1.Trong bài “Sự sum họp trong gia tộc”, in trong cuốn “Sơ học luân lý”, xuất bản lần đầu từ năm 1919, học giả Trần Trọng Kim đã viết: “Hễ ở trong nhà mà ai nấy hiểu rõ cái bổn phận của mình, khiến cho trên thuận dưới hòa, mọi người yêu mến nhau, thì thật là một nhà rất sum họp vậy. Phàm những nhà nào cũng chỉ biết có sự thương yêu nhau mà thôi, chứ không biết cái ghen ghét, cái thù oán là gì. Khi có điều gì vui, thì cùng vui, có điều gì buồn, thì cùng buồn với nhau. Bao giờ người nọ cũng muốn người kia hay, bao giờ cũng sẵn lòng giúp đỡ và che chở cho nhau. Lỡ khi làm phải tai biến gì, thì người nào cũng muốn chịu lấy cái đau cái khổ, hơn là để cho người khác phải buồn phải bực. Trong nhà đã sum họp thì tất là sinh ra nhiều sự vui vẻ vô cùng”.
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc ta, là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt, được tổ chức vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo âm lịch. Đây là thời gian mà mỗi gia đình, mỗi dòng tộc lại được đắm mình trong không khí sum vầy, đoàn viên đầm ấm và hạnh phúc. Trong những ngày Tết, nét đẹp truyền thống của sự sum họp gia đình được thể hiện rõ nét qua các hoạt động, nghi thức, và những giá trị tinh thần mà nó mang lại. Đây chính là thời điểm quan trọng để con cháu tỏ lòng biết ơn, báo hiếu tổ tiên, ông bà và củng cố mối quan hệ yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Thì đây, tục rước ông bà có phải đâu là một việc “xưa bày nay làm”? Cúng rước ông bà ngày Tết là một phong tục truyền thống độc đáo của người Việt Nam, được thực hiện vào ngày 30 Tết, nhằm đón rước ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu. Theo quan niệm của người Việt, ông bà là những người đã khuất nhưng vẫn luôn dõi theo, phù hộ, giúp đỡ cho con cháu để có được những điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, việc cúng rước ông bà về nhà ăn Tết là một cách để con cháu thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với ông bà. Đương nhiên, lòng biết ơn đó còn gắn với sự tưởng nhớ đến những hy sinh, chăm lo của ông bà đối với bản thân và gia đình trước đây. Và không chỉ vậy, việc đón ông bà về ăn Tết cũng là sự mong mỏi một cuộc đoàn viên của gia đình, gia tộc!
2.Truyền thống đoàn viên gia đình trở thành một trong những nét đẹp lớn lao nhất trong ngày Tết. Trong những ngày này, dù ở đâu, làm nghề gì, con cháu cũng cố gắng trở về bên mâm cơm sum vầy, để cùng nhau đón một năm mới đầy hy vọng. Ngày Tết, gia đình là trung tâm của mọi sự chú ý. Các thành viên trong gia đình từ ông bà, cha mẹ đến con cái đều quây quần bên nhau, cùng chia sẻ những câu chuyện, những ký ức đẹp đẽ và những ước mơ cho một năm mới.
