Những rắc rối cho trẻ nhỏ từ tã giấy không chỉ có tình trạng hăm da, ngứa da… như nhiều người biết.
Ở mức độ nguy hiểm hơn, sử dụng tã giấy không an toàn còn có thể đưa đến tình trạng viêm nhiễm vùng kín và di chứng xấu đến khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành. Chọn mua tã giấy vì vậy không phải là chuyện nhỏ, để tuỳ nghi “mua sao cũng được”.
Tã giấy nhiều lợi ích…
Dù thương con cách mấy thì hầu như bậc phụ huynh nào cũng đều thấy ớn với công việc “xử lý chất thải” của trẻ! Có lẽ sự chịu thương, chịu khó của các ông bố, bà mẹ bên tây “kém” hơn bên ta nên từ những năm 1950, chuyên gia nghiên cứu Vic Mills của công ty Procter & Gamble (Mỹ) đã đưa ra sáng kiến hay khi cho ra đời sản phẩm tã giấy tiện dụng.
So với các phiền phức khi sử dụng tã vải, tã giấy dĩ nhiên thuận lợi hơn nhiều. Nó giúp các bà mẹ đỡ công giặt giũ quần áo, drap giường cho các bé yêu; sạch sẽ hơn khi mang bé ra khỏi nhà đi chơi, đi chích ngừa… và các bé cũng sẽ có được giấc ngủ ngon hơn. Tuổi bé càng nhỏ, bé càng tè nhiều lần trong ngày (6 – 8 lần/đêm). Theo một số thống kê, nguyên nhân chính gây gián đoạn giấc ngủ của trẻ là do tã ướt. Giấc ngủ sâu và liên tục rất quan trọng cho sự phát triển của bé vì kích thích tố tăng trưởng chủ yếu sản sinh trong lúc ngủ.
… nhưng cũng lắm rủi ro
Tuy rằng nguy cơ dị ứng không phải lúc nào cũng xảy ra trên mọi đứa trẻ nhưng bất kể loại tã giấy nào, dù chất lượng tốt hay xấu đều có khả năng gây ra điều đó. Đây là chuyện… hên xui, tuỳ cơ địa của trẻ và các thành phần tương thích.
Các tác hại có thể có từ các loại tã giấy không đạt tiêu chuẩn như khả năng thấm hút kém, chất thải sẽ trào ngược, áp lại vào da gây kích ứng, nhiễm trùng hoặc vi nấm. Một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng đường tiểu. Rắc rối thường gặp nhất là tình trạng hăm tã. Tất cả các loại tã đều có thể gây hăm. Cơ chế gây hăm diễn ra khi bé mang tã lâu, nhiệt độ vùng mang tã tăng lên. Đây là yếu tố gây kích thích da trước tiên, sau đó các vi khuẩn đường ruột, các chất urê, amoniac… có trong phân và nước tiểu sẽ tấn công gây ra viêm da, biểu hiện ở vùng bụng dưới, mông, sinh dục, hậu môn, mặt trong đùi bị ửng đỏ, có thể có mụn nước, mụn mủ… Riêng với các bé trai, tình trạng tăng nhiệt độ lâu ngày ở vùng kín sẽ ảnh hưởng tinh hoàn nằm trong bìu. Điều này không có lợi cho sức khoẻ sinh sản khi trưởng thành.
Để phòng tránh viêm da và các nguy cơ khác cho bé do tã lót, phụ huynh cần phải giữ cho vùng da mang tã luôn sạch và khô thoáng. Nên thay tã thường xuyên mỗi 2 giờ hoặc ngay sau khi trẻ tiêu tiểu. Khi hăm tã xảy ra, cần ngưng mang tã và đưa bé đi khám bệnh để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp.
Nên chọn tã giấy như thế nào?
Nhìn chung, các loại tã giấy đều giống nhau một công thức, bao gồm bốn lớp chính: lớp hút, lớp dẫn, lớp giữ và màng phân cách – để chất thải không dính ra ngoài. Sự khác biệt nếu có là ở khả năng thấm hút, không gây trào ngược ra da bé, tạo khô thoáng cho da và các chức năng cộng thêm như giữ ẩm, diệt khuẩn, khử mùi, chống hăm…
Việc có thêm hương liệu vào sản phẩm có lợi là giúp khử mùi, tạo mùi thơm dễ chịu. Tuy nhiên với một số bé có làn da nhạy cảm, cơ địa chàm… thì mùi thơm có thể là yếu tố gây dị ứng.
Vì vậy, khi chọn tã giấy cho con, phụ huynh cần lưu ý: chọn loại giấy mềm, mịn, thấm hút nhanh (giấy cứng gây trầy xước da bé); giấy phải đủ dai để đừng bị bở rách khi ngấm nước; có kích cỡ phù hợp trọng lượng của bé (chọn loại nhỏ quá sẽ gây bó sát, khó chịu; loại rộng dễ tuột khi bé vận động); có ghi rõ thành phần, thời hạn và mục đích sử dụng; nên chọn sản phẩm của các hãng có tên tuổi, có thâm niên sản xuất tã, giá cả hợp lý; tuỳ theo bé trai hay gái, có thể chọn tã với những thiết kế khác nhau vì bé gái thường làm ướt tã ở vùng giữa và sau mông, còn bé trai ướt ngay ở vùng phía trước.
|
Theo BS Võ Thị Bạch Sương
SGTT
Bình luận (0)