Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tác giả nhí và những sáng tác trong trẻo, hồn nhiên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều tác giả nhí viết sách, làm sách cho bạn đọc tuổi mình. Các bé đang khiến người lớn ngỡ ngàng với những tiểu thuyết nhiều tập, tham gia minh họa, chuyển ngữ… thậm chí có tác phẩm đoạt giải thưởng.

COVID trong mắt trẻ thơ

Chú rái cá Sumo trèo qua cành cây gãy để đi từ Thảo Cầm Viên vào thành phố mùa giãn cách. Chú đi qua những con đường vắng bóng người, trò chuyện với lũ chim câu, nhìn ngắm những hàng cây và cứu một chú mèo… Những bức tranh đáng yêu được họa sĩ nhí Nguyễn Thuần Nhiên vẽ minh họa cho tập truyện Chuyện gì sẽ xảy ra khi rái cá vào thành phố? (thuộc bộ sách COVID trong mắt trẻ thơ, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam). Còn họa sĩ nhí Lê Sinh Hùng (12 tuổi) lại có những phác họa hết sức dí dỏm, dễ thương về chú chó Lu trong tập truyện Ngài Lu. Hay bé Trọng Hiếu (9 tuổi) đã tạo ra cả một khu rừng sinh động với đủ muôn loài: thỏ, gấu, cáo, vượn, nhím, sóc… 

Họa sĩ - dịch giả nhí Lê Sinh Hùng (trái) chia sẻ em cảm thấy hào hứng khi được tham gia dự án sách COVID trong mắt trẻ thơ

Họa sĩ – dịch giả nhí Lê Sinh Hùng (trái) chia sẻ em cảm thấy hào hứng khi được tham gia dự án sách COVID trong mắt trẻ thơ

Bộ sách có bảy tập thì có bảy họa sĩ nhí minh họa, còn “đội ngũ” dịch giả nhí chuyển ngữ sang tiếng Anh gồm năm bé: Hoàng Long, Hoàng Phúc, Sinh Hùng, Khôi Nguyên và Thuần Nhiên. Tất cả đều dưới 12 tuổi. COVID trong mắt trẻ thơ khởi đầu từ ý tưởng của thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, người sáng lập dự án Ô cửa sách (Đà Lạt).

Những câu chuyện được chị kể online cho các bé nghe trong mùa giãn cách trở thành chất liệu để các bé vẽ và chuyển ngữ. “Khi được trao niềm tin, trẻ sẽ hoàn thành công việc và sáng tạo không thua kém người lớn. Sau dự án khởi đầu này, tôi cũng nghĩ đến dự án tiếp theo mà chính các bé sẽ là những người sáng tác nội dung” – thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm chia sẻ. 

Sau khi bộ sách được trao thưởng tại giải Dế Mèn lần 3/2022, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức loạt sự kiện giới thiệu sách và các hoạt động sáng tạo cho các em thiếu nhi tại TP.HCM (trong hai ngày 11 và 12/6). Những cây cọ nhí: Gia Linh, Hoàng Phương, Nguyên An, Tú Uyên, Thuần Nhiên… đã cùng chơi, cùng vẽ với các bạn nhỏ đồng trang lứa. Hoạt động vừa tạo sân chơi cho trẻ nhỏ, vừa tìm kiếm những gương mặt tiềm năng cho các dự án sách tranh sắp tới của Ô cửa sách.

Cùng sáng tạo câu chuyện và vẽ tranh-sân chơi dành cho các bạn nhỏ do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tổ chức, tại Đường sách TPHCM vào ngày 11/6

Cùng sáng tạo câu chuyện và vẽ tranh-sân chơi dành cho các bạn nhỏ do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tổ chức, tại Đường sách TPHCM vào ngày 11/6

