Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tác giả những công trình tiêu biểu

Tạp Chí Giáo Dục

Lê Mỹ Quỳnh Như: Mua ve chai làm đồ chơi cho trẻ

Cô Lê Mỹ Quỳnh Như với những loại đồ chơi tự làm từ ve chai. Ảnh: Tuy An

24 năm dạy học mầm non, cô giáo Lê Mỹ Quỳnh Như, Trường Mầm non Tân Định, Q.1, TP.HCM không ngừng mày mò, sáng tạo ra những bộ đồ chơi cho trẻ. Sau giờ lên lớp, cô lại vào vai một người mua ve chai đi lùng sục phế liệu về cắt, dán thành nhiều bộ đồ chơi trí tuệ.
Trong số đó, bộ cờ “Tấm thảm thông minh” được Liên đoàn Lao động TP.HCM bình chọn là một trong số 35 công trình tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2010).
Đơn giản chỉ là một bộ cờ nhưng điểm khác biệt so với các loại cờ trí tuệ dành cho bậc học này là trẻ có thể chơi nhiều cách theo từng chủ đề cụ thể. Bộ cờ này đã đạt giải thưởng đồ dùng dạy học tự làm cấp quận năm 2002 và đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2003. Tuy nhiên, trước đó, bộ cờ này đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều trường mầm non.
Bộ cờ “Tấm thảm thông minh” đã được Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em Nam Hưng, TP.HCM mua bản quyền để sản xuất và hiện nay sản phẩm đang được bán rộng rãi ở các cửa hàng, nhà sách. “Khi trẻ thiếu đồ chơi, mình phải suy nghĩ và làm ra, đó là trách nhiệm của mình. Những bộ đồ chơi này rất dễ làm, dễ tìm nguyên vật liệu lại rẻ tiền. Chúng tôi không đặt nặng chuyện bản quyền, miễn là sản phẩm ấy được phụ huynh tin dùng, trẻ có điều kiện phát huy khả năng sáng tạo, đó là niềm vui lớn nhất”. Cô Quỳnh Như chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, quyền Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Định, đồng tác giả của bộ cờ cho biết: “Nhìn bộ cờ đơn giản, không cầu kỳ nhưng với nhiều cách chơi sẽ khắc sâu kiến thức vào trong đầu trẻ”.
Là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, tích cực tham gia các phong trào Đoàn, hội, cô Quỳnh Như còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và hàng trăm sản phẩm, mô hình đồ dùng dạy học tự làm được đánh giá cao. Cô Ngọc Ánh tự hào nói: “Cô Quỳnh Như luôn hết lòng với trẻ, biết trẻ thiếu gì và cần gì cô đều làm cho trẻ với một cái tâm trong sáng, không nghĩ đến bản thân mình. Cô Quỳnh Như còn nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các trường trong và ngoài quận về việc đưa ra ý tưởng và làm đồ chơi miễn phí cho trẻ”.
Thầy Lương Trọng Bình: Sáng tạo không cần thù lao

