'Quân khu Nam Đồng' – cuốn sách đầu tay của Bình Ca – ra mắt tình cờ và thành công ngoài mong đợi. Tác giả đồng ý chia sẻ về tác phẩm nhưng kiên quyết giấu kín hình ảnh, danh tính thật và công việc của mình.
– Cuốn sách của ông đang mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Độc giả cũng có nhu cầu chính đáng được biết người viết ra những trang sách mình yêu thích là ai. Vậy, tại sao ông từ chối xuất hiện?
– Tôi vốn hiền lành, nhút nhát và ngại xuất hiện chỗ đông người. Trong thời buổi cởi mở thông tin và tự do gần như hoàn toàn trên các trang mạng xã hội như hiện nay, biết đâu tôi lại bị thiên hạ xúm vào "ném đá" vì tội chẳng biết gì văn chương chữ nghĩa mà dám viết sách. Ban đầu, tôi chỉ muốn viết lại chuyện ngày xưa, gửi bạn bè đọc chơi, không có ý định xuất bản. Trước khi cầm bút viết câu chuyện này, tôi chưa từng viết dù chỉ một trang trên báo. Thế rồi, chú em tôi đọc, cho là hay, đòi đem in. Nhưng chú ấy có bị phơi tên ra đâu, nếu chẳng may sách bị người ta chỉ trích.
Tôi dùng bút danh vì nếu như cuốn sách có dở hoặc làm ai đó không hài lòng, cứ để họ "ném đá" cái ông "Bình Ca" nào đó.
– Phần mở đầu cuốn sách có nói, đây là tập hợp các câu chuyện của nhiều cá nhân, do một người chấp bút, vậy yêu tố “tập thể” và vai trò cá nhân có tỷ lệ như thế nào trong "Quân khu Nam Đồng"?
– Tôi cho rằng 50/50. Nếu không có những câu chuyện trong quá khứ cho đến ngày nay vẫn còn nóng hổi, nếu không có bạn bè luôn ôn lại kỷ niệm xưa mỗi khi gặp nhau và không có sợi dây tình bạn thân thiết ràng buộc, tôi sẽ không thể viết nên cuốn truyện này.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận vai trò cá nhân. Dữ liệu của tuổi thơ ngày đó là vô tận, có thể viết liền ba tập như thế này cũng chưa hết chuyện… Mọi người ở khu tập thể Nam Đồng đều biết, đều nhớ, nhưng tôi là người đầu tiên viết thành một cuốn sách. May mà các bạn trong "Quân khu Nam Đồng" thích câu chuyện này. Đối với tôi, đó là điều quan trọng nhất.
– Còn lý do cá nhân nào thúc đẩy ông viết “Quân khu Nam Đồng” nữa không, ngoài những nguyên nhân đã nói ở phần đầu cuốn sách?
– Tôi muốn kể cho mọi người câu chuyện về một giai đoạn có vẻ bị văn chương nước nhà bỏ quên: Tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất. Và qua đó, tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ngày nay một điều: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, hai mươi năm đầu chính là nửa đời tươi đẹp và quan trọng nhất của bạn. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, và đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát. Mong các bạn coi câu chuyện của chúng tôi như một sự trải nghiệm, để giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Tác giả cuốn sách lấy bút danh là Bình Ca. Ông không muốn tiết lộ danh tính của mình. |
– Một trong những nguyên nhân khiến "Quân khu Nam Đồng" hấp dẫn là sự hài hước có duyên trong giọng kể. Là người lần đầu viết văn, ông chủ tâm dùng giọng kể đó hay nó tự nhiên bật ra?
– Thú thật trước khi cầm bút, tôi không còn nhớ một tẹo gì những kiến thức ngữ pháp mình học ngày xưa. Điều đơn giản nhất là khi nào phải viết hoa tôi cũng không biết… lấy đâu ra cái việc xa xỉ là chọn giọng văn nào cho phù hợp. Tôi phải mày mò tra cứu… và sau đó cắm đầu viết trong thời gian sau công việc (vốn rất nhiều). Có lẽ chẳng ai viết một cuốn sách mà không hề quan tâm đến việc lập dàn ý, xây dựng các tuyến nhân vật, cài cắm ý tưởng. Tôi cứ để những gì sẵn có trong tôi tuồn tuột chảy ra một cách tự nhiên. Sau hai tháng thì tôi hoàn thành bản thảo lần thứ nhất.
