Áp lực công việc, chuyện học hànhkhiến nhiều người trẻ mắc chứng suy giảm trí nhớ. Ảnh: T.Lê |
Theo BS. Trần Công Thắng – Chuyên khoa Thần kinh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) – hiện có khoảng 20-30% người trẻ tuổi gặp các vấn đề về trí nhớ. Đó chính là dấu hiệu của chứng suy giảm trí nhớ. Bệnh này nếu trong độ tuổi lao động sẽ làm ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Áp lực công việc, học hành
Trong cuộc sống hiện đại, do công việc bận rộn, nhiều áp lực nên chứng suy giảm trí nhớ ngày càng gặp ở nhiều người trẻ. Nguyễn Văn Đức (sinh viên năm cuối Trường ĐHSP kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Mấy tháng nay, tôi phát hiện mình bị mắc chứng suy giảm trí nhớ như khi nói chuyện với ai đó thì tôi có thể nhớ được những ý chính mà thôi, sau một thời gian thì lại quên mất; khi làm bài tập thì đầu óc không tập trung được, khả năng tư duy phán đoán cũng giảm đi rất nhiều. Hiện, tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng trong người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, không muốn suy nghĩ và làm bất cứ việc gì nữa. Tôi được biết bệnh này có thể dẫn tới sa sút trí tuệ nên rất lo lắng”.
Mới 30 tuổi nhưng chị Mai Hà (nhân viên kế toán) thường quên trước quên sau do công việc gia đình lẫn ở cơ quan quá nhiều. Nhiều lần đi ăn trưa với bạn, chị quên cả xe máy ở quán, lững thững đi bộ về cơ quan. Không ít lần đi làm chị quên không tắt đèn, quạt máy ở nhà khiến cuối tháng ông xã chị cằn nhằn vì phải đóng tiền điện quá nhiều. Chứng suy giảm trí nhớ còn gây ra cho chị nhiều hậu quả nghiêm trọng trong công việc khi thường xuyên phải đi tìm giấy tờ, tài liệu. Thậm chí nhiều lần, chị còn quên cả việc thu tiền dù đã xuất hóa đơn, kết quả là phải đền tiền cho cơ quan…
BS. Trần Công Thắng cho biết, khi bắt đầu có những rối loạn về trí nhớ, người bệnh cần phải đến BS để xác định được đó là biểu hiện bình thường hay bệnh lý là biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên, các kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng. Còn suy giảm trí nhớ do bệnh lý là bệnh nhân quên cách sử dụng những đồ vật đã từng dùng rất thường xuyên, gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận các thông tin mới hay việc giữ tiền và không thể giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày. Nhiều người cho rằng suy giảm trí nhớ là chuyện bình thường, chỉ cần giảm lượng công việc thì trí nhớ sẽ phục hồi. Tuy nhiên, cùng với tuổi tác và các tác nhân ngoại cảnh khác (rượu, thuốc lá, stress…) nếu không điều trị đúng cách thì trí nhớ sẽ ngày càng suy giảm và để lại di chứng rất nặng nề.
Tăng trí nhớ bằng cách nào?
BS. Trần Công Thắng khuyến cáo rằng những người tuổi trung niên phải thường xuyên luyện tập trí nãobằng cách đọc sách, thực hiện các bài tập luyện trí não như giải ô chữ và các câu đố, hoặc làm tính nhẩm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia mà không cần sử dụng tới máy tính. Đối với học sinh – sinh viên, nếu trí óc khó lưu giữ một cách hiệu quả các thông tin mới vừa học thì khi học, phải tập trung cao độ. Để giúp trí nhớ bền lâu, khi học bài, nên đọc to những bài học của mình lên. Trong trường hợp muốn ghi nhớ tên của một người mới gặp, cố gắng gọi lớn tên người đó vài lần. Trong thực đơn hằng ngày, nên tránh uống rượu vì rượu làm tăng nguy cơ nhũn não. Để duy trì trí nhớ các bạn trẻ thì nên tăng khẩu phần đạm trong bữa ăn (khoảng 300 gam/ngày) lấy từ thịt, cá, trứng, sữa… để “chăm sóc” cho các nơ-ron thần kinh. Để phòng bệnh, phải thay đổi lối sống, biết dẹp bỏ các áp lực, tạo điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chăm tập thể dục thể thao.
Phụng Diễm
Bình luận (0)