Cậu SV chìa thẻ sinh viên và được bà chủ hiệu cầm đồ giải quyết ngay với số tiền 6 triệu đồng và mức lãi là 10.000 đồng cho một triệu đồng tiền vay qua mỗi ngày. Như vậy, cậu SV đã phải trả lãi 60.000 đồng cho mỗi ngày…
Vay nặng lãi với giá cắt cổ không còn là chuyện lạ của một số sinh viên, nhưng nó đang gây bất bình trong dư luận về trật tự trị an và những điều phi lý như bắt chẹt con nợ, ép, hối thúc, đe doạ con nợ phải trả…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ cho sinh viên vay nặng lãi đã trở nên nhan nhản ở hầu hết quanh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Hiện tượng tiêu cực này cần phải được xử lý kịp thời.
Càng đi, càng bất ngờ
Để kiểm chứng thực hư sự việc về mức lãi suất cắt cổ 365%/năm theo bạn đọc phản ánh, chúng tôi đến khu vực quanh Trường Đại học Mỏ – Địa chất và Học viện Tài chính tại xã Đông Ngạc, Từ Liêm.
Chúng tôi được S., quê ở Hải Dương, sinh viên hệ B năm cuối, Cao đẳng Mỏ – Địa chất dẫn đến quán cầm đồ với chủ hiệu tên N. tại 153 đường Sông Nhuệ.
Gọi là quán cầm đồ, song nơi mà bà N. chuyên cho sinh viên cắm thẻ với lãi suất trên trời chỉ là căn phòng chật chội chưa đầy 15m2, không có biển hiệu. Mặc dù không trưng biển cầm đồ, song tên bà N. dường như quá quen thuộc với sinh viên tại khu vực này.
Bước vào căn phòng nhỏ nơi bà N. vẫn cho sinh viên cắm thẻ, thật quá bất ngờ khi toàn bộ việc giao dịch của bà N. với những sinh viên tới đây cắm thẻ đều diễn ra hoàn toàn công khai.
Vào trước chúng tôi là một sinh viên năm thứ 3 Học viện Tài chính kế toán, sinh viên này cũng đang có nhu cầu vay tiền. Dường như đã là “khách quen” nên vừa chìa thẻ sinh viên ra việc vay tiền qua thẻ của sinh viên này đã được bà N. giải quyết ngay với số tiền 6 triệu đồng và cứ 10.000 đồng tiền lãi cho một triệu đồng tiền vay qua mỗi ngày. Như vậy với số tiền vay trên, cậu sinh viên Học viện Tài chính đã phải trả lãi 60.000 đồng cho mỗi ngày.
Khi đã giải quyết cho sinh viên kia xong, bà N. quay sang hỏi luôn chúng tôi: “Em cũng vay tiền à?”, “Vâng, chị giúp em 1 triệu để nộp học phí”, S. đáp lại.
Điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là khi vừa cầm vào tay thẻ sinh viên cũng như giấy CMND của S., bà N. lôi ngay từ trong hộc bàn của mình ra cuốn sổ theo dõi xem S. có phải là sinh viên đang trong quá trình bị dừng học hay buộc thôi học của nhà trường.
Và điều rất lạ đây chính là cuốn sổ có thông tin chi tiết về những trường hợp sinh viên thuộc khoa nào, khoá nào của Trường Đại học Mỏ – Địa chất đang bị dừng hay buộc thôi học và được đóng dấu của Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
Khi biết S. không thuộc diện là những sinh viên đang bị dừng hay đuổi học của nhà trường, bà N. yêu cầu S. cung cấp số điện thoại gia đình để đề phòng S. vay tiền rồi “chạy làng”. Lấy cớ không có số điện thoại gia đình, S. cùng tôi chào bà N. ra về.
Là sinh viên từng rất nhiều lần vay tiền thông qua thẻ sinh viên kiểu này, S. tâm sự: “Ở khu vực này có tới cả gần chục quán cho sinh viên vay tiền qua thẻ. Cứ 1 triệu đồng lãi suất là 10.000 đồng/ngày. Cá biệt có nhưng nơi lãi suất là 12.000 đồng cho một triệu”.
