Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

SV ngành du lịch – người “từ trên trời rơi xuống”!

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm cận Tết cũng là lúc vừa hoàn tất thi học kỳ, nhiều sinh viên (SV) ngành du lịch tại một số trường lại bắt đầu đi kiếm tour để chạy “sô”. Không ít em đã “hy sinh” cái Tết ấm áp cùng gia đình để đi tour với mục đích không chỉ tranh thủ kiếm thêm thu nhập mà còn muốn tích lũy kinh nghiệm. Có tinh thần học việc qua thực tế là tốt và đây sẽ là thuận lợi đầu tiên cho SV khi tốt nghiệp nộp đơn xin việc. Tuy nhiên, còn có một thực tế là ngay cả những em đã chịu khó “xông pha” nhiều, khi đi xin việc cũng nhận được không ít lời than phiền từ các đơn vị tuyển dụng.
Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành du lịch thì nhiều, con số SV tốt nghiệp tại các trường hằng năm cũng không nhỏ nhưng cơ hội việc làm cho SV ra trường lại không phải quá rộng mở. Có SV sau tốt nghiệp nộp đơn lòng vòng hết công ty này sang công ty khác mà cuối cùng vẫn không kiếm được việc. Nhiều công ty du lịch thẳng thắn thừa nhận rằng không dám nhận SV mới ra trường vì quá tốn công đào tạo lại trong khi cái họ cần lại là những người biết “chạy việc” ngay. Thậm chí, có đơn vị ví SV mới ra trường như những người “từ trên trời rơi xuống”, cái gì cũng không biết, cả kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tế đều… lơ mơ. Những em may mắn được nhận vào thì cũng không phải được tin tưởng giao việc ngay mà chỉ làm những công việc mang tính… phụ họa, phụ cho hướng dẫn viên chính trong các tour lớn. Cơ hội việc làm cho nữ SV thì càng hiếm hoi hơn.
Tại một buổi sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm của một CLB dành cho SV ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến, không ít nữ SV đã chẳng giấu được nỗi… tủi thân khi bộc bạch những khó khăn gặp phải trong quá trình xin đi thực tập thực tế, mà trở ngại lớn nhất chính là ở việc thiếu được “tin tưởng”. Trong khi đó, nam SV vẫn được các đơn vị “tin tưởng” và có phần ưu ái giao việc hơn vì ngoài kiến thức chuyên môn, hướng dẫn nam có một số lợi thế nổi trội về sức khỏe, sự nhanh nhẹn… Đại diện của Công ty TNHH DV-TM Cường Long nêu quan điểm, “tiêu chí” để giữ chân một nhân viên không chỉ ở việc người đó nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn ở khả năng khai thác khách hàng, bởi nguồn khách hàng sẵn có thì công ty hầu như đều đã khai thác hết. Qua quá trình tiếp cận, làm việc với SV, vị đại diện này đánh giá, có những em còn rất hời hợt, thiếu tính chủ động học hỏi kinh nghiệm, chỉ chạy theo phong trào chứ chưa thực sự yêu thích công việc hay chịu khó trang bị kiến thức. Nhiều em khoe “vốn” là đã đi thực tập tour xuyên Việt rồi mà chẳng hề nắm nổi nét đặc trưng của những địa danh cần giới thiệu cho khách. Trong khi đó, với SV có ít cơ hội được đi thực tế thì việc tận dụng những chuyến thực tập để vận dụng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm là hết sức quan trọng.
Về lâu dài, để sau khi tốt nghiệp có thể làm được việc, theo đuổi được nghề thì chính SV là những người nỗ lực trước hết. Nhưng chỉ SV nỗ lực thôi thì chưa đủ, khi mà vấn đề cốt lõi hơn là bài toán hợp tác đào tạo giữa nhà trường và đơn vị sử dụng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo vẫn chưa được các bên cùng giải quyết thấu đáo. Và một khi như vậy, niềm “mong ước thiết tha” của một nữ SV là được đi tour thực tế để chỉ lấy kinh nghiệm và chấp nhận miễn phí… công bỏ ra sẽ cứ còn là “mong ước” khó đạt được của cả những bạn trẻ đã và sẽ đặt bút đăng ký chọn học ngành du lịch.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)