Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Suy tĩnh mạch

Tạp Chí Giáo Dục

Suy, giãn tĩnh mạch thường gặp từ tuổi 30 trở đi. Các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh xương khớp.

Cơ thể chúng ta có động mạch và tĩnh mạch. Động mạch giống như một mạng lưới bao gồm các cấu trúc hình ống, từ lớn đến nhỏ, dẫn máu có chứa ô xy và dinh dưỡng từ tim trái đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Khi mô ở các cơ quan nhận hết chất dinh dưỡng và ô xy, máu sẽ theo hệ tĩnh mạch trở về tim phải.

Một trường hợp tĩnh mạch bị suy, giãn nổi xanh, đỏ – Ảnh: BS Phong

Nguyên nhân, biểu hiện bệnh

Theo bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), suy tĩnh mạch ở chân là bệnh thường gặp. Bình thường tĩnh mạch chân có nhiệm vụ vận chuyển máu từ chân về tim theo chiều từ dưới lên trên, và từ các tĩnh mạch nông vào các tĩnh mạch sâu. Khi chúng ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực để chảy về tim, khi đó các cơ ở chân phải ép các tĩnh mạch sâu ở chân và bàn chân. Các van trong các tĩnh mạch sẽ giúp máu chảy theo một chiều lên tim. Khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra, khi cơ ở chân thả lỏng, các van sẽ đóng lại, giúp máu không đi ngược trở lại chân. Toàn bộ tiến trình đem máu trở về tim gọi là bơm tĩnh mạch.

Khi ta đi lại, các cơ chân co lại, bơm tĩnh mạch hoạt động tốt. Nhưng khi ta ngồi hay đứng, nhất là đứng, ngồi lâu, máu trong các tĩnh mạch chân sẽ ứ lại, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch dẫn đến làm yếu thành tĩnh mạch và làm tổn thương các van. Khi đó, bệnh giãn tĩnh mạch sẽ xảy ra. Ngoài ra, những người béo phì, không tập thể dục, hút thuốc nhiều, hoặc bị huyết khối tĩnh mạch sâu, phụ nữ mang thai cũng dễ bị suy tĩnh mạch chân. Biểu hiện thường thấy của bệnh là: đau nhức, nặng và mỏi chân; cảm giác nóng, ngứa, và co cứng hay chuột rút về đêm; các tĩnh mạch bị giãn và có màu xanh, đỏ nằm dưới da (kích thước từ nhỏ như sợi tóc đến to hơn ngón tay), nằm rải rác hay tập trung thành một đám; phù chân thường xuất hiện vào buổi chiều hay sau khi đứng một lúc… Những triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh đứng, ngồi lâu, phụ nữ lúc hành kinh, và sẽ giảm khi gác chân lên cao hay đi bộ.

Chữa trị

Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính không thể tự khỏi. Theo bác sĩ Phong, hiện tại có 5 cách điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. Việc điều trị là để giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bao gồm cả mục đích thẩm mỹ và ngăn ngừa bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn với biến chứng nặng có thể xảy ra.

Đối với suy tĩnh mạch chân giai đoạn 1 (không có triệu chứng đau nhức) thì chủ yếu điều trị nội khoa bảo tồn, để ngăn ngừa bệnh nặng hơn. Bên cạnh điều trị, cần tránh đứng, ngồi lâu, tránh tiếp xúc nhiệt, không tắm nước nóng, tránh để táo bón, không mặc quần bó sát, không đi giày cao gót, hạn chế những môn thể thao nặng; cần nằm gác chân lên gối mềm cao (15 – 20 cm) so với giường từ 3 – 4 lần mỗi ngày, khoảng 15 phút/lần; đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp… Nếu việc điều trị nội không hết bệnh, sẽ tiến hành phẫu thuật, hay điều trị xâm lấn tối thiểu – tùy trường hợp bệnh mà có biện pháp chữa trị khác nhau như: chích xơ, phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch, loại bỏ tĩnh mạch hiển qua ngã nội mạch đốt bằng sóng cao tần, đốt laser nội mạch.

Thanh Tùng

(TNO)

Bình luận (0)