Mâm cơm ngày Tết luôn đầy đủ và tươm tất, thể hiện sự quan tâm, hiếu khách và lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Các món ăn đặc trưng như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, dưa hành, mứt Tết… đều được chuẩn bị tỉ mỉ, không chỉ để tiếp đãi khách mà còn để thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống trong văn hóa ẩm thực của dân tộc. Bởi vậy, bài rap “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu hồi năm 2021-2022 thành một hiện tượng, có lẽ cũng liên quan đến điều chúng ta vừa nói. Đó chính là nhiều người nghe, người xem đã thấy mình trong câu chuyện của ca sĩ: lòng mong mỏi, khao khát được đoàn viên với người thân ngay trước thềm năm mới, đặc biệt là sau một năm đầy biến động, xa cách, chia lìa do đại dịch. Đồng thời, bản nhạc đã thể hiện sự chia sẻ yêu thương với mẹ nói riêng và gia đình, người thân nói chung, trong bối cảnh cuộc sống hối hả khiến một số người “quên đi” gia đình của mình. Và trên hết, đó chính là sự sum vầy, tụ họp của gia đình với tình cảm đong đầy, chan chứa… Bên cạnh đó, trong không khí sum vầy của gia đình, một trong những nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt là các nghi lễ cúng ông bà. Tết Nguyên đán là dịp để con cháu tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất. Các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng với những lễ vật trang trọng từ hoa quả, bánh kẹo, trà, rượu, đến những món ăn đặc trưng của Tết. Nghi lễ cúng giao thừa, hay trước đó là tục cúng ông Công ông Táo, và cúng ngày đầu năm được tổ chức long trọng, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà và mong muốn có một năm mới bình an, hạnh phúc. Dường như trong giây phút thiêng liêng đó, chúng ta đều cảm nhận được ông bà hay người thân đã khuất thực sự đang ở gần bên. Bởi vậy, trong khi nghi lễ cúng ông bà diễn ra, các thành viên trong gia đình thể hiện sự kính trọng, tưởng nhớ về nguồn cội và gia đình mình.
Một phong tục đặc biệt trong ngày Tết là chúc Tết. Vào dịp này, con cháu đến thăm ông bà, cha mẹ và người thân để gửi những lời chúc mừng năm mới. Những câu chúc Tết đơn giản nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, như “An khang thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”, “Sức khỏe dồi dào”, “Tiền tài phát đạt”… Đây là những lời cầu chúc cho người thân yêu được bình an, may mắn, thành công trong công việc và cuộc sống. Không chỉ đối với ông bà, cha mẹ, những lời chúc Tết còn được trao gửi đến bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Qua đó, tình cảm giữa người với người càng trở nên thân thiết, ấm áp và gắn kết hơn.
3.Ngày Tết cũng là dịp để mỗi người Việt Nam thể hiện lòng tự hào về truyền thống dân tộc. Từ những phong tục tập quán, lễ nghi cho đến trang phục truyền thống, âm nhạc dân tộc, người Việt đều tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa này. Mỗi dịp Tết, những câu ca dao, bài hát dân gian, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp, hoặc các hoạt động thăm thú, chúc Tết cũng tạo nên không khí sôi động, vui tươi và đầy ý nghĩa. Đặc biệt, trong dịp này, các đoàn thể thường tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, để tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì nền tự do, độc lập của dân tộc; hay thăm viếng các gia đình chính sách, người có công… Tất cả những điều đó cũng góp phần thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ, giữa các thành phần dân cư, tức cũng là một biểu hiện của sự đoàn tụ, sum vầy…
Một điều đặc sắc nữa, ngày Tết không chỉ là lúc để gia đình sum họp mà còn là dịp để người Việt phát huy truyền thống tương thân tương ái, sẻ chia với những người khó khăn, bất hạnh. Trong không khí đầm ấm của ngày Tết, người Việt không quên gửi tặng quà Tết cho người nghèo, người già cô đơn, hay những em nhỏ mồ côi. Những hoạt động thiện nguyện này không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn làm đẹp thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nét đẹp truyền thống sum họp trong ngày Tết của người Việt Nam không chỉ thể hiện ở những bữa cơm gia đình đầm ấm, những nghi lễ tôn kính tổ tiên, mà còn là sự gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Tết là thời gian quý báu để chúng ta nhìn lại quá khứ, nhớ về cội nguồn, đồng thời hướng đến tương lai với những ước mơ và hy vọng mới. Sự sum họp, đoàn viên trong những ngày Tết đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, giúp lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời gắn kết mọi người với nhau trong tình yêu thương sâu sắc.
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)