Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Suy thận ngày càng trẻ hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Ước tính nước ta hiện có khoảng 8 triệu người mắc bệnh về thận, với khoảng 12.000 người bị suy thận nặng phải lọc máu (chạy thận nhân tạo) và cần ghép thận. Trong số đó, có rất nhiều người trẻ, thậm chí một số trường hợp đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học…

Chạy thận nhân tạo là một phương pháp duy trì sự sống cho bệnh nhân suy thận

Những “sát thủ” thầm lặng

Nuôi con trai (HS lớp 8) tại Khoa nội thận của BV Chợ Rẫy, bà Phan Mai Anh cho biết con trai bà trong kỳ nghỉ hè vừa qua cảm thấy khó thở, khó tiểu, phù nề nhẹ, chứ không có dấu hiệu gì nghiêm trọng, nhưng khi đi khám bệnh mới biết bị suy thận và đến nay đã chạy thận được hơn một tháng. Tại Khoa nội thận, còn có một vài bệnh nhân chỉ độ 13-15 tuổi cũng đang trong tình trạng chạy thận. Các phòng của khoa này lúc nào cũng quá tải, trong danh sách thường xếp 2 bệnh nhân một giường. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp mới nhập viện không có giường nên phải nằm hành lang từ ngày này qua ngày khác.

Chẳng khác gì khoa nội thận, Khoa thận nhân tạo cũng luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân tuổi nào cũng có, từ già cả, trung niên, thanh niên và cả HS-SV, nên những bệnh nhân nặng chỉ được chạy thận nhân tạo trong một thời gian ngắn, khi ổn định sẽ được điều chuyển về các cơ sở y tế địa phương. Tương tự, Khoa ghép thận của Chợ Rẫy cũng luôn luôn quá tải nên các nhân viên thường phải làm việc quá giờ.

Đưa con gái 23 tuổi đi xét nghiệm ghép thận, bà Phan Thị Huyền (TP.Vũng Tàu) cho biết, con gái bà mới tốt nghiệp cao đẳng, chưa kịp đi làm thì phát hiện bị suy thận. Kết quả xét nghiệm cho thấy con gái bà có mức creatinin máu hơn 900 micromol/L (chỉ số bình thường từ 77 – 110), huyết áp và u rê máu cao bất thường. Triệu chứng ban đầu chỉ thấy khó thở, ăn uống kém, thỉnh thoảng bị choáng váng nên cứ nghĩ là bị cảm thông thường. Bà Huyền tâm sự: “Nhà có mỗi một đứa con, nên vợ chồng tôi rất lo. Dự tính chồng tôi sẽ hiến thận cho con, chỉ mong nó sớm phục hồi sức khỏe”.

Không chỉ quá tải ở BV Chợ Rẫy, tại BV 115 cũng đang có 700 bệnh nhân chạy thận và nhiều trường hợp chờ ghép, tại BV Nhi Đồng 2 hiện có 38 bệnh nhi đang chạy thận nhân tạo. Cha của một bệnh nhi 5 tuổi cho biết, vì con bệnh, phải chạy thận thường xuyên nên anh phải bỏ nghề lái xe để có thời gian chăm sóc con mình.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa thận và tiết niệu, nguyên nhân của suy thận mạn tính là do huyết áp cao, bệnh tiểu đường, viêm cầu thận, thận đa nang, sử dụng thuốc một cách tùy tiện… Tuy nhiên, mới đây Tổ chức Y tế thế giới WHO còn cảnh báo tình trạng béo phì cũng có thể gây tổn hại đến chức năng thận. Thói quen ăn nhiều đường, thực phẩm có nhiều năng lượng, chất béo nhưng ít vận động, xem ti vi, chơi điện tử nhiều đã gây tình trạng thừa cân khiến tuyến tuỵ bị quá tải, là nguyên nhân chính gây tiểu đường type 2, cao huyết áp, tình trạng này xảy ra cả với trẻ em. Trong khi tăng huyết áp và tiểu đường type 2 là nguyên nhân của 2/3 tổng số các ca suy thận, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối. Do đó, nhằm phòng ngừa suy thận mạn, mỗi người nên kiểm soát lượng đường huyết, huyết áp, cân nặng một cách thường xuyên; không mua và dùng thuốc một cách tùy tiện, chỉ được phép sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ; bệnh nhân đái tháo đường, gút, huyết áp cao cần đặc biệt chú ý để phòng biến chứng sang suy thận.

Ghép thận: Phương án tối ưu cho người suy thận mạn

Theo BS.CK2 Tạ Phương Dung(Trưởng khoa Nội thận – Miễn dịch ghép – BV Nhân dân 115) thì việc ghép thận ở Việt Nam có thể thực hiện tại: Miền Nam: BV Nhân Dân 115, BV Chợ Rẫy, riêng BV Nhi Đồng 2 thực hiện ghép cho trẻ em; Miền Bắc: BV Việt Đức, Bệnh viện 103, BV 198, BV Xanh Pôn, BV Bạch Mai, BV 108; Miền Trung: BVĐK Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng.

Theo kiến thức y khoa, suy thận mạn là tình trạng chức năng thận suy giảm từ từ và nặng dần theo thời gian. Khi bệnh tiến triển nặng, chức năng đào thải của thận bị suy giảm, không thể đưa các độc tố và nước dư thừa ra khỏi cơ thể, khiến chúng tích tụ lại và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí khiến bệnh nhân hôn mê và tử vong. Do đó, lúc này bệnh nhân cần được điều trị bằng các phương pháp thay thế. Trong đó phổ biến là chạy thận nhân tạo nhằm đào thải độc tố làm sạch máu cho bệnh nhân, với quy trình 3 lần mỗi tuần (mỗi lần từ 3-4 giờ). Bên cạnh đó còn có phương pháp lọc màng bụng với tần suất 4 lần mỗi ngày.

Theo một số bệnh nhân, phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng không ưu việt bằng phương pháp ghép thận. Vì chạy thận nhân tạo khiến bệnh nhân phải phụ thuộc vào bệnh viện, sức khỏe giảm sút, còn phương pháp lọc màng bụng thì có thể thực hiện tại nhà nhưng dễ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, theo BS.CK2 Tạ Phương Dung (Trưởng khoa Nội thận – Miễn dịch ghép – BV Nhân dân 115), khi bệnh nhân bị suy thận ở giai đoạn cuối (giai đoạn 5) thì mới cần ghép thận. Khi đã trong giai đoạn này thì tất cả bệnh nhân đều có chỉ định ghép thận. Sau khi ghép, cuộc sống của người ghép thận gần như bình thường, có thể đi làm, có thể lập gia đình. Người nữ ghép thận vẫn có thể lấy chồng và sinh con.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)