Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức sống mới của jazz Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Luôn được xem là dòng nhạc khó nghe, khó cảm nhưng thời gian gần đây, từ sự nỗ lực của các nghệ sĩ nhất là nghệ sĩ trẻ, jazz Việt đang tạo ra sức sống mới.

Diện mạo của thế hệ mới

Trên thế giới, những năm vừa qua, jazz đã trở lại khá ngoạn mục. Trong đó, giọng ca người Iceland gốc Trung Quốc – Laufey – đã mang đến màu sắc đặc biệt cho thể loại này. Các bài hát của cô phủ sóng mạng xã hội và các buổi diễn đều bán hết vé. Những ngôi sao mới, đầy tài năng của dòng nhạc này như Samara Joy, Jon Batiste cũng được vinh danh ở giải Grammy.

Nhiều sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại jazz đã được giới thiệu với khán giả Việt trong thời gian qua

Nhiều sản phẩm âm nhạc thuộc thể loại jazz đã được giới thiệu với khán giả Việt trong thời gian qua

Tại Việt Nam, trong năm qua, nhiều dự án jazz đến với khán giả trẻ cũng được thực hiện. Có thể kể đến album làm mới âm nhạc Thanh Tùng của Quỳnh Anh, EP Phiêu diêu Feel Real của Hali (Hạnh Linh) hay các sản phẩm ra mắt gần đây của Nguyễn Thùy Linh, Dattie Đỗ (Đạt Đỗ)… Các đêm nhạc theo chủ đề như Everything Jazzis làm mới các bản nhạc nền của phim hoạt hình Disney hoặc Ghibli cũng nhận được sự chú ý lớn.

Không nghiêng về hẳn một màu sắc, các nghệ sĩ như NÂN (Nguyễn Hồng Trang), Wren Evans (Lê Phan) hay đôi Minh Tốc & Lam (Nguyễn Hải Minh và Nguyễn Hoàng Ngọc Lam)… cũng đã phối trộn đầy sáng tạo nhiều âm hưởng như swing, bossa nova… với các chất liệu như pop, folk… để cho ra đời những sản phẩm ấn tượng. Minh Tốc cũng dần định hình như một nhà sản xuất quen thuộc với thể loại này. Trong năm qua, anh cùng với Lam đã giới thiệu album Những ngày rong chơi được đánh giá cao, cũng như tham gia phối khí cho các tiết mục đặc biệt trong chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng

Mới đây, nhóm hát jazz đầu tiên tại Việt Nam – The Phocal – được thành lập. Nhóm gồm những cái tên quen thuộc với khán giả yêu jazz, đa số vẫn còn rất trẻ và đã tìm đến với nhau từ năm 2020. Sau 3 năm trình diễn tại các chương trình giao lưu, nhóm đã cho ra EP I Got Fascinating Rhythm gồm 2 bài hát kinh điển của thể loại này. 

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, Hali cho biết: “Với tôi, trong mọi thời đại, jazz không chỉ là âm nhạc mà còn là phong cách sống. Ngôn ngữ âm nhạc tự do này vẫn là dòng chảy mạnh mẽ với những người yêu nhạc, chơi nhạc. Càng ngày, việc được tiếp cận với jazz trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn nhờ internet. Người yêu nhạc trẻ được tiếp cận với jazz sớm hơn, nhiều tài năng trẻ cũng có thể thành công với dòng nhạc này. Sức sống mới của jazz đã mang lại nhiều điều tích cực cho khán giả yêu nhạc, giúp nó không còn là những giai điệu xa lạ với người trẻ nữa; đồng thời xóa đi những rào cản rằng jazz là khó nghe, là điều không thể với “tai nghe” Việt Nam”.

Thổi hồn tươi mới

Với một dòng nhạc đậm tính ngẫu hứng và nhiều biến tấu như jazz, việc chinh phục khán giả vốn chuộng âm nhạc có kết cấu chặt chẽ là tương đối khó. Hiểu được điều đó, nhiều nghệ sĩ đã có những cách làm mới – vẫn giữ được những đặc trưng của jazz, đưa thêm những nét gần gũi với khán giả trẻ vào. Chẳng hạn với Hali hay Quỳnh Anh, các đĩa đơn Em và Jazz và Nếu phải yêu em ra mắt gần đây đều có giai điệu vui tươi, trẻ trung, kết hợp với cách hát nhẹ nhàng, đã được công chúng trẻ đón nhận tích cực.

Halii, mộttrong  những  ca  sĩ  trẻ  của  dòng  nhạc  Jazz  Việt  Nam

Hali, một trong những ca sĩ trẻ của dòng nhạc Jazz Việt Nam

Những tác phẩm này dễ nghe, dễ cảm, tạo được cảm giác dễ chịu và quan trọng là vẫn giữ được các đặc trưng của dòng nhạc jazz như sử dụng scat (các đoạn ngẫu hứng không tính trước), hay các bản phối với nhiều âm thanh, nhạc cụ đặc trưng… Nội dung ca khúc cũng trẻ trung, năng động, từ đó mang đến một làn gió mới, khác biệt cho dòng nhạc này.
Hali cho biết: “Việc làm mới những bản jazz kinh điển là mơ ước của tôi. Tôi đã có cơ hội đứng trên sân khấu và thể hiện những bản nhạc này nên biết rằng “làm tới” những bài kinh điển không phải dễ. Việc làm mới phải đi kèm với tìm tòi, tập luyện để có thể tạo ra một phiên bản đậm chất cá nhân. Những người đầu tiên đặt nền móng cho nhạc jazz trên thế giới đã để lại quá nhiều điều tuyệt vời mà khó nghệ sĩ trẻ nào có thể vượt qua được; nhất là khi mình chưa hiểu thực sự rõ về văn hóa và nguồn gốc của nó”.

Cách mà nữ ca sĩ chọn lựa là tự sáng tác những bài hát mới. Cô chia sẻ: “Khi làm nhạc, tôi nghĩ nếu làm một cái gì đó mới thì mình có thể chơi với jazz tự tin và tự do hơn. Mình có thể kết hợp nó với nhiều thể loại để đem đến sắc thái mới hơn cho khán giả. Ví dụ với Em và Jazz, tôi kết hợp jazz với funk, R&B, disco và những âm thanh điện tử. Điều này giúp khán giả trẻ Việt Nam có thể sẽ thích thú và quan tâm hơn”.

Song song với hướng đi trên, cũng có những nghệ sĩ chọn cách làm mới các bài hát kinh điển của thế hệ trước như Nguyễn Thùy Linh, Dattie Đỗ hay The Phocal. Bên cạnh âm nhạc của những huyền thoại như The Beatles, Chet Baker, Billie Holiday…, những bài hát nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam như Bây giờ tháng mấy, Dư âm, Tình bơ vơ… cũng được làm mới. Tuy dùng các chất liệu cũ, bằng cách hát và cách thể hiện có phần mới lạ, các nghệ sĩ này đã giữ được mục tiêu làm mới nhạc jazz theo tinh thần của thế hệ trẻ. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Bình luận (0)