Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tá hỏa chuyện “hát nhép”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hậu trường nghệ sĩ:
Kỳ cuối: Tá hỏa chuyện “hát nhép”

Những chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp như thế này, các ca sĩ đều “được phép hát nhép” để đảm bảo chất lượng? (ảnh mang tính minh họa)

Trong lần tháp tùng đoàn nghệ sĩ TP.HCM về biểu diễn từ thiện nhân dịp khánh thành ngôi chùa M. ở Bến Tre, tôi đã chứng kiến cảnh khán giả phản đối chuyện nghệ sĩ “hát nhép” một cách quyết liệt. Số là sân khấu và dàn âm thanh hôm ấy được làm theo kiểu “cây nhà lá vườn” nên một số ca sĩ trong đoàn trước đó hát thật nghe không được hay lắm, nhưng khán giả cũng thông cảm và vỗ tay vang dội. Đến lượt nam nghệ sĩ trẻ V.T ra hát thì ôi chao, giọng hát và âm thanh hay tuyệt. Thì ra V.T bỏ đĩa MD đã thu sẵn vào máy và nhép trọn một bài tân cổ. Sau một hồi mắng chửi nghệ sĩ V.T thậm tệ, khán giả bỏ dở chương trình kéo nhau ra về trước sự ngỡ ngàng của ban tổ chức…
Những “chiêu thức nhép”
Đối với các ca sĩ, nghệ sĩ cải lương hiện nay, cái đĩa MD chính là “bùa hộ mệnh”. Khi “hát nhép”, họ đã thu sẵn ở phòng thu phần nhạc và lời rồi mix cho bài hát thật hay. Khi đến sân khấu, chỉ việc bỏ đĩa MD vào đầu phát chuyên dụng rồi chỉ việc ra “nhép” sao cho khớp lời và vũ đạo sao cho đẹp mà thôi. Với cách hát này, ca sĩ – nghệ sĩ… khoẻ re vì chất giọng và mọi kỹ thuật hát đã được xử lý ở phòng thu. Ngay khi đang bị… nghẹt mũi họ cũng hát “tốt”. Chỉ tội cho khán giả bị “người của công chúng” đánh lừa một cách vô tư. Có rất nhiều nguyên nhân để họ sử dụng “chiêu hát nhép” mà theo nhạc sĩ T.K thì: “Họ muốn giữ sức, giữ giọng nhằm chạy nhiều show trong một đêm, kiếm được nhiều tiền. Tệ hơn nữa là không muốn lộ ra chất giọng non kém của mình trên sân khấu…”.
Với các ca sĩ – nghệ sĩ chuyên nghiệp, chuyện “nhép” của họ thật tinh vi, nếu biểu diễn trên một sân khấu lớn, âm thanh đảm bảo chất lượng thì khó lòng mà phát hiện. Có hai loại “nhép” phổ thông mà đa số “người của công chúng” sử dụng. Khi bước ra sân khấu, họ thường căn dặn người điều phối âm thanh tắt hẳn micro và nó sẽ lại được mở lên ở đoạn vang tấu (đoạn 1 chờ sang đoạn 2) để họ tranh thủ được “nói thật”: Các bạn thấy mình hát có hay không?, Vỗ tay lên nào các bạn ơi, Tay của các bạn đâu hết rồi, Các bạn có muốn hát chung với mình không…? rồi chĩa micro về phía khán giả. Sau đó micro tiếp tục tắt để họ “nhép” đến khi vừa kết thúc bài thì lại bật lên để: Cảm ơn các bạn rất nhiều, Xin đa tạ những tình cảm của quý vị, Các bạn có muốn nghe tiếp nữa không, Bài sung hả, Hay bài buồn… Cách thứ hai, họ không cần tắt micro, họ cũng hát nhưng hát thật nhỏ, không hút vào micro được. Theo ca sĩ Q. thì: “Dùng cách này yên tâm hơn nhưng phải có nhiều kinh nghiệm thì mới không bị “lộ”. “Hát nhép” là cả một công nghệ đó chứ, vì phải tập luyện ở nhà rất nhiều sao cho khớp miệng. Nhất là khi hát những ca khúc sôi động, có nhóm múa minh họa, có quay hình, lơ mơ là bị áp lực “nhép” trật như chơi”. Ca sĩ V. còn bật mí một chiêu “độc” hơn: “Chỉ thu một đoạn cần “nhép”, còn một vài đoạn cần phải hát thật để xuống sân khấu giao lưu với khán giả, mời khán giả hát chung… Nhưng cách này không “thịnh hành” lắm vì nó rất nguy hiểm, không khéo sẽ bị khán giả phát hiện, đuổi xuống sân khấu là toi…”.
Những đòn “phản công” bất ngờ
Sân khấu ca nhạc lẫn cải lương đang gặp khó khăn, các ca sĩ – nghệ sĩ phải chạy show bằng nhiều hình thức để kiếm sống. Nhưng không thể vì đồng tiền mà đánh mất mình, “phản bội” lại chính giọng ca trời ban cho mình. Tổ nghiệp lúc nào cũng có mắt, những ai đã và đang “đi lối này” xin hãy nhanh chân dừng lại….