Lượn một vòng quanh các trường đại học đặc biệt là khu vực quanh KTX, chúng tôi chứng kiến cảnh các quán game, hiệu cầm đồ san sát. Các quán cho vay nặng lãi thường núp dưới hình thức quán trà đá, quán game… mà sinh viên thường mách cho nhau địa chỉ vay nợ khi cần tiền. Càng đi, chúng tôi càng thấy bất ngờ khi mức lãi suất mỗi nơi mỗi khác, có nơi còn cao hơn hẳn khu vực gần Học viện Tài chính.
Chị K., một chủ hiệu cho sinh viên vay nặng lãi lâu năm cho biết: Tại khu vực Trường Đại học KTQD, nhan nhản các hiệu cho vay cầm đồ, quán game, điện tử. Sinh viên đến vay nợ, ngoan ngoãn có, chơi bời có. Đặc biệt, các nam sinh viên ham mê chơi lô đề, cờ bạc hay cá độ bóng đá, khi hết tiền chu cấp từ gia đình, thường tìm đến các quán cho vay nặng lãi để có được những khoản tiền “tươi” bất kể mức lãi suất là bao nhiêu.
Quán của chị K. còn cho sinh viên vay với mức lãi suất khủng khiếp hơn khu vực Học viện Tài chính. Đó là 12.000 đồng cho 1 triệu đồng vay nợ trong một ngày. Điều đặc biệt, tại khu vực này tồn tại luật “chặt phế” trong hoạt động cho vay nặng lãi, tức là cứ 10 ngày một lần, sinh viên vay nợ phải hoàn trả một khoản lãi suất.
Nhà trường, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc
Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trung Lâm, Phó ban Công tác chính trị và sinh viên, Học viện Tài chính.
Ông Lâm cho biết: “Hiện tại chúng tôi có 1,7 nghìn sinh viên ở KTX, nhà trường chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại đề nghị can thiệp đòi tiền đối với sinh viên của bất kỳ ai. Đồng thời, chúng tôi cũng chưa phát hiện được chủ nợ vào ký túc xá đòi nợ và gây mất trật tự trị an”.
Theo ông Lâm thì thẻ sinh viên giống như là một tín vật, đi thi sinh viên phải trình thẻ, vào thư viện mượn sách báo cũng cần thẻ… nếu sinh viên dùng thẻ đi cắm quán, đi vay nặng lãi là vi phạm pháp luật. Quanh trường có nhiều dịch vụ liên quan đến sinh viên, việc sinh viên có sử dụng thẻ để vay nặng lãi hay không thì nhà trường chưa dám khẳng định.
Theo nội quy, quy chế của trường thì sinh viên phải tự bảo quản thẻ, nếu bị mất phải có đơn trình bày xin cấp lại thẻ. Nhà trường vẫn kiểm tra định kỳ, đột xuất thẻ của sinh viên để tránh việc học hộ, thi hộ. Sinh viên xuất hiện ở khu vực cầm đồ bị cán bộ quản lý gặp được nhắc nhở.
Nhà trường cũng đề ra hình thức kỷ luật như vay tiền không có khả năng thanh toán, dùng thẻ sai mục đích ảnh hưởng đến trường sẽ bị khiển trách khoa, cảnh cáo khoa, khiển trách trường và cảnh cáo trường, nếu nặng phải truy tố hình sự.
Theo ông Lâm thì Học viện đã liên hệ với Công an và UBND xã Đông Ngạc quản lý các hiệu cầm đồ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật…
Qua trao đổi với Trạm Cảnh sát Nông lâm huyện Từ Liêm, chúng tôi được biết: Khu vực quanh Học viện Tài chính và Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, các dịch vụ như cầm đồ, cho thuê xe máy, các quán game phục vụ sinh viên tồn tại khá nhiều, riêng các hiệu cầm đồ có đăng ký hoạt động là khoảng 5 hiệu.
Tuy nhiên, khu vực này chưa hề có hiệu cho vay nặng lãi nào hoạt động và hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất cao đến 365%/năm như bạn đọc Báo CAND phản ánh thì lực lượng Công an chưa bao giờ tiếp nhận…
Như vậy, trong khi dịch vụ cho vay nặng lãi vẫn đang hoành hành tại các trường đại học, cao đẳng thì các cơ quan chức năng lại chưa nhận được phản ánh nào. Dịch vụ này dường như đang bị thả nổi và rất cần sự kiểm tra, quản lý gắt gao từ phía các cơ quan chức năng để đảm bảo môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh cho sinh viên.
(Theo CAND)
Bình luận (0)