Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

“Tắc” đường về ăn Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Cận Tết, gặp bất kỳ công nhân ở KCN, KCX nào, người ta thường hỏi nhau hai câu: “Thưởng Tết được nhiều không?” Tiếp theo mới là “có về quê ăn Tết không?”. Những người “trong cuộc” sẽ biết, hai câu hỏi ấy tuy hai mà một.
Từ lâu, thưởng Tết đã trở thành “một phần tất yếu của ngày Tết”. Đến hẹn lại lên, cứ năm hết Tết đến câu chuyện thưởng Tết lại trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều người. 
Với công nhân, việc thưởng Tết còn được trông ngóng nhiều hơn bởi nó liên quan đến chuyện có được về quê ăn Tết với gia đình sau một năm mưu sinh xứ người.
Cận Tết, gặp bất kỳ công nhân ở KCN, KCX nào, người ta thường hỏi nhau hai câu: Thưởng Tết được nhiều không? Tiếp theo mới là có về quê ăn Tết không? Những người “trong cuộc” sẽ biết, hai câu hỏi ấy tuy hai mà một. Nếu cuối năm không có thưởng Tết, hay chỉ được vài đồng thì ước mơ được về quê ăn Tết với gia đình sẽ tiếp tục gác lại đến mùa Xuân… sang năm.
Cho đến lúc này, mọi thứ có vẻ đã an bài. Thì đây, công bố từ các doanh nghiệp cho thấy mức thưởng Tết năm nay, mức thưởng cao nhất năm nay là 8,2 tỉ đồng (thuộc về một doanh nghiệp tại TPHCM), tiếp đó là những mức 1,1 tỉ đồng, 700 triệu đồng, 100 triệu đồng, 70 triệu đồng…

Nhiều công nhân mong tiền thưởng tăng để có cái Tết ấm áp hơn. Ảnh: Internet
Tiền thưởng một cái Tết của người này bằng số tài sản mơ ước phấn đấu cả đời của người khác. Trong khi có những người lĩnh tiền thưởng Tết lên tới 8, 9 con số, thì rất nhiều người, trong đó đông nhất là công nhân đang phải ngậm ngùi với tiền thưởng là vài chục nghìn đồng, hoặc không gì cả.
Từ thực tế ấy, không có gì lạ khi Liên đoàn Lao động TPHCM vừa cho biết, trong số 260 nghìn công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại thành phố, chỉ có một phần nhỏ trở về quê ăn Tết, còn hơn 200 nghìn công nhân ở lại. Không hẳn vì khoảng cách địa lý, không hẳn vì khó mua được vé tàu xe, “thiếu tiền” mới là vấn đề biến con đường về quê dịp Tết trở thành con đường xa vạn dặm.
Quanh năm lầm lụi làm việc kiếm tiền nơi đô hội nhưng mong ước được hưởng một cái Tết thật đầm ấm bên gia đình, họ mạc nơi làng quê yên bình đã biến thành giấc mơ xa xôi. Bên cạnh đó, không thiếu công nhân, do công ty phá sản, làm ăn thua kém, do mất việc, giảm luơng mà cuối năm vẫn rỗng túi, đành dằn lòng ở lại thành phố công nghiệp, ăn một cái Tết xa lạ, không một người ruột thịt.
Ai xa nhà mới cảm thấy hết nỗi buồn xa xứ ngày Xuân, những ngày sát Tết ở thành phố phồn hoa, hơi thở ngày Xuân như toát ra một hương vị lạnh lẽo và buồn tủi. Những thân phận làm thuê sẽ trở nên lạc lõng trong không khí phố phường, vào những ngày mà nhân viên công sở, những dân phố thị rạo rực tiền thưởng Tết, rạo rực mua sắm Tết. Không ít những em gái mới rời quê đi làm, năm đầu tiên, thấy nhà nhà đón Tết, tủi thân, về phòng nằm khóc. Một người khóc rồi cả phòng khóc. Nước mắt ấy liệu có giúp các cô vợi nỗi nhớ nhà?
Đã bao năm rồi, hàng trăm nghìn người vẫn tắc đường về quê, dù mỗi năm họ chỉ đi hành trình ấy có một lần. Cái “tắc” ấy bao giờ mới được giải tỏa?
Theo Thể thao văn hóa

Bình luận (0)