Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tác hại của lối dạy khuôn đúc

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục đúc khuôn, từ lâu đã trở thành mối quan tâm của xã hội khi tự thân nó bộc lộ những mặt hạn chế nhất định trong quá trình tương tác giữa người dạy và người học.

Đa phần các ý kiến tập trung phân tích về những hệ lụy mà nó gây ra cho đối tượng người học. Chẳng hạn như làm thui chột cá tính sáng tạo của học sinh, dạy học sinh thói tật nói dối, áp đặt lối suy nghĩ của người lớn đối với con trẻ… Bản thân là người đứng trên bục giảng, để có cái nhìn rộng hơn, tôi thiết nghĩ, cũng cần chỉ ra những điểm sáng mà người dạy sẽ đạt được nếu chúng ta khước từ lối dạy đúc khuôn và tôn trọng cá tính sáng tạo độc lập của người học. Nhận rõ những tín hiệu tích cực ấy, người dạy sẽ mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy xưa cũ.

Khi cho học sinh trong lớp thảo luận một vấn đề thuộc về kiến thức, chúng ta không nên áp đặt cách nghĩ một chiều cho các em. Lối truyền đạt “cưỡng bức” đó, thực tế chỉ được các em tiếp nhận trong tâm thế tiêu cực. Qua năm tháng, chữ thầy lại trả cho thầy, thật đáng tiếc! Thay vào đó, người dạy chỉ cần khéo léo nêu vấn đề cần giải quyết và cho người học được nói lên những suy nghĩ của chính mình bằng các hoạt động trực quan như thảo luận nhóm, thuyết trình, trò chơi hỏi – đáp, hoặc đơn giản là một bài viết chia sẻ cảm nhận tại lớp trong 10-15 phút… Vào cuối mỗi buổi học, hãy thử thay từ khóa “kết luận” thành từ “tạm kết” vừa để nhấn mạnh tính bỏ ngỏ, vừa để nâng cao ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của người học trong hành trình chinh phục tri thức. Như vậy, người dạy vẫn nói rõ nội dung kiến thức, vẫn phân tích từng khía cạnh của mỗi quan điểm nhưng không quá khắc khe, hạn chế tư duy của người học.

Để người học thỏa sức bày tỏ quan điểm của bản thân chính là cơ hội để người thầy đến gần hơn với thế giới quan của người học. Chiếc cầu nối vô hình ấy sẽ giúp xóa bỏ các khoảng cách do tuổi tác, giới tính… gây ra. Những lý thuyết tưởng chừng khô khan và khó hiểu sẽ trở thành những ký ức sâu đậm trong trí nhớ của học sinh nếu nó được truyền tải thông qua một hình ảnh, một câu chuyện gần gũi với đời sống thường nhật của các em. Và tất nhiên, chúng ta có thể tìm kiếm các hình ảnh, các câu chuyện gần gũi ấy thông qua những lần để học sinh tự do trình bày suy nghĩ của mình.

Từ chối lối dạy đúc khuôn, người thầy còn tự giúp chính bản thân vượt qua lối mòn của suy nghĩ, giúp chống lại sức ì của việc quá tự tin vào kiến thức của bản thân. Có những kiến thức, theo thời gian, sẽ nảy sinh những đổi thay nhất định bởi sự tác động từ quá trình vận động và phát triển không ngừng của xã hội, của khoa học. Những lối nghĩ “lệch pha” của học sinh hoàn toàn có thể tiềm ẩn những tia sáng của phản biện khoa học.

Những trải nghiệm của học sinh sau một buổi học, kỳ thực hành, ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm của chính người thầy về buổi học đó. Nó sinh động, nhộn nhịp hay nhàm chán, tẻ nhạt, phụ thuộc vào cách người thầy thiết kế và triển khai bài giảng theo lề lối của đúc khuôn hay linh hoạt. Nếu người thầy cứ mải mê rao truyền kiến thức như thể một chiếc máy ghi âm về những nội dung bài giảng có sẵn thì món quà khi kết thúc tiết học chỉ là cảm giác của chai sạn…

Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)

Bình luận (0)