Vì là “truyện”, nên trong tác phẩm tôi phải sử dụng ngôn ngữ phù hợp với nhân vật. Nhân vật nào chua ngoa thì giọng trong truyện cũng chua ngoa. Nhân vật nào hung hăng thì giọng cũng hùng hổ. Giọng hàng ngày của tôi hiền lắm, không giống trong truyện đâu.
– Nhiều bạn đọc đã có hồi đáp trên mạng xã hội về những ký ức riêng của mình với "Quân khu Nam Đồng", những điều ông chưa viết trong sách, với rất nhiều tiếc nuối. Những cái “không có mặt” đó là do ông không nhớ, không biết hay chủ tâm không đưa vào?
– Trong cuộc sống, khi hành động, tôi luôn nhắm tới mục tiêu. Ví dụ, khi tôi muốn leo lên đỉnh ngọn núi để cắm cờ, tôi sẽ chọn cho mình con đường phù hợp nhất để tiến lên. Tôi không kết hợp leo núi với đào vàng, cho dù có những mỏ lộ thiên xuất hiện trên con đường tôi đi. Nếu thích, lần sau tôi sẽ quay lại để đào.
Tôi đã phải gạt đi vô vàn ký ức và chuyện ly kỳ của mình cũng như bạn bè – trong khu Nam Đồng và các khu gia binh khác – nếu nó không phù hợp hoặc làm mất nhịp điệu câu chuyện tôi đang kể.
Những ai tiếc nuối về một câu chuyện còn chưa kể tiếp, các bạn ấy sẽ phải chờ, hoặc các bạn ấy đứng ra tự kể.
– Cuốn sách đã không chỉ ra nguyên nhân xã hội và không đi sâu vào những số phận đầy bi kịch do cuộc sống thiếu thốn tình cảm và sự giáo dục của người cha, không chỉ ở Quân khu Nam Đồng mà còn ở rất nhiều gia đình người lính khác, dẫn đến hậu quả mà xã hội phải gánh chịu thời hậu chiến là nạn “quân khu’ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Ông nghĩ sao về điều này?
– Nói thực, ban đầu tôi cũng phân tích kỹ càng những nguyên nhân xã hội như bạn nói, thậm chí còn triết lý một tý nữa là đằng khác, nhưng sau tôi bỏ hết đi. Hãy để cho cuộc sống và số phận nhân vật nói lên điều đó.
Còn việc đi sâu miêu tả những số phận đầy bi kịch nữa ư…? Tôi thấy điều đó trong câu chuyện này đủ rồi. Bạn hỏi làm tôi nhận thấy một nhược điểm lớn của mình, có lẽ vì thế tôi nghĩ mình không bao giờ có thể trở thành “nhà văn”: Tôi không thích đi sâu miêu tả những số phận đầy bi kịch. Tôi luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp và hướng về phía trước, cho dù cuộc sống có đau buồn tới đâu.
Bạn hỏi tôi về “nạn quân khu” cuối những năm 70 và đầu 80… Ngày đó tôi đang ở trong quân ngũ, nên không biết nhiều về những chuyện này. Nhưng tôi cho rằng nếu các em ấy có những điều không nên không phải, trước hết, trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Bản chất của tuổi thơ là những trang giấy trắng.
– Với cá nhân ông, còn điều gì ông thấy muốn viết mà chưa viết được trong "Quân khu Nam Đồng"?
– Tôi muốn viết thêm về thế hệ 6X, 7X trong khu tập thể. Họ nên được dành một vị trí xứng đáng trong câu chuyện. Nhưng tôi không dám viết, khi thấy truyện đã dài. Ngay cuốn truyện “Quân khu Nam Đồng” bạn cầm trên tay, tôi chắc thể nào cũng sẽ có người nói khi nhìn thấy: "Chuyện quân khu quân kheo ngày xưa, có gì mà bôi ra tới hơn 400 trang…".
– Ông không đồng ý xuất hiện, nhưng ông muốn độc giả hình dung thế nào về tác giả "Quân khu Nam Đồng"?
– Một người hiền lành, tốt bụng, có trách nhiệm với bạn bè, lạc quan, hào sảng, nghĩa hiệp… Tóm lại, rất "Quân khu Nam Đồng".
Nam Chi (Nguồn VNE)
Bình luận (0)