Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Suy thoái kinh tế sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Là một trong những nhà tư vấn chiến lược hàng đầu cho Chính phủ, chuyên gia cao cấp Bùi Kiến Thành đã nhận định lạc quan như vậy khi trao đổi với báo chí về những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2009.

Các doanh nghiệp rất cần vốn để phát triển (ảnh minh họa).

Đồng Việt Nam sẽ bị phá giá?
Trong năm 2009, tỷ giá là một vấn đề lớn, theo ông, tỷ giá sẽ biến động như thế nào cũng như tác động lên các doanh nghiệp?
Theo tôi, tỷ giá đồng Việt Nam (VND) năm nay sẽ bị hạ xuống vì nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong thời điểm chưa hoàn toàn giải quyết được lạm phát. Lạm phát của ta vẫn ở trên con số 10%. Nếu lạm phát 10% thì tỷ giá VND sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng có một vấn đề nữa là Việt Nam cần tiếp tục xuất khẩu, do đó chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề tỷ giá thế nào để doanh nghiệp có được lợi thế xuất khẩu. Mà muốn lợi thế xuất khẩu thì VND phải “rẻ” hơn chút.
Với tình hình đó thì từ bây giờ cho đến cuối năm, VND sẽ bị phá giá phần nào. Còn phá giá tới đâu thì Ngân hàng trung ương sẽ không để cho nó bị tuột dốc.
Nếu VND bị mất giá thêm thì không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu mà tất cả người dân cũng đều bị ảnh hưởng?
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp nhập khẩu phải tính xem chúng ta cần nhập cái gì. Tất cả cộng đồng trong nước cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng nên xem lại mình có nghĩa vụ gì đối với tình hình chung để hạn chế nhập khẩu. Chúng ta chỉ nên nhập cái thực sự cần thiết và bớt đi những cái không cần thiết.
Đó là với tình hình nhập khẩu, còn thị trường xuất khẩu của Việt Nam thì sẽ như thế nào?
Trong khi nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam đang rất lớn tới thị trường Mỹ thì nước này lại đang giảm mạnh nhập khẩu, cả về lượng và giá. Cuối năm vừa rồi, giá xuất khẩu của ta bị giảm tới 30%.
Nghiêm trọng hơn, năm vừa qua, do lãi suất vay cao, một số doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động cầm chừng và phá vỡ một số hợp đồng với nước ngoài. Từ đó dẫn đến không những ta đã mất những hợp đồng đó mà ta còn mất cả khách hàng. Mà mất khách hàng là vấn đề tối kị trong phát triển kinh doanh.
“Tấn công” mà quên mất “phòng thủ”
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam thì doanh nghiệp nội lại không khai thác được thị trường. Ông giải thích thế nào vế nghịch lý này?
Mình chưa có những nhận định đầy đủ về tầm quan trọng thị trường trong nước mà đã đem “quân” đi “đánh” nước ngoài. Việc bỏ “vườn không nhà trống” để “quân” bên ngoài ào vào thì đấy là tại mình. Đấy là vấn đề cần phải xem lại.
Hiện nay, chúng ta mới chỉ nghĩ đến “tấn công” mà chưa thấy “phòng thủ”. Đó là sự lựa chọn của doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt. Điều đó thì cũng tốt nhưng đừng quên cái lợi lâu dài là tại trên đất nước mình.
Khó khăn trong bối cảnh hiện nay thì rất nhiều nhưng theo ông, chúng ta nên ưu tiên những vấn đề nào?
Đó là ưu tiên là sản xuất những sản phẩm cần thiết cho đời sống của người tiêu dùng. Chúng ta cũng nên ưu tiên củng cố, phát triển ngành tín dụng ngân hàng cho mạnh vì nếu không các doanh nghiệp sẽ không đủ vốn để hoạt động.
Tất cả các dự án của doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, có thể phát triển tốt thì cần được cung ứng số vốn cần thiết.
Một vấn đề nữa là phải tổ chức hệ thống phân phối cho thật tốt để hàng hóa tới được người tiêu dùng, cái này hiện nay chúng ta làm chưa tốt. Nếu không, những hàng nước ngoài, họ tổ chức phân phối tốt, mua hàng cực rẻ và bán ra cực rẻ thì có thể huỷ diệt hệ thống phân phối của mình.
Cơ hội để thay đổi tư duy
Ông có nói cuộc khủng hoảng lần này là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam?
Cơ hội mà tôi muốn nói là để mình có tư duy mới về vấn đề phát triển kinh tế và đoàn kết lại để làm việc. Tư duy mới này không phải chỉ ở doanh nghiệp mà ở cả vấn đề quản lý nhà nước. Một doanh nghiệp hay một cộng đồng doanh nghiệp không thể phát triển được nếu môi trường kinh doanh không đủ điều kiện cho hoạt động.
Có thể nói, cho đến bây giờ ở Việt Nam, cơ chế quản lý nhà nuớc chưa phù hợp để cho doanh nghiệp phát triển. Bởi vậy, các lãnh đạo nhà nước phải suy nghĩ. Chúng ta không thể tồn tại và phát triển với một cơ chế còn nhiều tiêu cực và quan liêu. Thời điểm này là một cơ hội.
Chúng ta đã bị đẩy vào trong bức tường nhưng không thể để cho nó đổ vỡ. Vì vậy, cần phải suy nghĩ, không phải chỉ mỗi doanh nghiệp với nhau mà cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng quốc gia và cộng đồng những người lãnh đạo.
Theo ông, trong giai đoạn này, điều quan trọng Chính phủ Việt Nam cần làm cho các doanh nghiệp là gì?
Chính phủ cần nghiên cứu một tổ chức hỗ trợ phát triển theo mô hình “Cơ quan hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ” của Chính phủ Hoa Kỳ (có thể tham khảo tại trang web http://www.sba.gov).
Cơ quan này có chức năng tư vấn, hỗ trợ thành lập, phát triển doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp nhỏ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ được cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương…
Vì sao chúng ta phải ưu tiên đến doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Bên Mỹ cũng như Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra việc làm nhiều nhất chứ không phải là những doanh nghiệp lớn. Ước tính khoảng 80 – 90% việc làm mới tạo ra mỗi năm là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở Việt Nam, có khoảng 2,5 triệu lao động mỗi năm được tạo việc làm, trong đó 1,5 triệu lao động là những thanh niên mới vào thị trường lao động và hơn 1 triệu lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị. Vấn đề tạo việc làm rất quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội vì vậy cần phải ủng hộ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xin cám ơn ông!
Lan Hương (Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)