Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Suối Mỡ – sơn thủy hữu tình

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm ở xã Nghĩa Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, khu du lịch Suối Mỡ cách trung tâm TP.Bắc Giang 30 km theo QL31 về hướng đông bắc. Nơi đây, thác nước và đại ngàn hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh tuyệt vời.

Đường lên suối Mỡ – Ảnh: Hoàng Tạo

Khu du lịch Suối Mỡ được Bộ VH-TT xếp hạng di tích và thắng cảnh cấp quốc gia từ tháng 4.1998, bao gồm một quần thể di tích như: Đấu Đong quân, chùa Hồ Bấc, đinh Chòi Xoan, bãi Quần Ngựa, thác Thùm Thùm. Đây cũng là nơi lưu giữ tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Dòng chảy của suối Mỡ tạo thành những ngọn thác đổ cheo leo theo vách đá, chạy dài hàng chục cây số. Có nhiều thác lớn, nhỏ tung bọt trắng xóa. Du khách ngạc nhiên vì giữa đại ngàn mênh mông lại có nhiều bồn tắm thiên nhiên như ai sắp đặt sẵn.

Sau khi viếng đền Hạ, bạn có thể đi ngược từ cuối dòng lên đến đỉnh mất chừng 35 phút để viếng đền Trung và Thượng. Thật thư thái khi thả hồn vào tiếng suối chảy róc rách cùng mùi hương hoa lá thoang thoảng của núi rừng. Trải mắt xa hơn, một mảng xanh bao la của thiên nhiên bao phủ không gian rộng lớn. Nhìn từ trên đỉnh xuống, suối Mỡ như một con trăn khổng lồ uốn lượn trên dãy Huyền Đinh – Yên Tử. Đến đây, du khách không những được ngắm khung cảnh sơn, thủy hữu tình, mà còn được tham quan các dấu xưa, tích cũ. Truyền thuyết kể rằng, vua Hùng Định Vương thứ 9 có nàng công chúa tên Quế Mỵ Nương hiền thục, nết na. Được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử. Một lần đến đây, chứng kiến cảnh đất đai khô nẻ, dân tình đói rách, công chúa rất đau lòng. Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng 5 đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống người dân cũng trở nên no đủ hơn xưa. Ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương, dân làng đặt tên con suối ấy là suối Mẫu (sau này đọc chệch ra thành suối Mỡ), lập đền thờ và gọi là đền Thánh mẫu thượng ngàn. Dọc hai bờ suối, người bản địa còn xây dựng ba ngôi đền kế tiếp nhau là đền Hạ, Trung và Thượng để bày tỏ tấm lòng biết ơn với công chúa. Hội Suối Mỡ hằng năm được mở lễ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch, đồng thời lấy ngày mùng 1 là ngày chính hội để tưởng nhớ công ơn Thánh mẫu thượng ngàn Quế Mỵ Nương.

Hoàng Tạo (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)