Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sừng sững pháo đài Agra

Tạp Chí Giáo Dục

Nhắc đến “pháo đài”, người ta thường nghĩ tới những bức tường đá xám xịt, các tháp canh u ám, thế nhưng, các pháo đài ở Ấn Độ lại là những công trình nghệ thuật kiến trúc vô giá.

Trong đó, pháo đài ở thành phố Agra được đánh giá là đẹp và ấn tượng nhất.

Thời điểm lý tưởng trong ngày để tham quan pháo đài Agra là buổi chiều, khi ánh mặt trời rực rỡ chiếu thẳng vào cổng thành phía tây. Chiếc xe lôi chở chúng tôi đi dọc theo kênh đào bao quanh pháo đài để chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp lộng lẫy của tòa thành màu đỏ. Ấy vậy mà đến khi xuống xe, chúng tôi vẫn không ngăn được cảm giác choáng ngợp khi đứng trước cánh cửa đá khổng lồ, ngẩng đầu lên vẫn không thấy hết được đỉnh của các tháp canh.
Pháo đài Agra đỏ rực lúc hoàng hôn

Do nằm ở vị trí trung tâm trên bản đồ Ấn Độ, thành phố Agra đã từng được chọn làm kinh đô của nhiều triều đại Mughal. Trong lịch sử, vương triều Mughal là một đế chế Hồi giáo cai trị Ấn Độ từ đầu thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX.  Những vị vua Mughal vĩ đại nhất cũng đã từng sống trong pháo đài này nên nơi đây còn được coi là một hoàng thành.

Được vua Akbar ra lệnh khởi công xây dựng vào năm 1558, pháo đài  Agra huy động tới 1,5 triệu nhân công làm việc miệt mài trong tám năm. Vật liệu xây dựng pháo đài là gạch ở trong lõi và đá sa thạch đỏ phủ bên ngoài được vận chuyển từ vùng Rajasthan về. Pháo đài được xây hình bán nguyệt dựa theo dòng chảy của sông, bao quanh bởi hệ thống tường thành cao chót vót và tháp canh dày đặc. Tuy nhiên, khác hẳn với vẻ kiên cố khép kín ở bên ngoài, không gian bên trong pháo đài rất thanh nhã và khoáng đạt. Kiến trúc Mughal của hoàng thành là sự kết hợp hài hòa phong cách Hồi giáo và Ấn Độ, đơn giản, uy nghi nhưng không kém phần tráng lệ và tinh xảo. Nổi bật nhất là những trang trí nội thất bên trong các cung điện. Thật khó để tin rằng những đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế và mềm mại này lại được tạo ra từ những khối sa thạch thô kệch xù xì.
 

Vật liệu xây pháo đài là sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng

 

Những chi tiết trang trí tinh xảo trên sa thạch

So với thiết kế ban đầu của vua Akbar, pháo đài Agra đã được tu sửa nhiều lần bởi những người kế nhiệm, mà đóng góp lớn nhất thuộc về vua Shah Jahan với những cung điện bằng đá cẩm thạch cẩn các loại đá quý nhiều màu. Nhưng cung điện này vẫn giữ được vẻ rực rỡ qua nhiều thế kỷ. Trong đó, cung thiết triều Diwan I Am có thể được coi là đỉnh cao của kiến trúc Mughal. Dù bị thời gian phủ bóng, nơi đây vẫn toát lên vẻ tráng lệ với những hàng cột cao vút nâng đỡ các vòm trần duyên dáng nở xòe như những đóa hoa cẩm thạch trắng.

 

Vẻ đẹp uy nghi, đối xứng của cung Diwan I Am
 

Những mái vòm cẩm thạch trắng nở hoa ở cung Diwan I Am
Trong lịch sử, vua Shah Jahan không chỉ được lưu danh bởi những chiến công hiển hách mà còn nổi tiếng với câu chuyện tình đã làm nên ngôi đền Taj Mahal. Thế nhưng khi về già, nhà vua lại bị chính con trai của mình giam lỏng trong tòa tháp Muasamman Burj ở pháo đài Agra. Chúng tôi dừng lại thật lâu trên ban công tháp, dõi mắt ngắm đền Taj Mahal soi bóng trên dòng Yamuna, không khỏi chạnh lòng khi nghĩ cuộc đời của vị vua già giống như câu hát: “rồi sông đãi hết, anh hùng còn chi…” (*). Ấn tượng về pháo đài Agra trong tôi, do vậy, không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy mà còn đọng lại cả một chữ “tình” buồn man mác.
(*) lời bài hát “Bóng anh hùng” – Nguyễn Vĩnh Tiến
Tạ Hạnh Liên / Phụ Nữ

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)