Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Sudan: Một thầy dạy hơn 100 trò

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học dưới bóng cây

Ban Tut, Hiệu trưởng trẻ tuổi Trường Tiểu học Akobo, tỏ ra hãnh diện về trường của mình.
Đó là trong số những ngôi trường hiếm hoi được xây bằng gạch tại một thị trấn mạn Nam Sudan, ven đại lộ hai bên trồng cây từ trước ngày nước này giành được độc lập hồi năm 1956. Văn phòng là một căn phòng tối tăm, ồn ào, đầy mùi mồ hôi toát ra từ quá nhiều khách đang đợi để gặp ông.
Được hỏi hiện trường có bao nhiêu học sinh, thầy hiệu trưởng giở sổ sách trên bàn giấy và đáp: “Chúng tôi có 2.655 học sinh”.
Và bao nhiêu giáo viên?
Câu trả lời là “23”.
Có nghĩa mỗi thầy phải dạy hơn 100 em. Phóng viên không hỏi trường có bao nhiêu lớp học, nhưng liếc mắt qua cửa sổ đã thấy ngay hầu hết học sinh ngồi học ngoài trời, dưới bóng râm những thân cây lớn mọc trong khuôn viên nhà trường đất đỏ đầy bụi bặm.
Lý do nữa khiến ông hãnh diện là nhà trường không bị tác động nhiều bởi cuộc nội chiến ở Sudan – giữa những người theo đạo Thiên chúa và theo thuyết duy linh chiếm đa số ở miền Nam với những người theo đạo Hồi, nói tiếng Arab phần lớn ở miền Bắc.
Hầu hết trẻ em và giới trẻ khắp miền Nam Sudan không được tới trường. Những ai may mắn được đi học là những người đã chạy trốn qua các nước láng giềng như Ethiopia, Kenya hay Uganda, hoặc những vùng phát triển hơn thuộc mạn Bắc Sudan.
Mù chữ
Sau khi giành được độc lập, miền Nam lại rơi vào nội chiến kéo dài đến khoảng hơn 40 năm. Xung đột cộng với tình trạng kém phát triển vốn có từ thời kỳ thuộc địa, đã để lại một di sản thật tồi tệ.
Theo Liên hiệp quốc ước tính, có tới hơn 90% phụ nữ miền Nam Sudan mù chữ. Lise Grande, Phó đại diện LHQ về cư dân và nhân đạo trong vùng, nói: “Với một cô gái 15 tuổi thì nguy cơ chết do sinh con cao hơn là khả năng được đi học”.
Nên không có gì lạ khi Hiệu trưởng Ban Tut còn hãnh diện do trường của ông có đến 960 nữ sinh.
Giáo viên chất lượng cũng không được đánh giá tốt và tiền lương chẳng hấp dẫn gì.
Khi phóng viên tới trường, anh thấy tại lớp học dưới bóng cây trong khuôn viên trường, học sinh đang đọc theo câu tiếng Anh ghi trên bảng đen: “Tôi có thể thấy một thầy giáo. Tôi có thể thấy mẹ tôi. Tôi có thể thấy tấm bảng đen”.
Không học sinh nào có quyển tập hoặc cây viết, nhưng thầy hiệu trưởng nói học sinh luôn thích đến Trường Akobo. Theo ông: “Lúc này chúng tôi đang hạnh phúc. Từ khi có thỏa thuận hòa bình, đã có thay đổi trong vùng của chúng tôi”.
Đất nước mới
Thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa hai miền Nam-Bắc vào tháng giêng 2005, đã mang lại thời kỳ tương đối yên tĩnh và ổn định – mặc dù bạo lực sắc tộc mới đây đã xảy ra gần Akobo.
Khoảng 2 triệu người phải sơ tán đã quay trở lại miền Nam Sudan, với hy vọng xây dựng lại cuộc sống và tham gia một phần vào việc tạo dựng vùng nông thôn mới.
Trong số tất cả những người mà phóng viên gặp, không ai muốn miền Nam tham gia liên minh với miền Bắc. Họ đều bày tỏ muốn bỏ phiếu cho một miền Nam độc lập nếu được trưng cầu ý kiến. Theo thỏa thuận hòa bình, điều này đã được lên kế hoạch vào đầu năm 2011, mặc dù những chậm trễ trong thực hiện một số điều khoản khác theo thỏa thuận, vẫn có ít cơ may trưng cầu ý dân sẽ diễn ra đúng lịch trình.
Nhưng sự lạc quan tại Akobo đến từ những thực tế của cuộc sống hiện tại.
Tuy nhiên hiệu trưởng lại than phiền do chuyện khác: ông và các giáo viên, nhân viên không được trả lương đã 3 tháng nay, mà theo ông: “Không có lương là do không có đường sá”.
Đường sá
Miền Nam Sudan có diện tích bằng cỡ Anh và Pháp cộng lại, nhưng chỉ có 20km đường trải nhựa. Vận chuyển hoặc bằng thuyền bè dọc sông Nil và các chi lưu, hoặc theo những con đường đầy bụi bẩn và không thể nào đi được trong mùa mưa.
Một vài con đường đang được chính quyền còn trứng nước tại Nam Sudan xây dựng nối những văn phòng chính phủ vừa mới thành lập với thủ phủ miền Nam, Juba.
Lương trả cho các nhân viên nhà nước, trong đó các giáo viên, vào thời điểm này thường chậm nhiều tháng. Miền Nam phụ thuộc đến 97% vào ngân sách nhờ lợi nhuận từ dầu hỏa.
Nên năm ngoái, khi giá dầu rớt mạnh, Chính phủ bị khủng hoảng ngân sách. Và những trường học như Akobo, và nhiều trường khác tại khắp miền Nam Sudan, có thể bị buộc phải đóng cửa.
Quang Hùng (theo BBC)

Bình luận (0)