Suy dinh dưỡng là tình trạng ngưng phát triển do thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Thường thì năng lượng ăn vào luôn ít hơn năng lượng tiêu hao.
Một đứa trẻ khi bị suy dinh dưỡng sẽ giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, dễ dàng lây bệnh. Không chỉ có vậy, suy dinh dưỡng còn là nguyên nhân làm giảm trí tuệ, chỉ số thông minh (IQ) bao giờ cũng thấp. So với trẻ bình thường, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm chạp và hay mắc sai lầm trong hoạt động học tập cũng như vui chơi.
Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng
Nguyên nhân thứ nhất là suy dinh dưỡng bào thai. Một đứa trẻ sơ sinh trung bình có cân nặng là 3.000g và dài 50cm, nếu dưới 2.500g là suy dinh dưỡng bào thai.
Nguyên nhân thứ hai là do bệnh lý, trường hợp này rất ít xảy ra. Cũng như suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng do bệnh lý rất khó cải thiện.
Nguyên nhân thứ ba là do cách nuôi dưỡng thiếu khoa học của cha mẹ. Chẳng hạn trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn và liên tục từ 4 tháng tuổi trở xuống. Trẻ ăn dặm quá sớm, trước 4 tháng tuổi; hoặc ăn dặm quá muộn, sau 6 tháng tuổi. Khi cho trẻ ăn dặm nên cho ăn từ ít đến nhiều, từ thể lỏng đến thể đặc. Khẩu phần ăn của trẻ phải đầy đủ các chất bột, đường, trái cây, rau, dầu ăn, chất béo, sữa dặm. Tuyệt đối không nên có những kiêng cữ sai lầm về việc ăn uống trong thời gian trẻ mắc bệnh.
Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng
Khi suy dinh dưỡng, trẻ thường có các biểu hiện như không tăng cân, hoặc tăng không đủ, cơ nhão, mất lớp mỡ dưới da, da xanh. Nặng hơn thì trẻ bắt đầu quấy khóc, thờ ơ với ngoại cảnh.
Suy dinh dưỡng có 2 thể rất nguy hiểm, đó là suy dinh dưỡng thể phù và suy dinh dưỡng thể teo đét. Suy dinh dưỡng thể phù là phù cơ thể, rối loạn sắc tố da, rối loạn hình thái và chức năng của các cơ quan khác. Ngược lại với suy dinh dưỡng thể phù là suy dinh dưỡng thể teo đét hay còn gọi là “ban khỉ”. Cơ thể đứa trẻ chỉ còn da bọc xương…
Điều trị suy dinh dưỡng
Cho trẻ uống Vitamin A liều duy nhất nếu trước đó chưa uống.
Tăng năng lượng khẩu phần ăn bằng cách tăng dầu mỡ, tăng khối lượng thức ăn, tăng số bữa ăn/ngày. Với trẻ suy dinh dưỡng, phụ huynh đặc biệt chú ý đến cách cho ăn như kích thích trẻ ăn bằng các trò chơi, âu yếm động viên trong lúc trẻ ăn. Tuyệt đối không dùng vũ lực, quát nạt ép trẻ ăn…
BS Hoàng Thị Thanh Thủy (BV Nhi đồng I)
Bình luận (0)