Thầy Lương Trọng Bình. Ảnh: Tuy An

“Tôi không lấy tiền bản quyền, nếu lấy chẳng khác nào mình “góp phần” đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Tôi luôn mong rằng các trường nghèo, trẻ em nghèo đều có thể sở hữu đồ chơi do mình làm ra”. Thầy Lương Trọng Bình (Phòng GD-ĐT quận 3), tác giả của hàng trăm bộ đồ chơi trẻ mầm non khẳng định như thế.
Từ loại trò chơi định hướng không gian, trò chơi đẩy số vốn khó sử dụng, thầy Bình đã cải tiến thành bộ đồ chơi “Bé xếp hình học toán” bằng chất liệu gỗ để trẻ thao tác dễ dàng bằng kiểu chơi cầm nắm. Đó là những bộ cờ gồm 35 quân cờ, mỗi quân cờ có kích thước 2cm. Trẻ vừa chơi vừa học cách sắp xếp số chẵn, số lẻ, từ nhỏ đến lớn và ngược lại, hoặc có thể xếp đôi số. “Trên thị trường có nhiều loại đồ chơi cho trẻ nhưng những trò chơi đáp ứng đủ yêu cầu thì không có. Từ thực tế đó, đòi hỏi giáo viên phải nghĩ ra nhiều loại đồ chơi hiệu quả hơn”, thầy Bình nói.
Điểm mới của trò chơi là có thể tháo lắp, thay đổi quân cờ để chơi trò chơi khác. Với trò chơi này, trẻ sẽ được rèn luyện kỹ năng toán học cơ bản phù hợp với trẻ mầm non (không phải chương trình toán tiểu học). Bộ đồ chơi còn giúp trẻ phát triển tính chủ động, sáng tạo qua các kỹ năng sắp xếp theo mẫu và kỹ năng nhận biết liền kề. Bộ đồ chơi này không thiết kế cho một cách chơi mà mở rộng nội dung trò chơi cho nhiều đối tượng mầm non, càng chơi nhiều càng thấy độ mở của nó.
Ngoài ra, thầy Bình còn có nhiều mô hình, sản phẩm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự làm. Bộ “Bàn cân học toán” có hiệu quả trong việc tạo tiền đề cho trẻ chuẩn bị vào tiểu học như học cửu chương nhanh, làm quen với phép tính. Năm 2004, thầy Bình cũng đã thiết kế thành công sân khấu rối đa năng để giúp một cô giáo cùng lúc điều khiển nhiều con rối. Năm 2005, thầy Bình cùng tập thể giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 hoàn thành công trình phòng chơi Kidsmart với gần 200 bộ đồ chơi. Đây cũng là công trình được Liên đoàn Lao động TP.HCM công nhận công trình tiêu biểu 30 năm giải phóng miền Nam.
Thầy giáo mà dạy trẻ mầm non quả thật xưa nay hiếm. Với thầy Lương Trọng Bình, công việc này là một niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Từ năm 1991 đến 1994 là giáo viên Trường Mầm non 5, quận 3. Từ 1994 đến 2005 là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường MN Tuổi Thơ 7, quận 3. Từ 2005 đến nay, thầy Bình được điều chuyển sang phụ trách chuyên môn mầm non Phòng GD-ĐT quận. Mới đây, do nhu cầu về nhân sự, thầy được chuyển sang công tác tại phòng thư viện, thiết bị.
Mặc dù bận rộn với công việc nhưng khi các đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em cần, thầy sẵn sàng gửi ý tưởng, mẫu mã mà không nhận thù lao. Thầy Bình tâm sự: “Được bình chọn trong 35 công trình tiêu biểu của thành phố là một sự may mắn của tôi. Tôi nghĩ rằng, còn có nhiều giáo viên giỏi trong hàng triệu giáo viên mầm non còn xứng đáng hơn mình”.
Nguyễn Khánh Ánh Hoàng: Viết phần mềm ở tuổi lên 10

Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Là học sinh duy nhất có sản phẩm được Liên đoàn Lao động TP.HCM bình chọn trong 35 công trình tiêu biểu. Khánh Hoàng (học sinh lớp 12 chuyên tin, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) còn là tác giả của nhiều phần mềm có giá trị như “Trình duyệt web bảo vệ trẻ em”; phần mềm dạy nhạc và giáo dục trực tuyến…
Năm 2003, Bộ GD-ĐT thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa và Khánh Hoàng nghĩ sẽ tốt hơn hết là đổi mới được cả hình thức giảng dạy lẫn học tập trong nhà trường. Nhưng ai sẽ là đối tượng nhắm tới? Khánh Hoàng đã nghĩ đến những bé lớp 1 – những lớp học sinh đầu tiên xứng đáng và đầy đủ những điều kiện cần để được ứng dụng một công nghệ hiện đại. Phần mềm “Em học toán” ra đời và đã nhận cúp vàng Giải thưởng công nghệ thông tin truyền thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2003 (Asia – Pacific ICT Awards – APICTA 2003) tổ chức tại Thái Lan.
Khánh Hoàng chia sẻ: “Khi hay tin phần mềm “Em học toán” được bình chọn công trình tiêu biểu của thành phố, em rất bất ngờ và vui sướng. Tự nghĩ rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này”.
Phần mềm như một quyển sách giáo khoa điện tử đầy ắp màu sắc, âm thanh và bất kỳ bé nào cũng sử dụng được. Khi viết phần mềm, Khánh Hoàng chỉ nghĩ đơn giản nó sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho các em. Nhưng được ứng dụng rộng rãi đã tạo động lực cho Hoàng tiếp tục thực hiện các phần mềm khác như “Trình duyệt web bảo vệ trẻ em” (ngăn chặn web xấu), phần mềm dạy nhạc và giáo dục trực tuyến…
“Kinh nghiệm học giỏi của em là không đi học thêm. Vì vậy, ngoài việc củng cố lại kiến thức và tự rèn thêm những điều đã được hiểu trên trường, em có rất nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu những điều em thích thú và tâm đắc. Trong tương lai, em sẽ tiếp tục theo đuổi công việc viết phần mềm nhưng chắc chắn sẽ chuyên môn hơn và chất lượng hơn”, Khánh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm học tập.
Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)