Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

SV trường sân khấu: Thiếu đất dụng võ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các SV Trường Sân khấu trong vở Lậm tiền

Có lẽ do sức hút của ánh hào quang sân khấu và sự nổi tiếng nên hàng năm, cứ đến mùa tuyển sinh Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM thu hút đông đảo các bạn trẻ thi vào. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, rất ít SV  tìm được “đất” dụng võ theo đúng chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo, còn lại hầu hết là chấp nhận làm những công việc trái nghề để “chờ thời”.
Vất vả tìm đất diễn
Một thực trạng nhìn thấy là số lượng SV ra trường so với số lượng theo nghề còn quá cách biệt. Ba năm miệt mài ở Trường Sân khấu với bao ước mơ và dự định tốt đẹp tưởng chừng như họ đã chạm được vào cửa ngõ nghệ thuật nhưng nào có phải ai cũng đạt được ước mơ của mình. Một số SV kịch may mắn được nhận về các đoàn, nhưng rồi suốt ba bốn năm trời chỉ được xuất hiện vài “khoảnh khắc” trên sân khấu trong những vai phụ. Có nhiều SV tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhưng vốn thụ động nên vẫn phải miệt mài chờ đợi một vai diễn. Một số SV khác năng động, nhanh nhạy đã tự tìm cho mình cơ hội xuất hiện trên sân khấu kịch, truyền hình, phim ảnh với những vai diễn dài hơi, nhưng nổi tiếng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đạo diễn Nguyên Đạt – giảng viên Khoa Cải lương Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM cho biết: “SV Khoa Kịch xem ra còn may mắn hơn SV Khoa Cải lương bởi hiện nay, các đoàn cải lương dường như đã tạm ngưng hoạt động. Diễn viên gạo cội, ngôi sao bỏ đoàn chạy show về các đoàn tỉnh để kiếm thu nhập cao hoặc đi định cư nước ngoài. Chính vì thế mà các SV Khoa Cải lương ra trường “đất” diễn càng bị thu hẹp hơn và cũng đã có một số SV ngậm ngùi chia tay với nghệ thuật để chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác nhưng vẫn không nguôi ngoai với nỗi nhớ sân khấu…”. Bạn Hào Khánh (SV Khoa Điện ảnh) tâm sự: “Mình và một số bạn cùng khoa đã tham gia vài chục vai quần chúng trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập, cát-xê tuy thấp nhưng tụi mình rất vui vì có mặt trên màn ảnh để khoe với người thân, bạn bè. Bản thân mình cũng nuôi một ước mơ là sau những vai quần chúng như thế sẽ được đạo diễn để mắt tới và mời mình tham gia những vai chính. Biết đâu sẽ được nổi tiếng thành sao bởi có không ít những trường hợp như thế…”.
Những cánh cửa mở…
 Sáu năm qua, Sân khấu Kịch Phú Nhuận do NSƯT Hồng Vân làm giám đốc đã mạnh dạn tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp trường sân khấu. Đó là một cách làm hay đã giúp cho các SV có thêm niềm tin và hy vọng về ngành nghề mà mình theo học. Sự xuất hiện của một dàn diễn viên trẻ trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận trong khá nhiều vở diễn gần đây đã tạo được sự chú ý và sự tin tưởng của khán giả. Bạn Kim Cương (SV năm cuối Khoa Diễn viên) hồ hởi: “Ngay từ năm thứ nhất, mình đã may mắn được các đạo diễn mời tham gia đóng minh họa video clip ca nhạc cho các ca sĩ, điều này sẽ giúp mình cọ xát với thực tế biểu diễn. Sau đó, mình được đầu quân về Sân khấu Kịch Phú Nhuận, được đóng nhiều loại vai khác nhau giúp mình trưởng thành lên rất nhiều. Chắc chắn là sau khi tốt nghiệp, mình sẽ về cộng tác với sân khấu này luôn…”. Sân khấu Kịch 5B, IDECAF và Nhà hát Kịch thành phố hiện cũng đang có sự góp mặt của nhiều SV Trường Sân khấu qua các vở mới của đạo diễn Ái Như – Thành Hội, Vũ Đình Toàn, Hoàng Duẩn vì các đạo diễn này cũng vốn xuất thân từ Trường Sân khấu nên hơn ai hết, họ rất hiểu nỗi trăn trở về đất diễn của các SV . Sân khấu Kịch Sài Gòn cũng đang bắt tay vào thực hiện một chiến lược mới với sự góp mặt của đông đảo các diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp trường sân khấu. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói: “Phải tạo cơ hội cho các em thử các vai lớn thì mới giúp các em phát hiện khả năng của mình. Còn nếu không dám cho thử thì làm sao tìm được một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa”.
SV Hoài Nam cho biết: “Đối với SV khoa cải lương tụi mình, sau khi tốt nghiệp nếu đồng ý về diễn ở đoàn tỉnh thì về, còn không đất diễn vẫn là đoàn xung kích Nhà hát Trần Hữu Trang. Tuy nhiên, với một số lượng SV ra trường đông như thế thì lượng diễn viên đầu quân về các đoàn nhiều nhưng đất diễn lại khan hiếm. Chương trình Thắp sáng niềm tin của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ra đời tạo được sự phấn khởi cho tụi mình. Nhưng chương trình này lại chỉ tập trung các huy chương vàng triển vọng giải Trần Hữu Trang, còn SV trẻ mới ra trường thì vẫn không “chen chân” vào được chương trình này…”.
SONG MINH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)