Đã 5 năm kể từ khi Luật Giáo dục quy định chương trình giáo dục phải bảo đảm tính liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng học viên các trường nghề vẫn chưa được liên thông lên đại học.
Học sinh trường TC nghề Nhân Ðạo (TP.HCM) trong giờ thực hành – Ảnh: Mỹ Quyên
Ông Dương Đức Lân – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên:
* Thưa ông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhiều lần hứa hẹn học viên học nghề sẽ được học liên thông lên bậc đại học (ĐH), nhưng sao đến nay chủ trương này vẫn chưa được thực hiện?
Ông Dương Đức Lân
Ảnh: N.Thắng
|
– Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với Bộ GD-ĐT để xây dựng thông tư liên tịch thực hiện việc liên thông từ học nghề sang các trình độ của hệ thống giáo dục. Quá trình này diễn ra từ năm 2005. Suốt từ đó đến nay, chúng tôi đã làm việc nhiều lần với Bộ GD-ĐT để ban hành thông tư hướng dẫn học sinh học nghề được học liên thông lên ĐH. Tuy nhiên đến nay, thông tư này vẫn chưa ra được vì nhiều lý do. Có ý kiến cho rằng đào tạo nghề và đào tạo ĐH là hai hệ thống không đồng nhất nên không liên thông được. Hầu hết các cuộc trao đổi của chúng tôi đều chưa đi đến thống nhất và chúng tôi vẫn phải tiếp tục trao đổi để ban hành thông tư này.
* Nhưng thưa ông, về mặt lý thuyết, luật đã là căn cứ pháp lý cao nhất để thực hiện chủ trương này. Hai bộ chỉ có nhiệm vụ xây dựng thông tư để triển khai. Vì sao lại có chuyện trao đổi mãi?
– Chúng tôi biết đây là vấn đề bức xúc nhất của học sinh học nghề. Hiện có khoảng 10% – 15% học sinh tốt nghiệp các trường CĐ nghề có nhu cầu được học lên bậc ĐH. Tạo điều kiện cho họ được học liên thông cùng với việc công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập là điều cần thiết. Nếu không được học lên bậc học cao hơn, họ cảm thấy học nghề đi vào ngõ cụt. Ở nước ngoài, việc cho chuyển đổi kết quả học tập để học liên thông là chuyện bình thường, nhưng ở Việt Nam thì khó khăn quá. Tôi cũng không lý giải được vì sao đến bây giờ Bộ GD-ĐT vẫn không thống nhất ban hành thông tư này.
* Có ý kiến cho rằng đối với hệ thống giáo dục hàn lâm, học sinh phải trải qua kỳ thi rất căng thẳng mới vào được hệ CĐ, ĐH. Trong khi đó, ở các trường CĐ nghề thì học sinh chỉ cần xét tuyển là được vào. Do đó sẽ không công bằng và không đảm bảo chất lượng nếu thực hiện chủ trương liên thông?
– Quan điểm đó là không đúng. Các trường trong hệ thống giáo dục hàn lâm được thực hiện liên thông với nhau, trong đó người học trung cấp chuyên nghiệp cũng được học liên thông lên ĐH, CĐ. Đối tượng học sinh thuộc hệ đào tạo này cũng chỉ tốt nghiệp THCS, THPT và không qua kỳ thi chung nào của Bộ GD-ĐT. Như vậy, theo tôi, quan điểm đánh giá chất lượng đào tạo mà chỉ cpăn cứ ở đầu vào là phiến diện và đi ngược lại với xu thế của các nước trên thế giới. Tôi được biết, có ý kiến còn cho rằng nếu để học sinh các trường CĐ nghề cùng thi liên thông lên ĐH với các học sinh trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục ĐH thì học sinh trường nghề sẽ không thi được! Theo tôi, lý do đó không có sức thuyết phục. Năng lực của người học đến đâu thì kỳ thi sẽ quyết định. Còn việc lấy lý do đó để cản trở việc cho họ được học liên thông là không công bằng và đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước.
Vũ Thơ thực hiện/ TNO
Bình luận (0)