SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) rèn kỹ năng nghe tiếng Anh trong giờ tự học |
Việc dạy bằng tiếng Anh một số môn cho SV không chuyên ngữ tại các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM hiện vẫn chưa thu hút đông đảo SV, dù các em được tự nguyện tham gia.
Đại diện các trường đã chỉ ra điều này tại tọa đàm “Những thách thức và giải pháp triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh một số môn học cho SV không chuyên ngữ” vừa được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, SV được tự nguyện tham gia học chương trình tiếng Anh dựa trên khả năng của mình. Đối với môn thực tập kỹ thuật gen, khi để SV tự nguyện, chỉ 56 em tham gia lớp tiếng Anh trong khi có đến 151 em chọn lớp tiếng Việt. Kết quả của lớp tiếng Anh có 5,4% SV đạt loại giỏi, hơn 44% loại khá, trên 37% trung bình và gần 2% loại kém.
TS. Nguyễn Trí Nhân – Khoa Sinh học, công nghệ sinh học – cho biết việc vận động SV tham gia lớp tiếng Anh rất khó. Để vận động các em tham gia, trường tổ chức 2 buổi giới thiệu (1 buổi bằng tiếng Anh, 1 bằng tiếng Việt). SV được cung cấp sơ lược những nội dung sẽ học, cách kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, giảng viên phải đưa trước giáo trình cho SV ít nhất 2 tuần để các em tham khảo và… lượng sức. “Phải cho các em thấy đây là cơ hội rèn tiếng Anh chuyên ngành không mất phí mà không trung tâm ngoại ngữ nào có thể dạy được. Điều quan trọng nhất, giảng viên phải thể hiện được sự nhiệt tình, kiên nhẫn lắng nghe SV, tìm cách vận động, thu hút các em. Đồng thời, giúp các em vượt qua cảm giác… sợ hãi do yếu tiếng Anh” – TS. Nhân nhấn mạnh.
Trường ĐH Công nghệ thông tin năm 2014 thực hiện giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh cho 5 lớp, tương ứng với 5 môn học. Ban điều hành Đề án ngoại ngữ quốc gia (ĐH Quốc gia TP.HCM) lựa chọn lớp và SV bắt buộc tham gia. Năm 2015, việc tham gia lớp chuyên môn bằng tiếng Anh, SV được tự nguyện. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Quyền Trưởng khoa Mạng máy tính và truyền thông nhà trường – thì sĩ số lớp đông và trình độ tiếng Anh không đồng đều là một trong các khó khăn cho quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, áp lực đối với giảng viên cũng khá cao.
ĐH Quốc gia TP.HCM để triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại 5 trường ĐH thành viên (trừ Trường ĐH Quốc tế) đã xây dựng Đề án tiếng Anh (đối với các chương trình tiếng Anh không chuyên ngữ). Đề án tiếng Anh được triển khai bởi chương trình đào tạo mới với tên gọi tiếng Anh tăng cường, chính thức được nhân rộng từ đầu năm 2014. Tỷ lệ SV được thụ hưởng chương trình tiếng Anh tăng cường ở toàn ĐH này tăng dần mỗi năm. Cụ thể, năm 2013 có 4,5% SV được thụ hưởng; năm 2014: hơn 31%. Theo kế hoạch năm 2015 là 60% và 100% vào năm 2016.
Theo đánh giá của ĐH Quốc gia TP.HCM, trước khi có sự định hướng của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, các chương trình tiếng Anh không chuyên ngữ thể hiện không ít bất cập về nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá. Nội dung của chương trình phần lớn chú trọng ngữ pháp, từ vựng, khả năng nghe và đọc hiểu. Phương pháp giảng dạy, đánh giá chưa khuyến khích sự chủ động và tạo động lực học tập cho SV.
Nêu hướng sắp tới, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng các khoa, trường thành viên nên mạnh dạn triển khai giảng dạy chương trình bằng tiếng Anh cho khối SV không chuyên ngữ. Nhưng hãy làm một cách cẩn thận, bắt đầu từ bước nhỏ, chọn những môn phù hợp; có thể dạy song ngữ (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) sau đó tiến tới dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ông Nghĩa còn đặt vấn đề xem xét cộng nửa điểm khuyến khích cho SV học chương trình bằng tiếng Anh.
Bài, ảnh: M.T
Bình luận (0)