Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

SV xuất ngoại làm tình nguyện

Tạp Chí Giáo Dục

Lựa chọn con đường thực tập tại nước ngoài không chỉ để trau dồi vốn ngoại ngữ, nâng cao tri thức mà với nhiều bạn sinh viên, mục tiêu là tham gia các dự án phát triển cộng đồng xuyên quốc gia.

Sau những chuyến đi ấy, các bạn trở về và bắt tay vào những dự án trên đất nước mình.
Trịnh Thị Kim Huế (áo trắng) cùng các em nhỏ Ấn Độ trong kỳ thực tập
tại đất nước này.
Say mê những dự án vì cộng đồng
Tháng 7/2011, Trần Phương Thảo – sinh viên Học viện Hàng không TP.HCM – tham gia chương trình thực tập sinh quốc tế AIESEC ở Malaysia và làm việc cho tổ chức phi chính phủ Children protection society (CPS). Lựa chọn con đường thực tập nước ngoài và tham gia, đeo đuổi các dự án vì cộng đồng, Phương Thảo đã có những ngày tháng gắn bó với hơn 30 trẻ em thuộc diện đói nghèo tại bang Penang.
Công việc chính của Thảo là dạy tiếng Anh, tổ chức các trò chơi cho các em và cùng nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vật nuôi. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt còn kham khổ nhưng nhờ đó “mình đã rắn rỏi hơn, tự lo cho bản thân khi xa nhà và biết chăm lo người khác” – cô bạn cho biết.
Thảo kể: “Mình vui khi chứng kiến sự tiến bộ mỗi ngày của các bạn nhỏ với chữ viết tròn trịa hơn, phát âm chuẩn xác hơn. Những màn múa hát, diễn kịch sáng tạo của các em, hình ảnh cậu học trò nhỏ phải chống chọi với bệnh tật vẫn miệt mài đến trường học từng con chữ… là những kỷ niệm đẹp có ý nghĩa với mình”. Quãng thời gian gần hai tháng cùng ăn, cùng ở với trẻ em nghèo khó ở đất nước này “đã rèn luyện cho mình những kỹ năng sống, những trải nghiệm thiết thực khi đối mặt với cuộc sống thiếu thốn” – Thảo chia sẻ.
Grace Alexander và “Sống cùng HIV”
Thực tập tại VN trong năm 2011, Grace Alexander (sinh viên Trường ĐH Sains Malaysia) đã tham gia dự án “Sống cùng HIV”. Grace đã cùng các bạn sinh viên tổ chức những cuộc thi, hội thảo tại các trường học trên địa bàn TP.HCM nhằm nâng cao sự hiểu biết và trang bị những kiến thức cần thiết cho các bạn trẻ về căn bệnh thế kỷ.
“Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các chuyến thăm hỏi, tặng quà tại các làng trẻ em nhiễm HIV để xóa bỏ kỳ thị đối với những người nhiễm HIV, đem đến cho các em nhỏ niềm vui được hòa nhập cộng đồng” – Grace cho biết.
Cũng là dạy học nhưng khác với Thảo, cô bạn Từ Mãnh Kỳ – hiện đang là thư ký giám đốc tại Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD (TP.HCM) – lại có những trải nghiệm thú vị khi có thời gian được tập huấn và tham gia dạy về các vấn đề phát triển bền vững tại Trường Camford Royal (Bắc Kinh, Trung Quốc).
“Tôi luôn chú ý xen kẽ các kiến thức về phát triển bền vững cho môi trường và phát triển bền vững cho cá nhân trong bài dạy để nâng cao ý thức và nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh ở nhiều lĩnh vực” – Kỳ chia sẻ.
Cũng vậy, hai cô gái trẻ cùng 22 tuổi Diệu Tuệ Nhung và Trịnh Thị Kim Huế – thành viên của tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC tại VN – vừa trải qua chuyến thực tập tại Ấn Độ.
Nhung tham gia tổ chức các sự kiện, hoạt động về quyền lợi phụ nữ tại Baroda (thủ phủ tỉnh Gujarat) nhằm xóa bỏ định kiến về việc giữ bé trai, bỏ bé gái khi người phụ nữ mang thai và thực hiện các buổi sinh hoạt vui chơi cho nữ giới. Còn Huế làm việc cho Tổ chức phi chính phủ Saihyar. Công việc chủ yếu của Huế là khảo sát, tìm hiểu thực trạng đời sống của người phụ nữ Ấn và trò chuyện, chia sẻ với họ; tham gia trò chơi với các em gái nhỏ, dạy các em tập vẽ, múa hát.
Các bạn đều cho rằng những chuyến thực tập trên là cơ hội tạo ảnh hưởng và tác động tích cực tới xã hội. Những chuyến hành trình này là dịp để thử thách chính mình khi mỗi người phải vượt qua những trở ngại trong điều kiện sống và làm việc còn khó khăn, khơi gợi và xây dựng niềm đam mê, trách nhiệm tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng. Để từ đó, nhiều ý tưởng và dự án xã hội nhen nhóm hình thành.
Thêm nhiều dự án xã hội
Trở về từ Malaysia, hiện Phương Thảo cùng các thành viên AIESEC đang thực hiện dự án về giáo dục giới tính, quan hệ tình dục trong giới trẻ mang tên “Sexual education”. Dự án sẽ được triển khai thực hiện dự kiến vào đầu năm 2012 tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, với sự tham gia của các bạn thực tập sinh quốc tế đến từ các nước châu Âu, hình thức thực hiện là thông qua các cuộc thi, những buổi giao lưu, trò chuyện chia sẻ kiến thức và các chương trình hỗ trợ về kỹ năng sống, cải thiện và nâng cao đời sống cho các bà mẹ trẻ tuổi vị thành niên…
Hướng tới đối tượng trẻ em, Nguyễn Thị Ái Nguyên (sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) cùng một số bạn bè đang thực hiện dự án “Hi vọng cho em” với những chương trình giáo dục thường xuyên tập trung vào ba mảng: tiếng Anh, kỹ năng sử dụng máy tính và kiến thức phổ cập. Từ đầu năm đến nay, dự án đã thực hiện tại sáu mái ấm: Tre Xanh, Ánh Sáng, Tân Bình, Bình Triệu, Maison Chance, Ánh Linh với sự tham gia của hơn 600 em nhỏ.
Ái Nguyên cho hay: “Tụi mình dự định thực hiện một dự án về hướng nghiệp cho thanh thiếu niên. Dự án đang trong giai đoạn khởi động và hi vọng sẽ đáp ứng những thông tin, kiến thức cần thiết để lựa chọn ngành học, việc làm phù hợp cho khoảng 2.000 bạn trẻ từ nay đến hết tháng 5/2012”.
Còn Từ Mãnh Kỳ hiện là quản lý dự án “Bản đồ tiếp cận” (bandotiepcan.wordpress.com). Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật có thêm cơ hội tự tin, bình đẳng khi hòa nhập cộng đồng bằng cách thông tin về những nơi mà họ có thể làm việc được. Đồng thời dự án này cũng nhằm góp phần xây dựng nhận thức của cộng đồng về việc thiếu tiếp cận các công trình công cộng, nhà ở tại TP.HCM. 
Theo Bình Thanh
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)