Nếu “người của công chúng” tưởng rằng khán giả ở nông thôn không biết gì về “hát nhép” thì quả là sai lầm. Khán giả nông thôn ngày nay đã cập nhật được rất nhiều thông tin về tình trạng này nên đôi khi còn phản ứng dữ dội hơn cả khán giả các tỉnh thành lớn nữa. Nam nghệ sĩ T. được bạn bè trong giới gọi đùa là “hoàng đế hát nhép” trong một lần về hát tăng cường cho một đoàn cải lương ở Cà Mau đã bị “gậy ông đập lưng ông” một cách thương đau. Trong một cảnh cao trào người chồng do nghệ sĩ T. đi làm về bắt gặp vợ mình… ngoại tình. Người chồng tức giận đùng đùng, biểu diễn cơn ghen quá sức khiến chiếc micro dây đeo trên người rớt xuống sân khấu. Vậy mà tiếng nói, tiếng ca, tiếng giận dữ của anh vẫn vang dội. Một khán giả nam tức quá đã bước lên sân khấu chỉ thẳng vào mặt nghệ sĩ T.: “Anh hát không nổi thì để tui hát giùm cho, sao lại dối trá như thế”. Khán giả phía dưới cũng phản ứng dữ dội. Lúc đó, nếu có phép thần thông chắc nghệ sĩ T. cũng đã… độn thổ. Những đòn “phản công” khác còn ác liệt hơn như trường hợp của “ngôi sao miền lục tỉnh” H. về huyện Thốt Nốt – Cần Thơ biểu diễn trong chương trình tạp kỹ. Đang trình bày một ca khúc “hot” cùng vũ đoàn A. thì một khán giả lên tặng hoa và bất ngờ giật luôn cái micro mà nam ca sĩ H. đang cầm trong tay. Chàng H. như Từ Hải chết đứng trên sân khấu, cái micro đã bị giật rồi mà giọng hát của anh vẫn còn…lanh lảnh. Khán giả phát hiện “hát nhép” la hét ầm ĩ và ở dưới sân bãi có gì là họ ném lên sân khấu hết. Mới đây, trong chương trình Đại nhạc hội của bầu Phú tại Tây Ninh, nam ca sĩ V.H chạy xuống sân khấu vừa hát vừa giao lưu với khán giả. Một khán giả nam “chơi ác” đã thò tay móc cái bóp trong túi quần jean của anh rồi vùng chạy. Quên mình đang “nhép”, ca sĩ V.H buông micro la lớn: “Trả bóp lại đây, trả bóp lại đây”, trong khi đó tiếng hát của anh Búp bê này là xinh đẹp… Búp bê chao mi ao… vẫn vang lên từng hồi… Khán giả Ngọc Khuyên (Tiền Giang) hằn học: “Nghệ sĩ C. chuyên ca vọng cổ hơi dài hát ở hội chợ quê tôi. Cô đến điểm hát rất khuya với gương mặt bơ phờ vì chạy show quá nhiều nhưng khi ra sân khấu giọng hát vẫn cao vút, liên tục ba bài lên vọng cổ vài trăm chữ. Khán giả nghi ngờ lên giựt phăng micro thế là lòi “nhép”… Mê thì mê thiệt, nhưng mê ở giọng ca, nét diễn thật của họ chứ không lẽ chỉ nhìn mặt là đủ hay sao?”.
Trong một chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp tại Đà Lạt, ngôi sao H.Q.H đang “thả hồn” vào một ca khúc viết về xứ hoa này thì bất ngờ… đĩa MD vấp. Ca sĩ H. trở tay không kịp nên đạo diễn đã ra hiệu cho đèn sân khấu tắt. Khi đèn bật sáng, nhạc lại trỗi lên và đĩa… lại vấp, H. đành phải “ngậm bồ hòn” cáo lỗi khán giả vì kỹ thuật và xin đổi bài hát khác… Khán giả thì lắc đầu ngao ngán vì biết tỏng tòng tong ca sĩ H. đang “nhép”. Trong chương trình truyền hình trực tiếp đài tỉnh, ca sĩ T.A đang “nhép” bài này nửa chừng thì đĩa MD trở chứng nhảy sang bài khác làm T.A đứng chết trân trên sân khấu, khán giả la ó đuổi xuống… T.A chống chế: “Vì nhà đài bảo có quay hình nên phải “lip sync” mới đạt chất lượng cao”??? Với lại ai cũng hát nhép, mình hát thật thì làm sao bằng họ được”???. Nữ nghệ sĩ hài K.O vốn xuất thân là một nghệ sĩ cải lương, trong chương trình live show của mình, để “hâm nóng” lại giọng ca, chị đã chọn thêm một trích đoạn cải lương hát song ca với một nam ca sĩ nổi tiếng. Giọng hát của chị thật ngọt ngào và cao vút, MC T. phỏng vấn chị ngoài sân khấu làm sao giữ được giọng ca hay như vậy, chị cười bẽn lẽn không có câu trả lời. Vào hậu trường chị cười ngất “Trời ơi mình hát nhép mà nó hỏi bí quyết làm sao trả lời”???
SONG MINH
 
LTS: Qua loạt bài 6 kỳ về Hậu trường nghệ sĩ, chúng tôi đã “vén màn nhung” cho độc giả thấy được những “mặt trái” trong giới nghệ sĩ mà nếu… không nói ra thì không ai biết như: hát lót, tình nghệ sĩ, nghệ sĩ đi lắc, bay show ngoại, fan hâm mộ, hát nhép. Có những chuyện chúng ta thật sự đồng cảm với các nghệ sĩ nhưng cũng có những chuyện họ làm chúng ta không thể chấp nhận được. Mong rằng khi đọc được những bài viết này, “người trong cuộc” hãy soi rọi lại mình mà có những thay đổi tốt hơn.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)