Tá Miếu (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên), bản biên giới nơi con gà gáy người dân ba nước đều nghe. Cột mốc số 0 đặt tại Tá Miếu phân định ranh giới ba nước Việt -Trung – Lào nằm trên núi Khoang La San, cao 1.864m, được xem là cột mốc đẹp nhất Đông Dương, cũng luôn là nơi thôi thúc những bước chân đi.
|
Màu xanh quyến rũ của đất trời và núi rừng nơi cực tây Tổ quốc |
Nhắc tới ngã ba Việt – Trung – Lào, mọi người có thể hình dung ngay tới điểm cực tây Tổ quốc, nơi có cột mốc số 0, mốc đánh dấu điểm bắt đầu ranh giới đường bộ giữa ba quốc gia. Đây cũng là một điểm đến lý tưởng của giới trẻ ưa du lịch những năm gần đây. Cung đường đi Mường Chà – Si Pha Phìn – Mường Nhé – Apachải luôn đẹp, cuốn hút mê lòng người.
Tá Miếu là bản vùng biên nằm chóp ngoài cùng bên trái vùng Tây Bắc với 31 hộ gia đình, 158 nhân khẩu. Đây là một xã mới thành lập nên còn nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần.
“Tá Miếu” có nghĩa là cái miếu to. Âm Tá hay Âm Tà (giống như tên cửa khẩu Tà Lùng ở Cao Bằng – nghĩa là rồng lớn) đều có nguồn gốc từ chữ Đại (hay Thái) trong tiếng Hán, nghĩa là to, lớn. Không ai biết ngôi miếu ra đời từ lúc nào nhưng một thời gian dài đây là nơi nghỉ chân, qua đêm cho những người lỡ đường khi băng rừng vượt núi.
|
Lớp 4 – Trường tiểu học Tá Miếu |
Việc xây dựng trường, lớp ở Tá Miếu vẫn còn khó khăn, nhưng với cố gắng lớn của các thầy cô, chính quyền địa phương và những tấm lòng hảo tâm, các em đã có những lớp học được dựng tạm bằng tre nứa. Đồng chí Pờ Dần Sinh, bí thư xã Sín Thầu, là người đầu tiên đi xin thầy mang chữ về bản xóa mù cho bà con Hà Nhì.
Những năm trước để leo được lên mốc số 0, bạn phải đến bản Tá Miếu và bắt đầu con đường bộ dài khoảng 8km qua đồi cỏ tranh và rừng rậm. Hiện giờ con đường rải nhựa dài hơn 60km từ trung tâm huyện Mường Nhé đã chạy qua cả bản lẫn đồn biên phòng 317 lên tới cửa khẩu với nước bạn Trung Quốc gần vị trí cột mốc số 2 và số 3.
Đường đi lên mốc số 0 hiện đã ngắn đi nhiều. Nếu đi nhanh chỉ mất khoảng 6 giờ cả đi lẫn về. Trong tương lai không xa, một con đường dành cho ôtô được mở tới sát chân mốc số 0, dành lại 90 bậc leo lên cột mốc, với ý nghĩa ngã ba biên giới, 30 bậc cho mỗi quốc gia.
|
Con đường lên mốc số 0 giờ đã dễ đi nhiều |
Đã liên hệ trước nên khi chúng tôi đến, ông Pờ Dần Sinh – bí thư xã, anh Lý Ná Na – trưởng bản Tá Miếu, cùng các thầy cô giáo đã tập trung các em học sinh. Trường tiểu học Tá Miếu hiện có năm lớp, trong đó chỉ lớp 4 được tách riêng, còn lớp 1 và 2, lớp 3 và 5 là hai lớp ghép. Lớp mẫu giáo có 12 em cũng được tách riêng.
Những món quà nhỏ mang tới tặng các em dù chưa thật nhiều về giá trị. Mới chỉ là những chiếc cặp, những bộ đồng phục cùng bút, vở cho các em học sinh, mới chỉ là những con thú đồ chơi, những gói kẹo, hộp sữa… nhưng chúng tôi mong đó sẽ là ngọn lửa tinh thần cùng thắp trên con đường các em tới trường.
