“Tiến sĩ tận thế” Roubini – Ảnh: Getty Images |
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kéo dài đến hết năm 2010, hoặc thậm chí lâu hơn thế. Đó là cảnh báo của giáo sư Nouriel Roubini.
Tại hội nghị ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 7-3, giáo sư Roubini, người được mệnh danh là “tiến sĩ tận thế” vì dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính, nhận định theo kịch bản lạc quan nhất thì nền kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 1% hoặc chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2009. Sang năm 2010, suy thoái vẫn tiếp tục tại các nền kinh tế phát triển, trong khi nạn thất nghiệp sẽ còn kéo dài đến năm 2011.
Hãng tin AFP cho biết ông Roubini dự báo kinh tế toàn cầu năm 2010 sẽ chỉ tăng trưởng 1%. Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể do tác động dây chuyền. Trong đó GDP Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ tăng 5% trong năm nay.
Nguy cơ chữ L
Ông Roubini cho biết mọi người đều hi vọng cuộc suy thoái sẽ đi theo hình chữ V – sụp đổ nhanh nhưng cũng phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, ông khẳng định trên thực tế nền kinh tế toàn cầu đang mắc kẹt trong một cuộc suy thoái đi theo hình chữ U. Đáy của chữ U biểu thị thời gian nền kinh tế thế giới suy thoái, và quãng thời gian này có thể kéo dài trong ít nhất ba năm kể từ tháng 12-2007 tại các nước phát triển. “Các nhà hoạch định chính sách đang đi đúng hướng, nhưng tất cả đều quá ít ỏi và quá muộn” – AFP dẫn lời ông Roubini khẳng định.
Từ đầu năm 2005, giáo sư Roubini từng dự báo bong bóng nhà đất tại Mỹ sẽ vỡ, nhấn chìm nền kinh tế. Nhưng vào thời điểm đó, giới truyền thông, chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế đều coi ông là kẻ đưa ra những dự báo bậy bạ. Tuy nhiên, tất cả dự báo của ông Roubini đều biến thành sự thật vào năm 2008. |
“Mối quan ngại của tôi là cuộc suy thoái hình chữ U này sẽ đi theo một kịch bản tồi tệ hơn nhiều, đó là suy thoái hình chữ L” – ông Roubini dự báo. Theo ông, có tới 33% khả năng cuộc suy thoái toàn cầu sẽ đi theo hình chữ L, nghĩa là một thời kỳ suy thoái kéo dài, sản xuất đình đốn, giá cả sụp đổ do nhu cầu cạn kiệt. Đó là những gì đã xảy ra đối với nền kinh tế Nhật trong thập niên 1990.
Hãng tin BBC cho biết nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc đến các cụm từ “hóa thạch đại suy thoái” và “đại suy thoái 2.0”, nghĩa là cuộc suy thoái lần này cũng có tác động lớn không kém so với cuộc đại suy thoái thời thập niên 1930. Trong trường hợp lạc quan nhất, dù suy thoái sớm chấm dứt sau năm 2010 thì thế giới cũng sẽ phải đối mặt với “một thập niên mất mát” với tỉ lệ tăng trưởng ì ạch.
Theo ông Roubini, quốc hữu hóa tạm thời các ngân hàng không thể trả nợ, sau đó sẽ bán lại cho nhà đầu tư tư nhân là phương thức hiệu quả nhất để tránh suy thoái chữ L kiểu Nhật. Nhiều chuyên gia như cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman hay thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của ông Roubini.
Tổng thống Obama quyết tâm
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết sẽ làm “tất cả những gì cần thiết” để phục hồi nền kinh tế, đồng thời cảnh báo nước Mỹ có những lựa chọn khó khăn ở phía trước – lời cảnh báo công khai nhằm vào những nhân vật chỉ trích các đề xuất ngân sách của ông. Trong bài phát biểu hằng tuần trên đài phát thanh, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Kể từ ngày nhậm chức, tôi đã biết giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ không hề dễ dàng và chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong những tháng tới. Chính quyền của tôi cam kết sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng này và đưa chúng ta tới một thời kỳ tốt đẹp hơn”.
Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi dân chúng ủng hộ kế hoạch của ông nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị suy thoái. Ông nói ngân sách mà ông đề ra phản ánh điều mà ông gọi là “một sự đối mặt thẳng thắn với vấn đề chúng ta đang ở đâu và cần đi tới nơi nào”. Ông cũng nhấn mạnh tin tức về tỉ lệ thất nghiệp lên tới mức cao nhất trong vòng 25 năm qua (8,1%, 12,5 triệu người thất nghiệp) không chỉ nằm ở con số mà còn thể hiện sự khốn khó của hàng triệu người dân nước Mỹ.
Chủ tịch FED Ben Bernanke hôm 7-3 cũng đã tuyên bố FED sẽ sử dụng tất cả công cụ để bình ổn các thị trường tài chính và đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái.
HIẾU TRUNG (TTO)
Bình luận (0)