Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Suy thoái kinh tế ở Anh: HS chật vật đến trường, SV gian nan tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Trằn trọc lo học phí

Một trường học tư thục ở Anh

Tình hình kinh tế suy thoái ở Anh đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nỗi lo của các bậc phụ huynh bị mất việc không chỉ dừng lại ở chuyện miếng cơm, manh áo mà còn là con đường học vấn của con em trong thời buổi khốn khó.
Anh Sean, 47 tuổi bị mất công việc quản lý cửa hàng bán lẻ cách đây ba tháng, từ đó, vợ anh trở thành người kiếm cơm chính cho gia đình. Cả hai vợ chồng đang lo lắng không biết làm như thế nào để xoay xở khoản tiền học phí 4.500 bảng/kỳ (1 bảng Anh = 24.790 đồng VN).
Sean nói: “Chúng tôi chuẩn bị bỏ các ngày đi nghỉ mát, không mua sắm thêm áo quần mới nhưng việc học con trai của chúng tôi không thể ngưng lại được. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì miễn là con trai chúng tôi vẫn đến trường”.
Suy thoái kinh tế đã khiến ngày càng có nhiều phụ huynh ở Anh nhiều đêm trằn trọc mất ngủ lo về gánh nặng học phí, về tương lai cho con cái.
Nhiều bậc phụ huynh xin cho con cái học ở trường công lập để nhẹ gánh học phí. Số HS giảm là nguyên nhân khiến 10 trường học tư thục phải đóng cửa vào năm ngoái. Nhiều trường khác buộc phải sáp nhập và ít nhất có 25 nhà trường đang rao bán. Nhiều nhà trường tư thục phải tung ra các chiêu khuyến mãi. Tại Trường Queen Ethelburga ở North Yorkshire, HS được nhà trường khuyến mãi một kỳ học miễn học phí và một bộ đồng phục cho trị giá khoảng 500 bảng. Nếu không thích chọn các ưu đãi trên, HS có thể được tặng một máy tính xách tay với điều kiện phải nộp học phí.
Nhiều gia đình chuyển con cái của họ từ trường tư thục sang trường công lập để giảm chi phí, tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng gì. Vợ chồng chị Sara và anh Dan ở nam London có đứa con trai tám tuổi đang theo học ở một trường tiểu học công lập, một con gái 14 tuổi cùng một con trai 18 tuổi đang học ở các trường tư thục. Dan làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin nhưng bị cho nghỉ việc vào tháng 10 năm ngoái theo chương trình cắt giảm nhân sự để chống chọi cơn khủng hoảng kinh tế. Hai vợ chồng buộc phải tính toán lại trường học cho các con. Họ quyết định vẫn để con trai học trường tư thục nhưng phải tìm cách chuyển con gái qua trường công lập để giảm chi phí. Nhưng rồi, họ không thể tìm chỗ học cho con gái vì những trường công lập danh giá có quá nhiều HS xin vào học. Họ định xin cho con vào một trường công lập gần nhà nhưng rốt cục không thành vì trường đó chỉ nhận 120 HS trong lúc có đến 600 HS nộp đơn.
Loay hoay kiếm việc
Khủng hoảng kinh tế đồng nghĩa với việc SV tốt nghiệp ra trường khó kiếm việc làm hơn. Nhiều công ty đặc biệt là các công ty tài chính, xây dựng đồng loạt cắt giảm việc tuyển dụng nhân sự.
Anh Jack Adkins, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành toán của Đại học Oxford vào năm 2007. Anh muốn xin công việc tư vấn kỹ thuật. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng làm việc ngắn hạn với Công ty tài chính JP Morgan Chase, anh không tài nào kiếm công việc khác. Anh than thở: “Tôi đã gửi rất nhiều thư xin việc và hồ sơ lý lịch nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào”.
Hiện Adkins buộc lòng phải đi làm gia sư dạy thên môn toán để cầm cự chờ việc.
Anh David Hayman, 23 tuổi cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh đã có bằng quan hệ quốc tế của Đại học Leeds (Anh). Sau một năm làm việc cho Ngân hàng Citibank ở New York (Mỹ), anh quay về nhà tìm công việc ở một tổ chức từ thiện. Tưởng rằng với kinh nghiệm của mình, anh có thể có lợi thế nhưng thực tế, hành trình kiếm việc của anh cũng lắm gian nan. Anh nói: “Có 300 người cùng xin vào một vị trí mà tôi chọn do đó rất khó khăn. Trong vòng năm tháng, tôi chỉ được mời phỏng vấn hai lần nhưng không thực sự gây ấn tượng.”
May mắn, cuối cùng anh cũng kiếm được việc làm ở kênh truyền hình The Discovery Channel, mặc dù công việc này chẳng ăn nhập gì với kiến thức anh đã học cũng như không mang về cho anh thu nhập tốt như mong đợi.
Trong một năm qua, có khoảng một triệu thanh niên, SV chưa tốt nghiệp đại học và những người trưởng thành khác (25-44 tuổi) chưa kiếm được việc làm đành phải dẹp bỏ lòng tự trọng quay về nhà sinh sống với bố mẹ để ăn bám. Cứ 5 người trong nhóm tuổi 18-24, có một người hoặc là quay trở về nhà hoặc là hoãn kế hoạch ra sống riêng để tự mưu sinh.
Trường hợp của cô Rachel Conroy, 24 tuổi là một ví dụ. Sau khi lấy bằng cử nhân lịch sử ở Đại học Liverpool, cô đi du lịch nước ngoài một năm. Cô trở về Anh đúng lúc nền kinh tế đang khó khăn và chỉ xin được một công việc tạm thời ở một công ty tổ chức sự kiện. Khi định vay thế chấp để mua căn hộ ở riêng cùng bạn bè, cô lại bị sa thải. Thế là cô đành phải tiếp tục sống ở nhà cha mẹ. Cô nói: “Tôi không thể tin rằng tôi đã 24 tuổi mà vẫn sống nhờ vào bố mẹ. Tôi vui vì có thể sống cùng cha mẹ và họ đang đỡ đần tôi nhưng tôi ghét hỏi xin họ tiền. Tôi sống rất lặng lẽ và hạn chế đi chơi.”
Gần đây, Concoy đã kiếm được việc làm tạm bợ ở một tổ chức từ thiện. Cô nói: “Tôi đang cố gắng chỉ sống cho hiện tại và tránh xem tin tức trên tivi vì tình hình kinh tế vẫn còn quá ảm đạm. Ngay bây giờ, tôi không thể lên kế hoạch cho tương lai”.
Lê Hoàng
 (Theo Telegraph)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)