Nụ cười hồn nhiên của những cô cậu bé Hà Nhì ôm nhau ngồi trên con thú nhún, bài hát trong trẻo của cô bé học sinh lớp 4 Pờ Á Vơ mà tôi phải nghe hai lần mới rõ được tên, những ánh mắt, những cái nhìn… tất cả đều khiến cả đoàn hiểu rằng những gì mình làm là có ích.
|
Tặng quà các em học sinh và mẫu giáo |
|
Học sinh Tá Miếu |
Chia tay các thầy cô, cùng các em nhỏ Trường tiểu học Tá Miếu, chúng tôi quay lại đồn biên phòng 317. Đây là nơi các đoàn du lịch đều phải dừng chân, trình báo giấy tờ và được các anh bộ đội biên phòng của đồn hướng dẫn lên mốc số 0. Sau khi việc xây dựng lại được hoàn thành vào năm 2009, cơ sở vật chất của cán bộ chiến sĩ đồn 317 đã được cải thiện nhiều.
Về thủ tục chung, điều khách du lịch bụi cần là giấy giới thiệu của cơ quan hoặc địa phương nơi sinh sống, bản photocopy CMND (hoặc hộ chiếu) và mang tới Bộ chỉ huy bộ đôi biên phòng tỉnh Điện Biên. Sau khi được cấp phép lên mốc, các bạn tới đồn 317 để được hướng dẫn lên mốc.
|
Do có nhiều đoàn khách du lịch đến thăm nên giờ ngoài dãy nhà của chiến sĩ, đơn vị còn có cả dãy nhà dành cho khách. Anh em đơn vị giờ không phải xuống bản ngủ nhờ mỗi khi khách đến quá đông như những năm trước. Sóng điện thoại cũng đến được nơi đây hồi đầu năm, chấm dứt thời kỳ muốn gọi điện phải đi hơn 60km ra trung tâm huyện.
Con đường lên mốc số 0 giờ không còn bắt đầu từ bản Tá Miếu, mà sâu hơn nữa vào bên trong. Xe máy đi vào chừng hơn 3km rồi mới gửi xe lại chân đồi cỏ tranh. Dù đường đi đã ngắn hơn nhiều so với trước, nhưng vẫn phải khá vất vả mới có thể lên được đến nơi. Trong số các đoàn cùng xuất phát buổi sáng hôm đó, ba bạn trẻ đã phải quay ngược trở lại vì tự thấy không đủ sức đi tiếp.
|
Cột mốc số 0 nơi cực tây Tổ quốc |
Sau gần 3 giờ leo chúng tôi đến được điểm cực tây Tổ quốc, mốc số 0, ngã ba Việt – Trung – Lào. Cột mốc được làm bằng đá granit hình lăng trụ cao 2m, đặt trên bệ vuông mỗi cạnh dài 5m, ba mặt của mốc được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước.
Luôn có những niềm tự hào và những cảm xúc khó tả khi ta được đặt chân tới những vùng miền xa xôi của tổ quốc. Thấy thêm yêu thương hơn đất nước của mình, cảm phục hơn những con người vẫn ngày đêm gắn bó với nơi này.
Chia tay Apachải, chúng tôi không đơn thuần kết thúc một chuyến đi, không đơn thuần đã đi và đã đến. Chúng tôi đã được hòa mình phần nào vào cuộc sống nơi này. Và vẫn mong sẽ có nhiều hơn nữa những chuyến đi như vậy, để mọi vùng miền tổ quốc càng trở nên gần gũi…
HOÀNG HÀ MAI- Tuoi Tre
Tin liên quan
Giải đấu BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024 đã khép lại. Giải không chỉ tìm thấy những nhà vô địch mới...
Còn gần 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025 và cũng là thời gian để ngành du lịch TP.HCM hoàn...
Sáng 15-11, Ban Tổ chức Giải đấu BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc đã thông tin với báo chí về giải. Ông...
Sáng 15-11, tại Cartagena de Indias, Colombia đã diễn ra Lễ công bố giải thưởng chính thức công nhận Làng rau Trà...
Bình luận (0)