Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Suy nghĩ từ một bức thư hiệu trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, tôi đọc trên mạng thấy có đăng một bức thư của một Hiệu trưởng ở Singapore. Bức thư viết như sau: Các phụ huynh thân mến! Kỳ thi các em sắp bắt đầu. Tôi biết các quí vị đều lo lắng và muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có một em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn toán. Sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh. Sẽ có một nhạc sĩ mà điểm môn hóa sẽ chẳng thành vấn đề. Sẽ có một vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn vật lý. Nếu con của quí vị điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu con không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi sự tự tin và phẩm giá của chúng. Hãy nói với con rằng: “Không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều to lớn hơn thế nhiều”. Hãy nói với con rằng: “Dù điểm số như thế nào cha mẹ vẫn yêu con và không đánh giá con”. Hãy thực hiện điều này quí vị sẽ thấy con mình chinh phục cả thế giới. Một bài thi hay một điểm số kém không thể hủy đi giấc mơ và tài năng của con… Hiệu trưởng (nguồn: Tâm Phan sưu tầm và dịch).

Qua bức thư trên, vị hiệu trưởng muốn nói với phụ huynh rằng, mỗi học sinh có một thế mạnh, một năng khiếu riêng. Đừng nên o ép con mình phải giỏi nhiều môn và đạt kết quả cao ở những môn không phải là sở trường. Thực tế cho thấy, có học sinh không giỏi toán nhưng có giọng hát hay, luôn mang về thành tích văn nghệ cho trường, lớp. Có em không phải là một học sinh xuất sắc các môn văn hóa nhưng ai nấy đều xuýt xoa khi là cầu thủ nổi bật trên sân bóng. Có em có thể chưa giỏi tiếng Anh nhưng lại viết nên những áng văn hay bằng tiếng mẹ đẻ. Có em cá tính mạnh nhưng là người tốt bụng, luôn quan tâm giúp đỡ bạn bè. Mỗi em đều có những giá trị riêng đáng trân trọng. Chúng ta cũng thấy, những người ra đời thành công và có ích cho xã hội không phải lúc nào cũng đạt điểm cao các môn khi cắp sách đến trường. Nếu con trẻ không bị đặt nặng vấn đề điểm số, sẽ học tập thoải mái hơn với sự hứng thú, đam mê, sẽ xem học tập là niềm vui, niềm hạnh phúc. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho con phát triển năng khiếu, năng lực riêng của bản thân! Hãy để cho con là chính mình và thể hiện tốt nhất khả năng của bản thân. Hãy hướng con đến mục tiêu xa hơn, đẹp hơn bằng chính tài năng của con. Thầy cô  giáo cũng cần hiểu được điều này để không “vùi dập” nếu học sinh làm sai,  không “ruồng rẫy” hay “trách cứ” những em lỡ có điểm kém làm mất đi danh hiệu “học sinh giỏi”, làm mất thi đua của lớp, của thầy cô.

Thầy cô giáo chính là người truyền cảm hứng, giúp học sinh tìm hiểu, khám phá những điều hay, mới lạ, có ích, khuyến khích các em đặt câu hỏi, mạnh dạn chia sẻ, phát triển niềm đam mê, kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình! Nhà quản lý giáo dục nếu hiểu được mỗi học sinh có đặc điểm, năng khiếu riêng thì sẽ có cách đánh giá sát hợp hơn thành quả học tập của các em. Nếu đã triển khai “dạy học cá thể hóa” thì đánh giá học sinh phải dựa trên từng đối tượng, ghi nhận, tuyên dương sự nỗ lực và tài năng của học sinh ở từng môn học, từng lĩnh vực.

Thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Nhà trường luôn hướng học sinh trở thành một công dân toàn cầu. Và một công dân toàn cầu đúng nghĩa ngoài những yếu tố về tri thức, kỹ năng, sẽ là người có bản lĩnh, biết xây dựng hình ảnh bản thân và thể hiện được giá trị của nó. Học tập sẽ giúp học sinh điều này và sẽ tiếp tục khi các em rời khỏi ghế nhà trường. Chúng ta hướng các em không chỉ học văn hóa mà còn học cách sống, cách cư xử, cách thích nghi. Hãy khuyến khích các em luôn học tập và đặt hết trí óc, trái tim mình cho những ước mơ, mục tiêu theo đuổi.

Hiện nay ngành giáo dục đang triển khai lộ trình thay sách giáo khoa phổ thông. Song song với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, mong sao việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng được thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại trên thế giới. Điều cần nhất là xóa bỏ những áp lực nặng nề trong học tập và phát triển tiềm năng vốn có của từng học sinh.

An Nhiên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)