Phố Tây – TP Huế từ lâu đã trở thành điểm làm thêm của nhiều sinh viên (SV). Đến đây không chỉ có thêm thu nhập mà còn giúp các bạn có điều kiện tiếp xúc, nâng cao khả năng học ngoại ngữ của mình.
Làm để học kỹ năng
Hầu hết các nhân viên tại các nhà hàng ở phố Tây đều là sinh viên – Ảnh: Nguyễn Đông |
Hầu hết SV làm thêm tại phố Tây với những công việc nhẹ nhàng như: làm nhân viên lễ tân nhà hàng, nhân viên chạy bàn, bán hàng lưu niệm…, thậm chí đơn giản chỉ là nói chuyện với khách khi họ đến phố Tây một mình.
Đến với phố Tây, mục đích của các bạn SV trước tiên là nhằm nâng cao khả năng học và giao tiếp bằng tiếng Anh.“Hồi mới đến đây làm, em cũng chỉ bập bẹ được mấy câu chào hỏi mặc dù tiếng Anh là môn chuyên ngành, nhờ ngày nào cũng được giao tiếp với người nước ngoài nên bây giờ em cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh” – bạn Lê Thị Ngân, SV năm 1 Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, phấn khởi.
Nói là thế nhưng để có thể nói tiếng Anh lưu loát như bây giờ, Ngân phải bỏ ra không ít thời gian. Buổi sáng Ngân học tại trường, buổi chiều về nhà trọ lại mày mò học từ vựng, ngữ pháp… tối đến làm thêm tại phòng trà Hawaii (số 29 Võ Thị Sáu). Cô bạn vừa vận dụng những câu, từ vừa mới học để giao tiếp với khách. “Khách ở đây vui tính lắm. Ngày trước em phát âm, nói câu sai nhiều, may được họ giúp đỡ tận tình nên em dần hoàn thiện các kỹ năng” – Ngân chia sẻ.
Còn bạn Lê Thị Cẩm Phượng, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm, hiện làm tại quán Why Not, bộc bạch: “Cuối năm học này tụi mình đi thực tập, mình tìm đến phố Tây làm thêm để thực hành thêm khả năng tiếng Anh chuyên ngành, hi vọng sẽ thuận lợi hơn trong kỳ thực tập sắp tới”.
Phố Tây – TP Huế bao gồm: Hai con đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu và một tuyến phố nhỏ, gồm các quán bar, cửa hàng lưu niệm… tại thành phố Huế. Gọi là phố Tây vì tất cả mọi thứ ở con phố đều chủ yếu phục vụ cho khách Tây. Khách đến phố Tây hầu hết là khách du lịch đến từ Úc, Anh, Pháp. |
Tìm hiểu về văn hóa các nước phương Tây cũng là lý do để thôi thúc động lực các SV đến đây. Nguyễn Thị Phương, sinh viên ngành ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế, năm ngoái làm niên luận về văn hóa các nước phương Tây, ngoài nguồn tài liệu từ Internet, Phương tìm đến phố Tây làm thêm, trao đổi trực tiếp với người nước ngoài về văn hóa của nước họ, nhờ đó bài niên luận của Phương được đánh giá rất cao.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, chủ một quầy bán quà lưu niệm trên đường Phạm Ngũ Lão, cho biết: “Quầy hàng của chị không lớn nhưng lúc nào cũng có 4-5 nhân viên là SV. Nhận các em vào làm vừa giúp các em có thêm thu nhập, lại có điều kiện thực hành vốn ngoại ngữ của bản thân. Thấy các em chăm chỉ lại niềm nở với khách nên tôi rất yên tâm”.
Và những… vận may
Ở phố Tây, sinh viên làm và nhận mức lương theo ca (4 tiếng/ca). Thường thì làm buổi sáng nhận mức lương 500.000-600.000đ/tháng, buổi chiều lương 700.000-800.000đ/tháng, buổi tối lương trên 1 triệu đồng/tháng.
Chính làm theo ca nên các bạn SV cũng thuận lợi hơn trong việc sắp xếp thời gian học ở trường. “Ngày trước mình làm thêm ở mấy quán cà phê bên Thành Nội, lương chỉ vỏn vẹn 300.000- 400.000 đ/tháng. Từ ngày chuyển đến phố Tây, không những được học ngoại ngữ, giao tiếp với người nước ngoài mà lương cũng khá cao, mình rất vui” – bạn Nguyễn Quang Hào, nhân viên tại nhà hàng Ớt Đỏ, cho biết.
Vừa qua, một vị khách người Úc làm việc tại TP.HCM ghé quán Friendly, cảm mến trước các bạn SV chân thành cởi mở, ông đã gửi các bạn sinh viên tại đây một tấm card với lời hứa: khi nào ra trường, cứ tìm đến tôi, tôi có thể sẽ tìm được việc làm phù hợp cho các bạn…
PHƯỚC TUẦN – NGUYỄN ĐÔNG (TTO)
Bình luận (0)