca ngày mùa của Lam Phương hay Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên. Song Hạ trắng của Trịnh Công Sơn thì không thể gọi là sến dù có gia giảm liều lượng ướt át tới đâu.
Dẫu sao đi nữa, sẽ nhiều người đồng ý rằng nhạc sến có một ưu điểm lớn. Đó là nó đem lại sự thoải mái cho người nghe, vì chẳng đòi hỏi người ta phải động não mà thưởng thức. Hay nói cách khác, nhạc sến được sáng tác dựa trên cảm nhận đơn thuần của giới bình dân, chứ không phải nhằm thể hiện tư duy âm nhạc tinh tế của người sáng tác.
Nhờ ưu điểm “dễ nghe” mà người nghe nhạc sến nhiều khi không bình dân chút nào. Chỉ cần họ thích sự hồn nhiên không kiểu cách cao siêu, hay thích tìm một thứ của lạ không thuộc về thế giới của mình, là có thể đến với nhạc sến.
Anh bạn ở Matxcơva đậu tiến sĩ luật khoa đại học Duke danh tiếng, nhưng anh có thể say sưa hàng giờ với giọng ca mùi mẫn của Hương Lan, Quang Lê, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh. Một nhà vật lý cũng làm tôi ngạc nhiên khi anh nói hai trong số bài hát mà anh thích nhất là Nỗi buồn hoa phượng, Chuyện tình Lan và Điệp.
Nhạc sến xuất phát từ miền Nam, thể hiện phần nào tâm thế cởi mở của giới thưởng ngoạn xứ này. Nếu ta thường gặp ở Nhà hát Lớn Hà Nội tiếng xì xầm chê bai ngay cả một sô diễn nổi tiếng, thì ở Nhà hát Bến Thành hay Hòa Bình, không khí có vẻ thoải mái hơn.
Tôi không cho là khán giả ở đó dễ tính hơn, mà là họ thưởng thức nghệ thuật một cách cởi mở hơn. Họ tự tin hơn khi vỗ tay cổ vũ sự sáng tạo mà không sợ bị chê “thế mà cũng khen hay”. Nhờ vậy mà nhạc sến có đất sống, lan tỏa từ miền đồng bằng sông Cửu Long, len lỏi tới từng con hẻm Sài Gòn.
Xa hơn nữa, như trường hợp những đêm nhạc Tuấn Vũ diễn ra ở Nhà hát Lớn mới đây- nơi được ví như “ngôi đền âm nhạc xứ Bắc”, “Carnegie Hall Việt Nam”.
Chẳng có gì đáng ngại khi nói rằng tôi yêu trường ca Sông Lô tuyệt tác, yêu Hạ trắng nồng nàn, yêu Tình ca (Hoàng Việt) sang trọng bi thiết, và yêu cả Những đồi hoa sim (Dũng Chinh phổ thơ Hữu Loan).
Lã Tuyết Hoa (Theo TPO)
Bình luận (0)