Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Suýt đẻ rơi vì đường ngập

Tạp Chí Giáo Dục

Một bà bầu sắp sinh vẫn phải lội nước đến bệnh viện. (Ảnh: Việt Hưng)Chị Hương đau bụng dồn dập, không đi thì sợ phải đẻ ở nhà, đi thì sợ không đến kịp. Gọi taxi không được, chị Hương đành đến bệnh viện bằng xe máy. Cạnh chị là ba chiếc xe khác vừa hộ tống vừa dẹp đường. Hơn 2 tiếng mới vượt qua đoạn đường 5km.

Sáng 31/10, chị Hương (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu xuất hiện cơn đau đẻ. Hai vợ chồng gọi taxi để đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ở đường La Thành trong lúc trời mưa rất to. Đường tắc, đến nửa đường, thấy không đi nổi nữa, họ đành quay về, gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn. Qua điện thoại, bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi cơn co, dặn đến khi cơn xuất hiện liên tục thì phải đến bệnh viện.

Đến khoảng gần tối, cả nhà hốt hoảng vì chị Hương đau bụng dồn dập, không đi thì sợ phải đẻ ở nhà, đi thì sợ không đến kịp. Gọi khắp các hãng taxi không ai nhận chở, chị Hương đành đến bệnh viện bằng xe máy. Cạnh chị là ba chiếc xe khác vừa hộ tống vừa dẹp đường. Ngồi trên xe tròng trành, vừa ướt, vừa đau, vừa sợ, chị Hương khóc ầm lên khiến người nhà càng luống cuống. Vượt đoạn đường khoảng 5km trong hơn hai tiếng đồng hồ, gia đình đưa chị đến bệnh viện vừa kịp giờ em bé lọt lòng mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, trong ngày 31/10, nhiều sản phụ đến đây sinh nở trong tình trạng suýt đẻ rơi. Bệnh viện nằm gần những tuyến đường ngập và tắc nặng như Ngọc Khánh, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh… nên bệnh nhân thường phải đi vài ba tiếng mới đến nơi.

“Nhiều sản phụ khi tới bệnh viện phải xử lý khẩn cấp, chuyển lên phòng sinh luôn chứ không theo dõi như bình thường, vì họ gần như đẻ ngay”, bác sĩ Ánh nói. Một số bệnh nhân khác đến trong tình trạng cấp cứu do các vấn đề về thai nghén, vì thời gian đi đường kéo dài nên bệnh lý trở nên nghiêm trọng. Trong đó có hai trường hợp động thai, sau mấy tiếng trên đường, tình hình thai nhi trở nên kém hơn, một người đã bị hỏng thai.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Giám đốc Nguyễn Viết Tiến, cho biết, chưa có những ca đẻ rơi hay tai biến vì chậm đến bệnh viện. Tuy nhiên, dịch vụ khám và chăm sóc hậu sản tại nhà của cơ sở này gặp nhiều khó khăn do đường tắc. Nhiều yêu cầu của bệnh nhân không được đáp ứng, có những trường hợp xe bệnh viện đã lên đường nhưng sau đó phải quay về vì không thể đi nổi.

Nhiều bác sĩ không về nhà

Trong 2 ngày mưa lớn nhất, tại các bệnh viện, nhiều bác sĩ trực liên tục dù không phải ca chính thức của họ. “Chính tôi cũng ở lại bệnh viện đêm qua”, TS Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, nói. “Một phần vì mưa ngập, đường tắc nên ngại về, phần để xem có gì khó khăn trong việc phục vụ bệnh nhân thì khắc phục”.

Cũng theo ông Sơn, trong ngày 31/10, nhiều y bác sĩ phải mất cả buổi sáng mới đến được bệnh viện. Có những nhân viên y tế nhà ở Nhổn, Cầu Diễn phải thuê thuyền chở cả người và xe máy đi một số chặng. Tuy nhiên, các phương tiện, thuốc men, máu… để phục vụ cấp cứu, điều trị đều sẵn sàng.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh đêm qua cũng ở lại cùng nhiều nhân viên khác để phục vụ sản phụ, những người không thể chờ khi trời tạnh mới sinh con. Ông cho biết, các khâu chuẩn bị đều ổn, chỉ lo nhất là thiếu máu, vì kho dự trữ chỉ có một lượng nhất định. Thường khi cần, bệnh viện sẽ cử người sang Viện Huyết học Truyền máu ở đường Giải Phóng để lấy. Nhưng trong tình hình ngập lụt như hiện nay, việc này sẽ mất rất nhiều thời gian. Tình trạng thiếu máu rất nguy hiểm trong trường hợp cấp cứu như băng huyết do rau tiền đạo, các tai biến…

“Trường hợp cần máu mà dọc đường bị ngập, xe không đi được, nhân viên đi lấy máu phải bỏ xe đi bộ, hay linh hoạt tìm mọi cách để đưa được máu về”, bác sĩ Ánh nói. Riêng các bệnh nhân, sản phụ cần được chăm sóc y tế gấp nhưng lại bị kẹt giữa đường, có thể gọi số điện thoại 04 8343181, bệnh viện sẽ cử một tổ cấp cứu đến giúp đỡ.

Điện thoại của bác sĩ nóng máy

Hai hôm nay, số điện thoại của các bác sĩ bận liên tục vì bệnh nhân gọi đến nhờ tư vấn khi không thể đi khám. Bác sĩ Yến, công tác tại một bệnh viện công ở Hà Nội, ngày thường vẫn đến khám tại nhà cho một số bệnh nhi theo yêu cầu của phụ huynh. Hôm qua, vì đường tắc, bác sĩ và bệnh nhân không gặp được nhau, chị thường xuyên nghe họ miêu tả triệu chứng của bệnh và tư vấn qua điện thoại.

Chị Mai, sống ở Mai Động, có mẹ già đang bị sốt, ho, huyết áp hơi tăng. Trong những trường hợp như vậy, chị thường gọi bác sĩ gia đình, nhưng hôm nay, chị chỉ gọi điện để hỏi. “Nước ngập thế này, đưa mẹ đi khám thì bà càng ốm thêm, bác sĩ thì chắc chắn ko đến”, chị Mai nói.

Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cũng cho rằng, điện thoại là một kênh giao tiếp hiệu quả giữa bác sĩ và bệnh nhân trong trường hợp tắc đường vì ngập.

Theo Thu Ba – Đất Việt

Bình luận (0)