Đó là khẳng định của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) trong Hội thảo “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng HS năm 2017” do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TP tổ chức vừa qua.
Dinh dưỡng học đường phù hợp giúp HS khỏe mạnh và tiếp thu bài học tốt hơn |
Ngoại thành cao hơn nội thành
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, vấn đề dinh dưỡng của HS thành phố đang tồn tại một số vấn đề như tình trạng suy dinh dưỡng (SDD), thừa cân béo phì tăng cao, tình trạng thiếu máu theo tình trạng dinh dưỡng, đã xuất hiện tình trạng tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa ở trẻ vị thành niên do thừa cân béo phì. Trong đó, BS Hạnh lưu ý đến tình trạng SDD ở cả ba cấp học. Cụ thể, ở cấp tiểu học, tỷ lệ HS SDD thấp còi là 2,3% và SDD gầy còm là 2,1%. Ở cấp THCS, có 3,8% HS bị SDD thấp còi và 4,5% HS SDD gầy còm. Ở bậc THPT, tỷ lệ HS bị SDD ở mức độ cao hơn 2 nhóm trước là 7,8% HS bị SDD thấp còi và 5,8% HS bị SDD gầy còm. Tuy nhiên, tình trạng SDD còn có sự khác nhau theo địa dư. Trong đó, tỷ lệ HS SDD thấp còi ở nội thành là 3,0% thì ở ngoại thành là 7,1%. Tương tự, HS nội thành bị SDD gầy còm ở mức 2,5% thì ở ngoại thành là 6,8%. Một trong những nguyên nhân khiến HS bị SDD là do thiếu vi chất, trong đó có 50% là do thiếu vitamin D, do các em sinh sống trong nhà cao tầng và suốt ngày ở trong trường học. Tình trạng SDD ở trẻ còn kéo theo vấn đề gây thiếu máu theo tình trạng dinh dưỡng. Vì thực tế có tới 9,6% trẻ bị SDD thấp còi và 5,3% trẻ SDD gầy còm bị thiếu máu, trong khi trẻ không bị SDD chỉ có trên dưới 3% gặp phải vấn đề này. Tình trạng thiếu máu khiến trí não của trẻ bị trì trệ, buồn ngủ, khó tập trung và tiếp thu kiến thức trong giờ học.
Bên cạnh SDD, tình trạng thừa cân béo phì ở HS các cấp học cũng là điều đáng quan tâm. So với độ tuổi cấp THCS và THPT, thì HS tiểu học bị thừa cân béo phì cao nhất với 24,6% HS bị thừa cân và 27,2% HS bị béo phì. Theo nhận định của BS Hạnh, mặc dù thực tế Bộ GD-ĐT đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục thể chất. Tuy nhiên, một số hiệu trưởng vẫn chưa chú ý đến vấn đề này, trong khi giáo viên tại lớp thường ưu tiên về kết quả học tập của HS nhiều hơn, thậm chí sử dụng thời gian giáo dục thể chất cho các môn học thuật. Còn giáo viên giáo dục thể chất cũng chưa chú trọng đến giáo dục thể chất cho HS. BS Hạnh phỏng đoán tình trạng này có thể xuất phát từ tâm lý lo ngại các em học giáo dục thể chất sẽ bị mệt mỏi, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng thực tế là khi cho HS tham gia các hoạt động giáo dục thể chất (qua các trò chơi vận động, trò chơi đội nhóm…) ở mức độ vừa (thở hổn hển) và cao (ở mức thở đứt quãng) sẽ kích thích các nang phổi mở và tim hoạt động tốt, giúp trẻ phát triển tốt về thể lực.
Định hướng can thiệp
Cô Trần Thị Ngọc Tuyến, nhân viên y tế thuộc Phòng Giáo dục quận Tân Phú cho biết, một số trường đã thực hiện tốt việc tăng cường dinh dưỡng bằng sữa và các bữa ăn phụ cho HS bị SDD, đồng thời tăng cường thể dục thể thao và thêm rau xanh trong khẩu phần ăn của trẻ bị béo phì. Tuy nhiên, giáo viên chưa có sự đánh giá chính xác về cân nặng hoặc xác định HS bị béo phì so với kết quả khảo sát của cơ quan chức năng. Tình trạng này cũng đã xảy ra trên địa bàn quận Thủ Đức. Thầy Nguyễn Quốc (Phòng Giáo dục quận Thủ Đức) thừa nhận đã có một số trường không nắm được cách cân đo cân nặng và chiều cao của trẻ, nên đã đánh giá sai về tình trạng dinh dưỡng và cân nặng của HS, dẫn đến việc chăm sóc chưa đúng mức với tình trạng của các em. Và điều này chỉ được phát hiện khi so sánh với kết quả đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành.
Nhằm khắc phục tình trạng này, BS Hạnh lưu ý việc đánh giá đúng tình trạng dinh dưỡng HS là việc làm quan trọng. Do đó, nhà trường cần phối hợp với trung tâm y tế dự phòng quận để cùng giám sát tình trạng dinh dưỡng HS định kỳ. Trong trường hợp xác định được những trường hợp trẻ có vấn đề về dinh dưỡng, nhà trường nên khuyến khích phụ huynh đưa HS đi khám để có những hướng khắc phục phù hợp. Đối với HS thừa cân béo phì, các em cần được tầm soát tình trạng tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Đối với HS SDD và thiếu máu dinh dưỡng, cần được tầm soát và tiếp tục triển khai chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cho các em. Đồng thời, trường học nên hướng dẫn HS có thói quen ăn uống tốt, tạo điều kiện và khuyến khích các em tăng cường vận động thể lực ở sân chơi, chương trình vận động hấp dẫn, thời gian phù hợp…
Bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) lưu ý, hiện nay đa phần các trường học trên địa bàn thành phố có thời gian học 2 buổi/ngày, nên trường học không chỉ là nơi học tập, còn là nơi để HS ăn uống, ngủ nghỉ. Nếu môi trường học đường không đảm bảo, y tế trường học không được quan tâm đúng mức thì sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe HS bị giảm sút, làm gia tăng một số bệnh học đường như cận thị, vẹo cột sống, SDD, thừa cân béo phì… Do đó, việc tuyên truyền về dinh dưỡng học đường là việc làm hết sức quan trọng, góp phần giúp các em HS có đầy đủ dưỡng chất, mạnh khỏe để học tập, vui chơi và phát triển một cách toàn diện”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)