Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tá hỏa với Sát thủ đầu mưng mủ

Tạp Chí Giáo Dục

Bìa quyển sách Sát thủ đầu mưng mủ. Ảnh: H.T
“Sách gì? Bạn tự hỏi là đúng, bởi vì sách này thật là “độc nhất vô nhị”, “vô tiền khoáng hậu”… Tra, tra nữa, tra mãi đi, xem trong lịch sử xuất bản của nước ta có kiếm được cuốn sách nào như cuốn này?…”. Đó là lời giới thiệu rất “sành điệu” theo cách viết của quyển sách với tựa đề: Sát thủ đầu mưng mủ – thành ngữ sành điệu bằng tranh do họa sĩ Thành Phong vẽ, NXB Mỹ thuật, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành năm 2011.
Lời giới thiệu gây sốc này cùng với hình thức sách khá lạ mắt và ấn tượng, khiến tôi đành phải mua. Nhưng khi xem xong thì tôi vô cùng thất vọng, hối hận vì sự lãng nhách, sự ngỡ ngàng và tiếc nuối đối với nội dung của sách quá ư “kỳ lạ”, thậm chí “dung tục” được trang trí trong một lớp vỏ hình thức rất sáng tạo, công phu đầy tính mỹ thuật. Mặc dù tôi vẫn cảm thông rồi tự an ủi rằng đây là một dạng sách mang tính biếm họa, vui mắt (tuy tác giả không nói rõ điều này). Nhưng rồi vẫn không thể chịu đựng được vì tác giả đã cố tình tiếp tay làm “nổi bật” cho ngôn ngữ “chợ búa” từ những câu nói theo kiểu vần điệu vui tai, nhảm nhí đời thường, như: Đau khổ như con hổ, buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián, đói như con chó sói, chết vì tình là cái chết bất thình lình, ngốc như con ốc, ngu như bò còn thích hát hò, sướng như con mực nướng, cực như con chó mực, đẹp trai nhưng hai phai; không chỉ thế, quyển sách dường như còn “cổ vũ” cho những hành vi lệch chuẩn: Bộ đội phải chơi trội, đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở, được voi đòi hai bà trưng, hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn, một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai, tôi yêu Việt Nam… đồng, không phải chú dốt… chỉ vì mẹ chú quên cho i-ốt vào canh… Không những thế, quyển sách cònlàm “hiểu nhầm” những vốn văn hóa truyền thống của cha ông được đúc kết qua ca dao, tục ngữ theo kiểu cải biên: Thất bại vì ngại thành công, cái khó ló cái ngu, có chí thì ghê, một điều nhịn là chín điều nhục, không mày đố thầy dạy ai, một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ,… Quyển sách theo kiểu đùa cợt như thế kéo dài 115 câu với 119 trang giấy được in ấn đẹp đẽ. Dù được tác giả đầu tư vẽ công phu hài hước, vui mắt, nhưng không làm sao tôi cười vui được. Tuy tác giả đã tâm sự: “Luôn có cảm giác vẽ một trang này cũng như viết một trang nhật kí, lưu giữ những kí ức trong những câu nói thân thuộc, viết rồi để đó. Để một vài năm sau nhìn lại lát cắt nhỏ đã cũ của cuộc sống ấy, và thấy cuộc sống đã chảy trôi từ bao giờ”. Điều đó là quyền của cá nhân, nhưng khi đã là tác phẩm được nhiều người đọc thì lại là chuyện của công chúng, do đó lại cần phải cẩn trọng. Bởi cái đẹp cần phải dựa trên cơ sở của cái đúng, nếu không khéo thì nội dung sách lại phản tác dụng, đặc biệt là không nói rõ mục đích sách ngay từ đầu.
Xét ở góc độ kinh doanh sách, có thể quyển sách thành công vì dường như đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, thích đồ lạ, gây sốc và tò mò của người trẻ bởi sự bắt mắt của sách. Điều đó ảnh hưởng không ít đến tư duy trong sáng của người trẻ. Với góc độ là độc giả, tôi nghĩ đây như là một kiểu tạo scandal trong thế giới sách. Không hiểu tại sao với nội dung như thế mà vẫn được cấp phép xuất bản?! Nếu quả thật như vậy, thì xã hội đã hé lộ một hiện tượng đáng lo ngại, theo kiểu như: “Dạy kỹ năng mềm… bằng ngôn ngữ “chợ búa””. Bởi những ngôn ngữ “kỳ lạ” đó đang dần xâm nhập đến môi trường giáo dục trong bài giảng, trong sách vở, trên internet. Đây là một sự thật đáng buồn. Trong khi xã hội đang ra sức làm đẹp cho ngôn ngữ tiếng Việt, tìm sự trong sáng tiếng Việt thì quyển sách lại “nỗ lực” khai thác điều ngược lại. Và khi gấp lại quyển sách này, tôi chợt thấm thía câu ngạn ngữ của phương Tây: “Viết một cuốn sách là giết chết một cái cây”. Vì tôi cảm thấy xót xa cho giấy in rất đẹp đẽ, trang nhã mà êkip làm sách lại “dấn thân” với lời nói bằng những bức vẽ sành điệu, lại “trầm ngâm” với “tục” ngữ đương đại Việt Nam quyết liệt đến như vậy (tr.4). Giá như tâm huyết ấy dành cho các công trình/tác phẩm khác mang lại những giá trị nhân văn, lợi ích cho cộng đồng xã hội thì vui biết mấy.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
(*) Những chữ in nghiêng là lời trong sách Sát thủ đầu mưng mủ.

Bình luận (0)