Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sức truyền tải của hình ảnh trực quan

Tạp Chí Giáo Dục

Được đi tham quan bảo tàng, các em HS có cơ hội bồi đắp và khắc sâu thêm kiến thức đã học ở trường. Ảnh: P.N.Q
Phát huy tính tích cực cho học sinh (HS) là sự vận dụng triệt để việc đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan là một trong những nguyên tắc cơ bản của dạy và học nhằm giúp cho HS hiểu biết cụ thể những sự vật mà giáo viên (GV) trực tiếp minh họa.
Tầm quan trọng và yêu cầu chung
Trước hết, cần lưu ý việc sử dụng đồ dùng trực quan không được lạm dụng quá nhiều thời gian, không làm loãng trọng tâm của bài học và mất tập trung của HS. Phải làm sao để HS biết ghi nhớ, hiểu cặn kẽ những hình ảnh trực quan và khắc sâu trong tâm trí nhiều hơn là trình bày miệng từ GV. Đồ dùng trực quan làm cho óc quan sát HS phát triển, trí tưởng tượng bay bổng, vốn ngôn ngữ giàu có thêm. Khi cho HS quan sát một đồ dùng trực quan nào đó, GV không để các em coi đó là một đồ vật “chết” mà phải biết “nói”, phải có thông tin đi kèm. Để làm được điều này GV phải đặt câu hỏi để HS nhận xét, cho ý kiến sau đó hội ý với các bạn trong nhóm để ý kiến đó được hay hơn, phong phú hơn nhằm phát triển được tư duy sáng tạo. Cần lưu ý khi cho HS nhận xét một đồ dùng trực quan nào đó, nếu thấy các em chưa xác định ra câu hỏi, khó trả lời thì GV cần có ý gợi mở để các em trả lời đạt yêu cầu cao hơn.
GV phải khéo léo đưa ra những câu hỏi vừa sức HS, tránh những câu thách đố và “quá tải” để các em rơi vào thế bí, điều đó chỉ làm mất thêm thời gian của GV. Cụ thể, GV cần huy động được tối đa kĩ năng làm việc của HS: tai nghe, mắt thấy, biết phân tích, suy luận vấn đề. Có như vậy các tiết dạy mới có hiệu quả và đạt được cái đích cuối cùng mà GV mong muốn.
Hiện nay, ở môn lịch sử, việc sử dụng đồ dùng trực quan của GV đều dựa vào nguồn cung cấp chủ yếu là do Công ty Thiết bị đồ dùng dạy học của Bộ GD-ĐT cung cấp, tuy nhiên nguồn cung cấp này vẫn còn thiếu thốn. Cho nên ngoài những hình ảnh trực quan trong SGK lịch sử, GV nên truy cập thêm trên mạng và các tài liệu khác để có những đồ dùng về bản đồ, lược đồ, tranh ảnh… phong phú hơn nhằm làm cho các tiết dạy có hiệu quả hơn. Tuy nhiên việc truy cập nên có chọn lọc, phải biết “đãi cát tìm vàng” dù tốn công mất sức. 
Khi sử dụng đồ dùng trực quan SGK, GV nên tìm những hình ảnh tương đối rõ ràng vì có những hình ảnh rất hạn chế, quá đậm đen hoặc mờ nhạt, không rõ nét, chưa có tác dụng giáo dục cao. Nếu so sánh SGK lịch sử với SGK các bộ môn khác thì những hình ảnh của bộ môn lịch sử chưa đạt hiệu quả về mĩ thuật, vì không có màu sắc mà chỉ là trắng đen, khó bắt mắt người thưởng lãm.
Sử dụng đồ dùng trực quan trong bài học minh họa
Trong bài Xã hội nguyên thủy (lớp 6) có thể minh họa hình 5 nói về Người tối cổNgười tinh khôn. GV đặt câu hỏi và chiếu hình: Các em thấy Người tinh khôn khác Người tối cổ ở những điểm nào?Ở bài 15: Nước Âu Lạc (tiếp theo). GV cho HS xem sơ đồ thành Cổ Loa hình 41, sau khi cho HS miêu tả rồi đặt câu hỏi: Các em có nhận xét gì về việc xây dựng công trình Cổ Loa vào thế kỉ III-II TCN ở nước Âu Lạc? Cuối cùng chiếu sơ đồ thành Cổ Loa cho HS xem. Trong phần II: Giai đoạn thứ hai (1076-1077) của bài Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075-1077), chương trình lớp 7, GV cho HS chú ý: miêu tả, nhận xét phòng tuyến ở bờ Nam sông Như Nguyệt; sử dụng lược đồ trận chiến phòng tuyến Nam Như Nguyệt để HS tường thuật cuộc tiến công của quân Tống và sự phản công của nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy, hình ảnh Lý Thường Kiệt chỉ huy trận Như Nguyệt; chiếu màn hình nhân vật Lý Thường Kiệt, cho HS thuyết trình và nhận xét về Anh hùng dân tộc này; chiếu màn hình các đền thờ Lý Thường Kiệt, tượng thờ ở một số nơi, sau đó đặt câu hỏi: Các em có suy nghĩ gì khi thấy những đền thờ này?
Bài Đời sống kinh tế văn hóa thời lý (II), GV cho HS xem hình 25 Chùa Một Cột – Hà Nội, sau đó hướng dẫn HS miêu tả và nói ý nghĩa việc xây dựng ngôi chùa này?
Khi dạy bài Cách mạng tư sản Pháp, GV chiếu màn hình bức tranh người nông dân Pháp (hình 5). Sau đó hỏi: Hãy miêu tả tình cảnh người nông dân trong xã hội Pháp thời bấy giờ? Bài Chiến tranh thế giới thứ hai, GV nên: Chiếu màn hình bản đồ phát xít Đức đánh chiếm châu Âu (hình 76), sau đó GV tường thuật ngắn gọn quá trình xâm lược của phát xít Đức, sau đó đặt câu hỏi: Các em có nhận xét gì về kế hoạch đánh chiếm châu Âu của phát xít Đức?; chiếu màn hình (hình 78) quân Đức treo cổ người dân Liên Xô vùng chiếm đóng; chiếu màn hình (hình 79) Hiroshima sau khi bị ném bom nguyên tử và hỏi: Nhìn vào các bức hình trên các em có suy nghĩ gì không? Bài Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (SGK lớp 9), GV cho: Xem hình 40 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (chiếu màn hình). Đọc vài câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn độc lập và hỏi: Các em có cảm nhận gì khi nghe lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Tóm lại, sử dụng đồ dùng trực quan trong công tác giảng dạy là một trong những điều quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng của bộ môn lịch sử ở trường phổ thông. Giáo dục HS lòng yêu nước, những phẩm chất đạo đức cần thiết của con người Việt Nam, sau này khi trưởng thành các em sẽ đem tài năng và trí tuệ để tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nhóm GV lịch sử Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)