Đại diện Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị |
Theo quy định của bộ, năm học 2009-2010 là năm thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên (GV). Tuy nhiên, tại hội nghị “Sơ kết triển khai công tác SV đánh giá hoạt động giảng dạy của GV” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật vừa qua, nhiều trường vẫn còn băn khoăn về cách thực hiện, quy trình, cũng như tên gọi…
Đảm bảo lợi ích cho người học
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, lý do của việc đánh giá hoạt động của GV là nhằm ủng hộ, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân GV, đồng thời cũng giúp cho sự tiến bộ và thực hiện dân chủ các hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên về thực tiễn triển khai đánh giá hoạt động của GV có sự tham gia của SV ở một số trường ĐH trong thời gian qua chưa đạt được kết quả mong muốn. Đó là do nội dung, phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá chưa khoa học. Việc sử dụng kết quả không phù hợp với chức năng và giá trị của việc đánh giá… Do đó, việc đánh giá hoạt động của GV có sự tham gia của SV không được triển khai đại trà, không trở thành công việc được thực hiện thường xuyên trong các trường ĐH. Hiện mới chỉ có 37 cơ sở giáo dục ĐH báo cáo tình hình triển khai hoạt động này, trong đó 10/37 trường có quyết định thành lập Ban chỉ đạo “việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của GV”; 8/37 trường có chương trình cụ thể cho việc triển khai cho hoạt động này.
Là một trong 6 trường tham gia thí điểm hoạt động này (ĐH Thái Nguyên, ĐH SP TP.HCM, ĐHSP Huế, ĐH SP Hà Nội 1, 2, ĐH Đồng Tháp) PGS. Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHSP Hà Nội 1 bày tỏ quan điểm: “Đây là một biện pháp quan trọng của các trường ĐH vì đảm bảo lợi ích cho người học, tạo sự công bằng và khách quan, kích thích được sự nỗ lực khách quan của giảng viên”. Còn Giám đốc TT Khảo thí ĐHSP Huế – Lê Đình cho rằng, những người tham gia phải là những người nắm vững về khoa học. Đây không phải là đánh giá GV mà chỉ một bộ phận của việc đánh giá GV (vì chỉ có SV tham gia).
Nhùng nhằng chưa thống nhất
Tại hội nghị, mỗi trường đều đưa ra những ý kiến khác nhau về quy trình thực hiện, cách xử lý thông tin sau khi thực hiện, và thời điểm thực hiện hoạt động… Về tên gọi, hầu hết các trường đều thống nhất nên thay tên gọi “đánh giá” bằng một từ, cụm từ khác thực tế và “mềm” hơn. Nguyễn Việt Bắc – Phó hiệu trưởng ĐH Sài Gòn cho rằng: Không nên sử dụng cụm từ “đánh giá” vì quá nhạy cảm đối với các trường và rất dễ bị phản bác. Nên thay bằng “thu thập ý kiến SV về việc giảng dạy của GV” hoặc “lấy ý kiến phản hồi từ SV”. Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Đình Hảo (Phó hiệu trưởng ĐH Đà Lạt) cho rằng nên lấy tên gọi là “ý kiến phản hồi” bởi theo truyền thống đạo lý Việt Nam thì học trò không thể “đánh giá” người thầy. Còn ông Đỗ Văn Xê (ĐH Cần Thơ) đưa ra quan điểm khác, tên gọi “đánh giá” là một khái niệm hơi nặng, nhưng cần phải được thực hiện cho quen dần với các giảng viên cũng như nhà trường vì đây là một hoạt động văn hóa cân bằng mọi người trong xã hội. Bước đầu có thể tạm dùng từ “nhận xét GV” cho nhẹ hơn. Ông Xê cũng cho biết thêm, về kết quả hoạt động, khi công bố sẽ ít nhiều gây tâm lý cho người dạy. Không nên quá quan trọng vấn đề công bố kết quả mà chỉ cần đưa kín cho các GV để các GV tự tham khảo và đều chỉnh. Còn PGS. Nguyễn Công Khanh băn khoăn không biết kết quả đánh giá sẽ được sử dụng như thế nào. Có nên dùng đưa vào thi đua khen thưởng hay không cần phải có một lộ trình hợp lý, cách làm khoa học nhằm tránh làm tổn thương người thầy.
Về vấn đề có nên thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) của hoạt động này hay không? Nhiều trường đều cho rằng, không cần thiết phải thành lập BCĐ mà chỉ cần giao cho khoa, các phòng và hay nhất là cơ quan độc lập làm hoặc phòng khảo thí kiểm định chất lượng của các trường có thể đứng ra. PGS.TS Vũ Quang Thọ (ĐH Công đoàn) thẳng thẳn nêu: Đây là hoạt động rất tốt nhưng vấn đề quan trọng là cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho người học để thấy được tính khách quan khi đánh vào phiếu. Bởi đây là kênh thông tin cho sự phát triển chứ không phải là vấn đề tiêu cực. Cần phát huy được thông tin trách nhiệm ở mỗi SV khi tham gia. Phiếu cũng cần phải làm ngắn gọn, súc tích, đơn giản cho SV dễ hiểu. Cần phải thành lập BCĐ quy định vì BCĐ có trách nhiệm xử lý thông tin, tung tin ra sẽ gây nhiễu loạn không cần thiết và cần phải phối hợp với các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên ông Nguyễn Việt Bắc cho rằng không cần phải thành lập BCĐ nhà trường, mà có thể giao khoa làm, phòng làm vì BCĐ chỉ có tính chất phù hợp với những vấn đề thí điểm. Riêng hoạt động này liên quan đến chuyên môn nên giao cho phòng KTKĐCL làm. Sau mỗi học kỳ, cơ quan độc lập đến phát phiếu cho SV là tốt nhất. Đồng tình với quan điểm đó, ông Lê Đình cũng cho rằng không nhất thiết phải thành lập BCĐ, đồng thời không cần một mẫu chung mà tùy theo từng trường. Riêng ông Huỳnh Cẩm Thanh (CĐ Cộng Đồng – Đồng Tháp) bày tỏ ý kiến riêng: Bộ nên đưa ra bộ đề chuẩn chung cho các trường trên phần mềm máy tính. Khi SV góp ý chỉ cần nhấp chuột và máy tính sẽ xử lý số liệu. Nếu dùng phiếu thì rất mất thời gian về việc làm phiếu và tổng hợp số liệu.
Bài và ảnh: Nguyên Hải
Những khó khăn gặp phải khi thực hiện: “Sự cản trở về nhận thức/văn hóa (GV khó chấp nhận SV đánh giá mình); quy trình, tiêu chí và phương pháp tiếp cận có đủ rõ ràng, công khai và minh bạch hay không; mức độ tin cậy công cụ đánh giá”. PGS Nguyễn Công Khanh (ĐHSP HN 1)
|
Bình luận (0)