Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sụt lún đất – vấn đề cấp bách của ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Dữ liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho thấy: ĐBSCL đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua. Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, lượng phù sa hạn chế nên không bù lại được tốc độ sụt lún. Mức độ và tần suất lũ giảm cộng với tình trạng khai thác cát dọc các con sông khiến ĐBSCL bị sụt lún khoảng 5,74cm/năm, cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của khu vực có thể sẽ nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ 21.

Khảo sát của Viện Quản lý nước và biến đổi khí hậu (BĐKH) Việt Nam cho thấy, 2 tác nhân chính gây ra sụt lún ở quy mô lớn là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm quá mức.

Theo TS. Hà Quang Khải – Viện Quản lý nước và BĐKH Việt Nam: Các dữ liệu trên bản đồ không gian thời gian qua cho thấy sự nén tự nhiên của phù sa tầng nông bồi đắp ở đồng bằng trong thời kỳ Holocen dẫn đến tốc độ sụt lún từ 2-4cm/năm. Cách duy nhất để bù đắp cho sự mất mát về độ cao này là phải có phù sa mới.

“Số liệu điều tra từ năm 2010 cho thấy, khu vực ĐBSCL khai thác và sử dụng hơn 2 triệu m3 nước/ngày. Việc tăng cường các hoạt động sản xuất nông nghiệp và yêu cầu đô thị hóa liên quan đến tăng trưởng kinh tế trong khu vực khiến nhu cầu sử dụng nước ngầm ngày càng tăng. Hạ thấp mực nước ngầm ở ĐBSCL do khai thác nước ngầm dẫn đến tăng tốc độ lún lên đến vài cm/năm”, ông Khải nói.

TP.Cần Thơ đứng đầu khu vực ĐBSCL với tốc độ sụt lún 4,37cm/năm, trong đó một số khu vực tốc độ sụt lún hơn 5cm/năm. Nguyên nhân cơ bản là do Cần Thơ có dân số tăng nhanh và sự phát triển các khu công nghiệp dẫn đến nhu cầu nước ngầm cao. Việc gia tăng cơ sở hạ tầng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các khu vực đô thị. Do vậy tình trạng ngập lụt tăng và ngày càng trầm trọng hơn, triều cường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đô thị và các khu công nghiệp…

Ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho biết: “Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện nay ngập theo mùa khiến 1/2 TP.Cần Thơ bị ngập. Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp gần 650 USD/hộ gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ. Nếu không khắc phục các nguyên nhân gây sụt lún, Cần Thơ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2080”.

Việc hạn chế khai thác nước ngầm trở thành vấn đề rất cần thiết để tránh làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến nước ngầm, trong đó có cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm… Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Các giải pháp quản lý cần mang tính trước mắt và lâu dài. Trước hết cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao ý thức về sử dụng nước ngầm trong cộng đồng. Ứng dụng công nghệ để thực hiện tái sử dụng nước nhằm hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm. Có các nguồn thay thế cung cấp để đáp ứng nước trong mùa khô như khử muối, trữ nước mưa và tiếp cận nguồn nước mặt ở thượng nguồn. Việc thiếu các giải pháp thay thế nước ngọt chất lượng cao là nguyên nhân chính khiến nông dân và hộ gia đình sử dụng nước ngầm nhiều. Ngoài ra, tác động của sụt lún đất cũng có thể giảm thiểu thông qua quy hoạch hiệu quả. Ở những khu vực có tốc độ sụt lún cao, đặc biệt là các khu đô thị có mật độ dân số cao, cần có hướng dẫn xây dựng để hạn chế ảnh hưởng của tải trọng đến sụt lún. Về lâu dài, cần thực hiện tốt Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong đó tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững…

Đan Phưng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)