Trong mắt trẻ thơ, thiên nhiên, cuộc sống, những điều giản dị quen thuộc thể hiện qua tranh vẽ thuần khiết, hồn nhiên mà cũng rất cảm động. Như hình ảnh ông nội và bé Bống trong câu chuyện Lồng đèn bí đỏ – một câu chuyện có ý nghĩa chữa lành tâm hồn trẻ thơ khi người thân qua đời vì COVID-19. Hay hình ảnh người bố là bác sĩ trong trang phục bảo hộ về nhà thăm con trai vào đêm Noel; hình ảnh cô giáo mầm non phải làm đủ mọi nghề để xoay xở trong mùa dịch bệnh… 

Một thế giới của tưởng tượng và sáng tạo 

Ngày 19/6 tới, một sự kiện ra mắt hai tác phẩm dành cho thiếu nhi của NXB Tổng hợp TP.HCM sẽ được tổ chức tại Đường sách TP.HCM: Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby của nhà văn Isabelle Müller và Ngài Kẹo của tác giả nhí Quỳnh Trần. Ngài Kẹo là cuốn sách đầu tay, được Quỳnh Trần (sinh năm 2007) viết trong thời gian giãn cách vì COVID-19 hồi năm ngoái. Khởi đầu câu chuyện là sự xuất hiện của tiệm bánh kẹo lớn nhất thị trấn mang tên Candy shop – Best N Town của Ngài Kẹo. Tiệm luôn đông khách vì giá rẻ và có nhiều loại bánh kẹo bắt mắt.

Trái ngược với cửa hàng kẹo là cửa hàng bán đồ dùng nha khoa của gia đình cô bé Wendy (12 tuổi). Bố mẹ Wendy phục vụ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người dân trong thị trấn, với mong muốn mọi người, nhất là những đứa trẻ, tránh khỏi tác hại của đồ ngọt. Kể từ khi Ngài Kẹo chuyển đến, những đứa trẻ trong thị trấn lần lượt mất tích một cách kỳ lạ. Wendy và cậu bạn thân Albert đã bước vào một cuộc phiêu lưu khám phá bí mật và giải cứu những người bạn của mình…

Bộ sách COVID trong mắt trẻ thơ với phần minh họa do các họa sĩ nhí vẽ

Bộ sách COVID trong mắt trẻ thơ với phần minh họa do các họa sĩ nhí vẽ

Đọc tác phẩm của Quỳnh Trần, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy đánh giá cao khả năng làm chủ ngôn từ và sử dụng thủ pháp ẩn dụ để kể chuyện của cây bút nhí 15 tuổi. Còn Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi, tác giả nhí được trao giải Khát vọng Dế Mèn 2022) gửi vào câu chuyện của mình những góc nhìn hết sức nhân văn về thế giới tự nhiên và con người. Đó là chuyện một chiếc lá bàng cô đơn tự rời cành làm chiếc ô che mưa cho nhím con, rồi hòa vào đám lá bàng khô. Chuyện cái cây già sợ hãi mùa đông lạnh giá, nhưng khi có chú chim đến làm tổ, cây nhận ra bốn mùa dù có thế nào thì yêu thương và niềm tin vẫn vậy. Từ cuộc thi Đóa hoa đồng thoại (được tổ chức thường niên), nhiều cây bút nhí tiềm năng cũng đã được phát hiện.

Sau Nguyễn Bình, Cao Việt Quỳnh, Cao Khải An, những gương mặt tác giả nhí còn có thêm Nguyễn Khang Thịnh (Nhật ký nhóc Alvin siêu quậy, Cẩm nang sinh tồn siêu cấp: Miền hoang dã đáng sợ và trường học), Nguyễn Hạnh Phương (Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại), Mina Phạm (Bí mật khi học ngoại ngữ của tớ –  Bí quyết hạnh phúc khi tự học)… Kể những câu chuyện hài hước đời thường trong cuộc sống; viết truyện dài hay tiểu thuyết nhiều tập, truyện chữ hay sách tranh, sách kỹ năng… Dù bằng cách nào, các cây bút nhí cũng đang cùng nhau tạo nên thế giới của tưởng tượng và sáng tạo không giới hạn. 

Theo Song Giang/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)