Ảnh: MÊ TÂM |
Nhân lực cho ngành du lịch tăng hàng năm nhưng vẫn không đủ cho doanh nghiệp (DN). Lao động trong ngành luôn thiếu trong khi SV của ngành ra trường lại thất nghiệp. Đó là một nghịch lý được nhiều đại biểu nêu lên tại hội thảo khoa học toàn quốc về “Đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa – du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển” diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn mới đây.
Đã thiếu, còn… yếu
Theo số liệu thống kê hại hội thảo, cả nước có 21 trường ĐH, 10 trường CĐ và 57 trường TCCN đào tạo về du lịch. Thế nhưng, theo thống kê của Tổng cục Du lịch thì mỗi năm ngành du lịch cần khoảng 35.000 lao động được đào tạo bài bản trong khi thực tế các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 số lượng đó. Ông Võ Thế Khang, Khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Sài Gòn nêu vấn đề: Nguồn nhân lực được đào tạo và tốt nghiệp khá dồi dào và tăng lên hàng năm, nhưng khả năng đáp ứng lao động theo nhu cầu của các DN du lịch và dịch vụ còn nhiều hạn chế. Lao động trong ngành mỗi năm luôn thiếu trong khi SV ra trường liên quan ngành này lại khó xin được việc làm. Còn TS. Phạm Thị Thu Nga, Khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Sài Gòn đưa ra ý kiến: Vấn đề được quan tâm hiện nay là chất lượng đào tạo ở các trường. Thực tế, SV khi ra trường rất khó khăn để tìm việc. Bà Nga lý giải là do định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa du lịch; nội dung và phương pháp đào tạo chưa thật sự gắn với yêu cầu thực tiễn xã hội, người học tiếp cận thực tế quá ít. Đội ngũ giảng viên chuyên ngành thiếu…
SV “đói” kiến thức thực tế
TS. Nguyễn Nhã, Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam cho rằng, tuyển sinh ở các trường không có lựa chọn đầu vào theo sở trường, sở thích phù hợp với nghề nghiệp khi tốt nghiệp khiến cho tình trạng thầy dạy và trò học một cách đối phó. Trong khi đó, ông Đào Văn Chiêu – đại diện Công ty Saigontourist bức xúc: Trên giảng đường, giáo viên chưa định hướng cho SV biết cần học những gì, học ra trường sẽ làm gì, vì thế SV rất thụ động khi ra trường. Chính vì vậy, tôi phải đào tạo lại gần như từ đầu cho nhiều em SV sau khi ra trường vì kiến thức sách vở các em rất giỏi nhưng thiếu hụt kiến thức thực tế”. Một nguyên nhân khiến SV “đói” kiến thức thực tế còn là ở giảng viên. Ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề tư thục Du lịch Khôi Việt nhận xét: Dạy cho SV kỹ năng phục vụ bàn, phục vụ buồng, quầy bar… thì ta không cần đến giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ mà cần đến những giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong các ngành này.
Tuy nhiên, theo ông, những giảng viên có khả năng hành nghề thực sự chỉ có thể cống hiến ngoài giờ vì còn phải làm việc trong các cơ sở lớn. Do đó, những bài giảng của SV cũng nặng tính lý thuyết mà nhẹ phần thực hành, kỹ năng hành nghề. Ông Chiêu đề nghị nên cho SV đi thực tập ngay từ hè của năm học thứ nhất hoặc năm thứ hai chứ đừng để đến năm thứ ba mới cho SV đi thực tập. Ngoài ra, nên cho SV đi thực tế nhiều tuyến điểm cơ bản, không nên đi học tập ở những tuyến điểm ở xa sẽ gây lãng phí chi phí của SV và lại không thực tế. Như miền Trung, miền Tây SV ta còn chưa rành thì có trường cho SV đi thực tập ở tận Trung Quốc… Mặt khác, những chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tế giữa nhà trường và công ty lữ hành theo ông Chiêu sẽ góp phần làm cho SV cập nhật kiến thức thời sự bên cạnh kiến thức về lịch sử.
Không chỉ kiến thức thực tế, ông Võ Thế Khang còn cho rằng SV ngành văn hóa du lịch còn yếu trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính thì các ngôn ngữ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhân viên du lịch cũng thiếu và yếu. Từ đó, ông Kha Bảo Đại, đại diện Công ty Du lịch Sao Kim nghĩ rằng để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, SV ngành văn hóa du lịch cần được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ khách sạn, thiết kế và tính giá tour; thuyết trình đàm phán và trả lời câu hỏi khó…
Nguyên Hải
Bình luận (0)